Trưng bày nhiều hiện vật "đặc biệt" và thiêng liêng về các Anh hùng liệt sĩ Công an

Thứ Bảy, 23/07/2022, 08:11

Không chỉ trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, ngay trong thời bình, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Công an vẫn phải đổ máu và nhiều người đã hy sinh vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân.

Góp phần tôn vinh, tri ân các Anh hùng, liệt sĩ Công an, tại Triển lãm “Công an Nhân dân – 75 năm đền ơn đáp nghĩa”, Bảo tàng CAND, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị sẽ giới thiệu đến công chúng rất nhiều câu chuyện cùng hiện vật, tư liệu về những cống hiến hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Công an và sự quan tâm chỉ đạo, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an  đối với các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ Công an 75 năm qua.

Triển lãm do Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, dự kiến diễn ra tại Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội từ ngày 24/7. Theo Bảo tàng CAND, trong số 500 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được chọn trưng bày dịp này có rất nhiều tư liệu, hiện vật đặc biệt về các tấm gương liệt sĩ Công an trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đó là Quyết định của Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Võ Thị Sáu, Công an xung phong quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa.

Trưng bày nhiều hiện vật
Kỷ vật gồm mũ, gậy điều khiển giao thông của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngữ và một số tư liệu hiện vật khác tại Bảo tàng CAND. Ảnh do Bảo tàng CAND cung cấp

Câu chuyện về Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi  - điệp báo viên mang bí số A16 đã anh dũng hy sinh khi vào vai phu nhân Quốc vụ khanh của Bảo Đại, mang thuốc nổ, đánh tàu Amyot D'Inville của Pháp cũng tiếp tục được chuyển tải rộng rãi hơn nữa đến công chúng. Dịp này, Ban tổ chức còn trưng bày Thông cáo của Phòng Thông tin, Hưng Yên về vụ đánh đắm Thông báo hạm Amyo dinville tại Sầm Sơn năm 1950 và sự hy sinh anh dũng, thầm lặng của nữ điệp báo anh hùng.

Ký ức một thời kháng chiến đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng còn được tái hiện qua nhiều câu chuyện cùng nhiều hiện vật khác của các anh hùng liệt sĩ Công an. Đó là chiếc mũ sắt với lỗ thủng lớn trên chóp mũ của liệt sĩ Trần Ẩn, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 5, Đội Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, người lính đã chiến đấu quên mình để bảo vệ Thủ đô vào ngày 11/5/1967, khi bom Mỹ giội thẳng vào cầu Long Biên. Đồng chí quyết tâm bám chốt, bám cầu, cùng đồng đội cố gắng dập tắt đám cháy để cứu hàng hóa, vũ khí đạn dược trên đoàn xe bị trúng đạn pháo của địch…

Dịp này, Ban tổ chức còn trưng bày sắc cốt của Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Uân, cán bộ Công an khu phố Hai Bà Trưng, TP Hà Nội –  người đã anh dũng hy sinh để cứu dân trong một trận bom Mỹ giội xuống Thủ đô Hà Nội năm 1972; Giấy giới thiệu của Anh hùng, liệt sĩ Lâm Văn Thạnh, cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng - người được giao nhiệm vụ đóng vai phái viên liên lạc của một tổ chức quốc tế, thâm nhập vào tổ chức FULRO liên hệ với chỉ huy FULRO tại Lâm Đồng, đã anh dũng hy sinh năm 1980…

Nhiều kỷ vật của các liệt sĩ Công an hy sinh trong thời bình cũng được chọn trưng bày tại triển lãm. Đó là kỷ vật mũ, gậy điều khiển giao thông của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội. Những kỷ vật nhắc nhớ lại những ngày Tết Nguyên đán 1996, sau khi tranh thủ được về nhà ăn bữa cơm sum họp  với gia đình, Thượng úy Nguyễn Văn Ngữ vội vã trở về đơn vị, bắt gặp hơn chục đối tượng cầm dao, kiếm đuổi chém một người điều khiển xe xích lô và người đi đường. Bất chấp nguy hiểm, Thượng úy Nguyễn Văn Ngữ đã xông vào ngăn chặn, bị một tên dùng dao đâm.Vết đâm hiểm ác khiến đồng chí hy sinh ngay sau đó. Ngày 20/2/1997, liệt sĩ Nguyễn Văn Ngữ được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bộ quần áo quân phục Cảnh sát giao thông, mũ, gậy điều khiển giao thông đồng chí sử dụng trong quá trình công tác được người vợ trao tặng cho Bảo tàng CAND.

Câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng, cán bộ Công an Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 11, TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục trở lại trong triển lãm, cùng với những trang hồi ký anh viết cho con trai, từng khiến người đọc khóc nghẹn 6 năm trước. Đồng chí Nguyễn Thành Dũng bị nhiễm HIV trong quá trình truy bắt tội phạm nhưng không biết nên vô tình lây sang vợ. Cuốn hồi ký viết cho con được anh viết từ đầu năm 2006, khi sức khỏe của anh đã rất yếu. Mỗi trang viết ghi lại tỉ mỉ những tháng ngày anh đã đi qua bằng những lời tâm tình giản dị với cậu con trai bé bỏng mà anh gọi trìu mến là “hoàng tử của ba”. 18 trang viết là những kỷ niệm từ thuở cắp sách tới trường, những tâm tình từ khi bắt đầu bước chân trên con đường trở thành người chiến sĩ Cảnh sát hình sự, những năm tháng gia đình sống trong hạnh phúc với rất nhiều khoảnh khắc yên bình giản dị và cả những câu chuyện đầy xót xa về tháng ngày 2 vợ chồng chật vật chống chọi với căn bệnh thế kỷ. Những trang viết cuối cùng với lời nhắn nhủ: “Đảng không bỏ ba, Nhà nước không bỏ ba, đồng đội không quên ba”…

Theo thông tin từ Ban tổ chức, mỗi giai đoạn lịch sử và cách mạng của dân tộc đều ghi dấu những hy sinh anh dũng và thầm lặng, những chiến công xuất sắc của lực lượng CAND. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên cương của Tổ quốc, hơn 14.700 cán bộ, chiến sĩ CAND vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường; hàng nghìn liệt sĩ đến nay vẫn chưa xác định được thông tin, chưa tìm thấy hài cốt. Ngay trong thời bình, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an vẫn phải đổ máu và nhiều người đã hy sinh vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong 75 năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Công an luôn trân trọng những cống hiến, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ đối với Tổ quốc, sự nghiệp cách mạng của dân tộc; quan tâm chỉ đạo công tác chăm lo thương binh liệt sĩ CAND.

Bên cạnh các hiện vật, tư liệu về sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ Công an, tại triển lãm, Ban tổ chức sẽ trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đối với công tác thương binh liệt sĩ; các hình ảnh về hoạt động của Bộ Công an trong công tác quy tập mộ liệt sĩ, tưởng nhớ ghi ơn các anh hùng liệt sĩ, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, các chiến sĩ bị thương, kịp thời biểu dương tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ…

N.Nguyễn
.
.
.