Trưng bày 180 tài liệu, tư liệu lưu trữ về Thăng Long – Hà Nội cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20
Trung tâm lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước cho biết, 180 phiên bản tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ kỹ thuật về Thăng Long - Hà Nội thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX sẽ được lựa chọn giới thiệu đến công chúng qua triển lãm “Thành xưa, Phố cũ”.
Đây là sự kiện Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).
Theo Trung tâm lưu trữ quốc gia I, triển lãm bao gồm hai chủ đề lớn: “Thành bên Phố” và “Chuyện phố Tây - phố Ta”. Trong đó, “Thành bên Phố” cho thấy thành Thăng Long - Hà Nội được nhà Nguyễn cho xây dựng theo kiểu Vauban. Đây là một kỹ thuật xây dựng thành lũy được đặt theo tên của nhà thiết kế công sự nổi tiếng của Pháp, thế kỷ XVII.
“Thành có dạng hình vuông, khá rộng. Mỗi mặt thành có ba pháo đài, nghĩa là có ba thành liên tháp, hai pháo đài có góc nhô ra và hai pháo đài một mặt. Các mặt ở trung tâm cũng như phía Bắc, Đông, Tây và hai đầu phía Nam được phòng vệ bởi các lũy bán nguyệt”.
Trước khi có sự can thiệp của người Pháp, thành Hà Nội là trung tâm chính trị, quân sự, hành chính cao nhất của triều đình nhà Nguyễn ở Bắc Kỳ (1802-1831), năm 1931 là tỉnh Hà Nội. Với mục đích “làm trong sạch thành phố Hà Nội và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thành phố”, việc giáng cấp và phá hủy thành Hà Nội đã được người Pháp tiến hành từ năm 1894 -1897.
Cụ thể, năm 1894, Chính quyền Pháp đã phá bỏ các tường thành bị hư hỏng, lấp các đường hào và hồ ao, mở các con đường trong khu thành cũ, một số đoạn tường thành được bảo tồn là khu Đông thành, nay bao quanh là các phố Phan Đình Phùng (Bắc), Lý Nam Đề (Đông), Trần Phú (Nam), Hoàng Diệu (Tây) với mục đích để quy hoạch cải tạo thành công sở và trại lính Pháp.
Đến năm 1897, thành Hà Nội chỉ còn lại một phần bao gồm các công trình trên trục trung tâm Bắc-Nam, gồm: Cửa Bắc, Hậu Lâu, đôi rồng phía trước nền Điện Kính Thiên, Đoan Môn và Kỳ Đài (Cột cờ Hà Nội). Thời kỳ này, các bức tường thành, cổng thành đã bị phá hủy; các công trình quân sự mới được xây dựng và nhiều tuyến phố được làm mới. Đặc biệt, ở khu vực phía Tây thành, một khu phố Tây mới đã dần được hình thành….
Các tài liệu ở chủ đề “Chuyện phố Tây - phố Ta” sẽ cho thấy, sau khi chiếm được Hà Nội, người Pháp đã nhanh chóng thực hiện ý tưởng biến Hà Nội thành một thành phố kiểu Âu với việc chọn hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm và điểm xuất phát cho kế hoạch này. Ngay từ năm 1883, người Pháp đã đề ra kế hoạch xây dựng những khu phố mới ở phía Đông Nam Hồ theo lối kiến trúc Pháp - đây chính là khu phố Tây với lối kiến trúc khác hẳn với khu buôn bán cũ- khu phố Ta ở phía Bắc. Như vậy, hồ Hoàn Kiếm chính là cầu nối giữa khu phố Tây và phố Ta.
Song song với việc hoàn thiện khu vực trung tâm hồ Hoàn Kiếm, người Pháp đã tiến hành chỉnh trang khu vực 36 phố phường của Hà Nội. Đặc biệt, cùng với kế hoạch phá hủy thành Hà Nội, người Pháp đã từng bước xây dựng một trung tâm chính trị lớn tại khu vực phía Tây thành Hà Nội. Hàng loạt tuyến đường lớn nhỏ được mở trong khu vực thành như: phố Victor Hugo (nay là Hoàng Diệu), đại lộ Carnot (nay là Phan Đình Phùng), đại lộ Nationale (nay là phố Chu Văn An), đại lộ République (nay là phố Hoàng Văn Thụ), phố Brière de l’Isle (nay là phố Hùng Vương), đại lộ Puginier (nay là phố Điện Biên Phủ), đại lộ Giovaninelli (nay là phố Lê Hồng Phong)…
Tại khu vực này, người Pháp đã cho xây dựng Phủ Toàn quyền Đông Dương (1901 - 1905), Sở Tài chính Đông Dương (1925 - 1928), Trường Albert Sarraut (1915).
Dự kiến, triển lãm chính thức ra mắt công chúng từ ngày 6/10 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.