Ưu đãi phát triển điện ảnh hiệu quả: Một cây làm chẳng lên non...

Thứ Sáu, 04/12/2015, 11:39
Mỗi năm nhà nước Việt Nam cũng vẫn đầu tư khoảng 50 tỷ đến 70 tỷ để đặt hàng sản xuất phim nhưng vẫn chưa thực sự hỗ trợ hiệu quả cho điện ảnh phát triển? Vì sao?


Phát triển điện ảnh sẽ không chỉ góp phần đắc lực trong phát triển kinh tế, văn hóa, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở cả thành thị lẫn các khu vực có tiềm năng cho bối cảnh phim nội địa lẫn nước ngoài… Tuy nhiên, người làm điện ảnh không thể chỉ đơn thương độc mã. Mỗi năm nhà nước Việt Nam cũng vẫn đầu tư khoảng 50 tỷ đến 70 tỷ để đặt hàng sản xuất phim nhưng vẫn chưa thực sự hỗ trợ hiệu quả cho điện ảnh phát triển? Vì sao?

Đi tìm câu trả lời cho thực trạng điện ảnh Việt Nam, ngày 3-12, tại TP Hồ Chí Minh, đông đảo người làm điện ảnh Việt Nam, Đan Mạch, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Philippines, HongKong đã cùng ngồi lại bàn thảo, đóng góp ý kiến nhằm xây dựng chính sách và tìm biện pháp ưu đãi phát triển điện ảnh Việt Nam. Cùng với việc chia sẻ kinh nghiệm từ đại diện các nền điện ảnh lớn trên thế giới và khu vực, kiến nghị từ phía các nhà làm phim, phát hành phim Việt Nam, khá nhiều khuyến nghị về chính sách cụ thể đã được đưa ra nhằm thúc đẩy điện ảnh Việt Nam.

Có tổng thu phòng vé xếp hạng thứ 6 trong top 10 thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới, xếp vị trí thứ 5 về lượng khán giả mua vé xem phim chiếu rạp và luôn duy trì số lượng phim sản xuất trong nước chiếm ít nhất 50% tổng thị phần điện ảnh mỗi năm… 

Các kết quả thống kê của điện ảnh Hàn Quốc được chuyên gia YUN Ha, giám đốc phụ trách nhóm phát triển dự án mới, Ủy ban Chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc chia sẻ tại hội thảo “Các chính sách và biện pháp ưu đãi phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam”. Kết quả này cũng là giấc mơ cho điện ảnh mà bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn. Nhưng, để có nền điện ảnh Hàn Quốc phát triển như hôm nay, từ năm 1973, một cơ quan đặc biệt trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc với tên gọi Ủy ban chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) đã được thành lập. Với mục đích hỗ trợ sự phát triển và quảng bá phim Hàn Quốc, KOFIC không chỉ có chức năng về đầu tư cho điện ảnh mà còn hỗ trợ sản xuất, phát hành phim, kể cả hỗ trợ mở rộng hoạt động tại nước ngoài, quản lý nhân sự, hỗ trợ kỹ thuật cho điện ảnh công nghệ số, chính sách điện ảnh, quản lý hệ thống thông tin phòng vé. Theo chuyên gia YUN Ha, sản xuất phim là hoạt động rất nhiều rủi ro.

“Người trở về” – dự án phim được ưu đãi đầu tư kinh phí sản xuất từ nhà nước.

Việc điều hành quỹ đầu tư là nhằm cung cấp và quản lý một nguồn vốn ổn định và cải thiện cơ cấu của ngành điện ảnh Hàn Quốc. Thông qua hình thức đồng đầu tư với các đơn vị tư nhân hoặc nước ngoài sản xuất phim, nhà đầu tư tư nhân bớt đơn độc và ít nhiều giảm gánh nặng nếu lỡ dự án thất bại. 

Việc đầu tư này cũng thường được thực hiện cho các khâu ban đầu nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân tập trung số tiền của họ cho kỹ xảo. Doanh thu từ phim, ngoài việc đầu tư tái sản xuất phim còn hướng đến các dự án, chương trình có ý nghĩa quốc gia, toàn cầu. Phim được chọn đầu tư thường mang tính thể nghiệm…

Hàn Quốc cũng có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và nuôi dưỡng ngành điện ảnh. Điển hình nhất là hệ thống thông tin phòng vé. Chỉ cần truy cập vào trang thông tin này, cả nhà sản xuất lẫn khán giả đều nắm chính xác phim nào đang dẫn đầu về số người xem, doanh thu…

Soi chiếu dưới kinh nghiệm của các nước châu Âu, ông Jacob Kristein Hogel đến từ Quỹ điện ảnh Tây Đan Mạch kiêm nhà sản xuất của Meta Film khẳng định, chính sách hỗ trợ và các ưu đãi sẽ bảo vệ và phát triển nền điện ảnh quốc gia. 

Theo ông Jacob, để bảo vệ điện ảnh nước nhà, nhiều quốc gia đều có hạn ngạch nhập phim và có những chính sách nhất định để hỗ trợ sản xuất phim, phát hành phim. 

Với Đan Mạch, duy trì con số 30% trong tổng thị phần điện ảnh là phù hợp với mong muốn quốc gia và thực hiện được mong muốn này, hàng năm, Đan Mạch có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển điện ảnh. So với kinh phí của Pháp đầu tư cho các dự án điện ảnh, mức kinh phí đầu tư của Đan Mạch rất nhỏ nhưng vẫn hiệu quả.

Tại Việt Nam, nhiều đại diện cho rằng nhà sản xuất, người làm điện ảnh, đặc biệt là điện ảnh tư nhân vẫn cảm thấy khá “cô đơn” trong các bước đường hoạt động, từ sản xuất đến phát hành ra nước ngoài. 

Các chính sách ưu đãi còn nhiều bất cập, từ thuế cho đến ưu đãi cho đơn vị tài trợ sản xuất phim. Việc thu thuế từ doanh thu bán vé và bắt buộc đóng góp doanh thu cho quỹ phát triển điện ảnh vẫn chưa thể thực hiện vì vướng luật. 

Việc ra đời Quỹ phát triển điện ảnh là kỳ vọng của người làm nghề song cho đến nay, sau 2 lần Cục Điện ảnh xây dựng dự thảo đều bị Bộ Tài chính bác bỏ vì cho là chưa phù hợp. 

Để có những chính sách và ưu đãi phát triển điện ảnh hiệu quả, theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, bà Ngô Phương Lan thì chỉ một mình cơ quan quản lý về văn hóa, một mình Cục Điện ảnh sẽ không đủ, mà phải cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành khác có thể không hề liên quan đến điện ảnh.

N.Nguyễn
.
.
.