Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người

Thứ Tư, 30/10/2024, 17:21

Trong những năm qua, Vĩnh Phúc là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế. Cùng với đó, công tác an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo của người dân được tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhiều cơ chế, chính sách đầu tư cho phát triển văn hóa được ban hành, triển khai kịp thời; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên, đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cũng được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả tích cực.

 Nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho người dân

Thực hiện các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành TW Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 15 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và Nghị quyết số 12 về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19 về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06, 08 về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, trong đó, đặt ra các nhóm mục tiêu, giải pháp cụ thể để phát triển văn hóa Vĩnh Phúc đến năm 2030 nhằm huy động mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa cơ sở, phục vụ và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người  -0
Đồng bào dân tộc Sán Dìu với trang phục truyền thống tại Lễ hội Tây Thiên (Tam Đảo). Ảnh: Dương Chung.

Trong giai đoạn 2020 - 2023, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề hỗ trợ xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, Làng văn hóa kiểu mẫu như Nghị quyết số 04 về Hỗ trợ hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị thể dục thể thao ngoài trời cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao của các xã, phường, thị trấn và khu thể thao ở các thôn, tổ dân phố; Nghị quyết số 16 quy định mức hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024, năm 2025.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai Đề án truyền thông về phát triển Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 thực hiện trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, ngân sách tỉnh bố trí từ 300- 400 triệu đồng cho hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người  -0
Uy nghiêm đền Đá Phú Đa. Ảnh Khánh Linh.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2020 - 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch... để phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; nếp sống văn hóa, dân chủ, văn minh.

Toàn tỉnh hiện có 9/9 huyện, thành, phố có Trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện bảo đảm theo quy định; có 136/136 xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa, hội trường từ 250 chỗ ngồi trở lên, trong đó có 105 xã nông thôn mới có Trung tâm Văn hóa, thể thao đạt chuẩn theo quy định 14.000 m2 trở lên; có 1.237/1.237 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao, trong đó có 1.072 thôn đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Diện tích bảo đảm từ 800 m2 trở lên, có các công trình như nhà văn hóa thôn, sân tập luyện thể thao đơn giản, thiết bị hoạt động bảo đảm tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh về hỗ trợ hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị thể dục thể thao ngoài trời cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao của các xã, phường, thị trấn và khu thể thao ở các thôn, tổ dân phố, đến nay, toàn tỉnh có 125/136 xã, phường, thị trấn; 1.105/1.237 thôn, tổ dân phố đã lắp đặt xong thiết bị thể dục thể thao ngoài trời, ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 160 tỷ đồng; ngân sách xã hội hóa trên 1,2 tỷ đồng.

Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người  -0
Tháp Bình Sơn - một tuyệt tác tháp uy nghi, cổ kính. Ảnh: vinhphuc.gov.vn.

Năm 2023, Vĩnh Phúc triển khai đầu tư xây dựng 28 Khu thiết chế văn hóa thể thao Làng Văn hóa kiểu mẫu với các hạng mục nhà văn hóa thôn và sân bãi; khu thể dục thể thao; khu vườn dạo, vườn hoa, cây xanh; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết hợp linh hoạt, hợp lý các khu trưng bày, quảng bá, tập kết, mua sắm sản phẩm địa phương tiêu biểu; gắn kết với các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng của làng. Kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 15 tỷ đồng/làng.

Song song với việc đầu tư xây dựng thiết chế Làng văn hóa kiểu mẫu, HĐND tỉnh ban hành 16 cơ chế, chính sách đặc thù, 14 tiêu chí để triển khai thực hiện tại các Làng văn hóa kiểu mẫu với mục tiêu xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc.

Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người  -0
Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, đường làng, ngõ xóm thị trấn Yên Lạc luôn được Nhân dân duy trì, giữ vững xanh - sạch - đẹp.

Nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, trong 9 tháng năm 2024, các cấp, ngành, địa phương đã tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn, miền núi và công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Tổ chức Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Thanh âm mùa xuân”, Triển lãm mỹ thuật chuyên đề “Bác đã về đây với chúng con” nhân dịp Tết Nguyên đán; phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở tổ chức thành công Lễ Khai mạc và Lễ xuất quân Hội thi Tuyên truyền lưu động và Triển lãm tranh cổ động tấm lớn Kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự tham gia của 32 Đội tuyên truyền lưu động thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhà hát Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức 185 buổi biểu diễn, thu hút được hàng vạn lượt khán giả đến xem. Trung tâm Văn hóa tỉnh thực hiện 112 buổi chiếu phim tại các xã miền núi; gần 100 buổi chiếu phim tại khu vực nông thôn và các khu, cụm công nghiệp.

Khai thác, phát huy hiệu quả Bảo tàng và Văn miếu tỉnh, 9 tháng năm 2024 đã đón và phục vụ gần 30.000 lượt khách tham quan. Bảo tàng tỉnh đã triển khai nghiên cứu, khảo sát các trò chơi, trò diễn dân gian như: cờ người tại lễ hội làng Xuân Lãng, Bình Xuyên; đấu vật tại lễ hội Tây Thiên, Tam Đảo, rước nước tại lễ hội đền Ngự Dội, Vĩnh Tường…

Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người  -0
Các hạng mục tại Khu thiết chế văn hóa thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu được đầu tư, lắp đặt đồng bộ,đáp ứng nhu cầu luyện tập thể thao của người dân.

Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh

Cùng với phát triển kinh tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết trong khu dân cư, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, thực hiện Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức các ngày kỷ niệm, không uống rượu, bia trong ngày làm việc và không hút thuốc lá nơi công sở, hầu hết các đám cưới đã được đơn giản hóa về thủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế gia đình. Các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản đã được loại bỏ; việc tổ chức tang lễ được tiến hành gọn nhẹ, tiết kiệm, không có trường hợp lợi dụng tâm linh tổ chức hoạt động mê tín, dị đoan. Việc quy hoạch, quản lý và đầu tư nâng cấp chỉnh trang nghĩa trang được nhiều địa phương quan tâm đầu tư. Một số xã của huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường quy định thống nhất ngày cải táng trong năm, thị trấn Yên Lạc xây dựng huyệt hung táng cố định để tiết kiệm diện tích đất canh tác. Hình thức hỏa táng ngày càng được Nhân dân đồng tình ủng hộ và tự giác thực hiện. Tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn toàn tỉnh năm 2023 là 3.808/5.465 ca, đạt 69,67%; ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 23 tỷ đồng (tăng 4,73% so với năm 2022). 9 năm 2024 là 3.263 ca hỏa táng, kinh phí chi trả gần 20 tỷ đồng.

Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người  -0
Người dân ở Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo hưởng ứng thực hiện nếp sống văn hóa mới.

Bên cạnh đó, huyện Yên Lạc còn chỉ đạo các phòng, ban liên quan hướng dẫn cơ sở, Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh từ những việc làm cụ thể, như: Vệ sinh môi trường; bảo đảm an ninh trật tự; chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường; đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa; đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế… Trong đó, hoạt động thể dục, thể thao tại các khu dân cư trong huyện ngày càng phát triển, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, hưởng ứng; nhiều năm gần đây, Yên Lạc luôn là một trong những địa phương đứng đầu của tỉnh về phong trào thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao của tỉnh. Toàn huyện hiện có 9 chiếu chèo; 10 câu lạc bộ thơ; 121 câu lạc bộ thể dục, thể thao; 126 câu lạc bộ gia đình văn hóa; 60 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Đến nay, 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị đạt chuẩn theo quy định; 133/154 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao đủ diện tích theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025; 70% người dân trong huyện thường xuyên tham gia luyện tập thể dục, thể thao.

Cùng với đó, các lễ hội được tổ chức theo quy chế bảo đảm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đáp ứng tốt nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân; việc khao thọ, mời khách ăn uống linh đình cơ bản được khắc phục. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia. Đối với một số lễ hội có tính chất, phạm vi ảnh hưởng lớn, thu hút du khách thập phương tham gia đã được UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chuyên môn, địa phương xây dựng, phê duyệt kịch bản, đổi mới hình thức tổ chức lễ hội như: Lễ hội Đúc Bụt, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương thực hiện chuyển đổi hình thức từ “cướp chiếu” sang “Tản chiếu phát lộc”; Lễ hội Cướp Phết, xã Bản Giản, huyện Lập Thạch đổi mới hình thức tổ chức từ “cướp phết” sang “trình diễn phết”; Lễ hội Chọi Trâu, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô tiết giảm quy mô, các hoạt động, thời gian tổ chức, số lượng trâu chọi…

Xác định xây dựng gia đình văn hóa là nội dung trọng tâm trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, do đó, đa số các gia đình tham gia phong trào đều thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, có ý thức tự giác trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Năm 2023, toàn tỉnh có 305.931/325.904 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 93,87%, tăng 1,04% so với năm 2022.  Năm 2024 ước đạt trên 93%.

Cùng với việc xây dựng gia đình văn hóa, công tác xây dựng khu dân cư văn hóa được triển khai sâu rộng đến các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân, gắn với việc xây dựng nông thôn mới qua đó đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống tốt đẹp, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Phong trào xây dựng khu dân cư văn hoá phát triển đồng đều ở các địa phương với số lượng và chất lượng ngày càng cao. Năm 2023, toàn tỉnh có 1.210 /1.237 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa đạt 97,81% (tăng 3,47% so với năm 2022). Năm 2024, ước đạt trên 97%.

Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tập trung chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện tốt hương ước, quy ước; vận động Nhân dân thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng của Nhân dân trong xây dựng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt chỉ thị, lồng ghép nội dung vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đồng thời, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; khơi dậy trong Nhân dân tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Theo Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc hiện có 41 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có hơn 55.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc thiểu số (DTTS) đều có những nét văn hóa riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo, thể hiện qua tiếng nói, trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà ở, phong tục, tập quán, sinh hoạt cộng đồng, lễ hội... Thời gian qua, Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các DTTS thông qua hoạt động kiểm kê, nghiên cứu, phát huy các giá trị văn hóa dân gian nói riêng, truyền thống văn hóa tốt đẹp của các DTTS nói chung gắn với phát triển du lịch ở các địa phương; tổ chức xây dựng kịch bản, phục dựng các lễ hội truyền thống; mở các lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cho đồng bào các DTTS; tổ chức các chương trình ngày hội giao lưu văn hóa vùng đồng bào DTTS.

Trong đó, một số nghi lễ đặc sắc như lễ Cấp sắc, lễ làm nhà xe của đồng bào dân tộc Dao được các nghệ nhân biểu diễn tại không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở quảng trường Khu du lịch Tam Đảo. Nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu như hát Soọng cô, làm bánh chưng gù, bánh gio được trình diễn, thực hành tại Lễ hội Tây Thiên; các phong tục, tập quán, những làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Cao Lan được thực hành tại Lễ hội Xuống đồng… góp phần giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Huyện Tam Đảo hiện có hơn 42% dân số là người DTTS, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu. Hiện nay, người Sán Dìu còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc như hát Soọng cô, trang phục, ẩm thực, các lễ hội truyền thống… Hiện Soọng cô đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, UBND tỉnh xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030". Trên cơ sở đề án của tỉnh, huyện Tam Đảo ưu tiên khai thác, phát huy các giá trị của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc Sán Dìu trong đời sống kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch.

Cùng với đó, mô hình du lịch trải nghiệm Trúc An Village, xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên đã mang lại cho du khách không gian yên bình và những trải nghiệm đậm bản sắc dân tộc. Trúc An Village đã tái hiện lại các lễ hội, phong tục của đồng bào dân tộc Sán Dìu như: Tết Cả (Tết Nguyên đán), Tết Thanh minh (tháng 3), Tết Đoan Ngọ (tháng 5), Tết Rằm (tháng 7), Tết Cơm mới (tháng 10), Tết Đông chí (tháng 11)… Trúc An Village luôn chú trọng đến việc giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Hầu hết nhân viên tại đây đều là người dân tộc Sán Dìu và luôn mặc các bộ trang phục truyền thống của đồng bào để đón khách. Đặc biệt, những làn điệu dân ca Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu thường xuyên được trình diễn tại đây, mang lại cho du khách những giây phút thư giãn và cảm nhận sâu sắc về tâm hồn, tình cảm của người Sán Dìu. Hiện Trúc An Village đang xây dựng bảo tàng tư nhân để lưu giữ những hiện vật và những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Không chỉ TP Phúc Yên, huyện Tam Đảo, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo vừa giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vừa có thể phát triển du lịch. Điển hình xã Quang Yên, huyện Sông Lô đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Cao Lan gắn với phát triển du lịch như khuyến khích các câu lạc bộ Sình ca, múa dân gian duy trì hoạt động; phối hợp với các ngành chức năng phục dựng Lễ hội Xuống đồng vào tháng Giêng hằng năm; tuyên truyền, định hướng người dân phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, homestay... Khi tham gia du lịch cộng đồng, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc Cao Lan. Phát triển du lịch không chỉ giúp Quang Yên bảo tồn được các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Trước sự xuất hiện của ngày càng nhiều loại hình nghệ thuật mới, để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp chính quyền, sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc; thúc đẩy phát triển du lịch gắn với hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS. Qua đó, gìn giữ, lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Đồng thời, Vĩnh Phúc tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ tỉnh đến cơ sở, trong đó, coi trọng văn hóa cơ sở, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy xây dựng con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn tới. Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, tạo mọi điều kiện nâng cao mức hưởng thụ và tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa của Nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; đổi mới nội dung và phương thức vận động, tập trung vào bài trừ mê tín dị đoan, tập tục lạc hậu, thương mại hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Phát triển mạnh mẽ phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ở cơ sở, thu hút các tầng lớp Nhân dân tham gia hoạt động và hưởng thụ văn hóa.

Phan Đức
.
.
.