Trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”
Ngày 18/1, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số sưu tập tư nhân tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”.
Với trên 30 hiện vật, trưng bày giới thiệu tới công chúng nhiều tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Hình tượng hổ trong nghệ thuật thời Đông Sơn liên quan đến quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này, có thể liên quan đến tín ngưỡng thờ vật tổ, vạn vật hữu linh. Sự tôn thờ này còn tồn tại khá phổ biến ở một số vùng, dân tộc đến ngày nay.
Hình tượng hổ trong nghệ thuật 10 thế kỷ đầu Công nguyên bắt đầu xuất hiện gắn với các quan niệm về tứ tượng hay còn gọi là tứ linh, tứ thần thú: Thanh Long (phương Đông), Bạch Hổ (phương Tây), Chu Tước (Phương Nam), Huyền Vũ (Phương Bắc). Các thần thú này còn đại diện cho các khía cạnh khác như: 4 mùa trong năm, các đức tính, các nguyên tố trong tự nhiên, vị trí của các chòm sao trong thiên văn học thời cổ…
Hình tượng hổ trong nghệ thuật thế kỷ 10-20 chia nhỏ thành nhiều chủ đề, gồm hình tượng hổ trong các lăng mộ thế kỷ 13 – 18, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Lê – Trịnh. Triển lãm còn giúp công chúng tìm hiểu về hình tượng hổ trong nghệ thuật gốm: Hình tượng hổ trong trên các thạp gốm hoa nâu thời Trần, nổi tiếng với chiếc thạp hoa nâu khắc hình 3 con hổ đuổi nhau tại Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp); hình tượng hổ trong các đồ gốm xuất khẩu, đồ gốm khai quật từ khai quật khảo cổ học ở tàu cổ Cù Lao Chàm (năm 1997 – 2000), khai quật các lò gốm cổ vùng Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương).
Triển lãm còn giới thiệu về hình tượng hổ trong điêu khắc đình làng thế kỷ 16 – 18, hổ trong tranh dân gian Hàng Trống, hổ trong sưu tập tranh thêu lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Triển lãm diễn ra đến ngày 31/8 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội.