Trải nghiệm phong tục 3 miền tại Ngày hội Sắc xuân

Thứ Ba, 15/02/2022, 08:20

Với hơn 200 đồng bào nhiều dân tộc cùng hội ngộ tại Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hà Nội, trong 2 ngày 12 và 13/3, hàng loạt hoạt động văn hoá đặc sắc, nhất là nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo được giới thiệu, mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách du xuân đầu năm.

Tại không gian làng dân tộc Ba Na, Khu các làng dân tộc II, du khách có dịp hoà mình trong lễ cưới truyền thống của dân tộc Ba Na, do đoàn nghệ nhân huyện Kbang, tỉnh Gia Lai trình diễn. Trong không khí trang nghiêm, trước sự chứng kiến của dân làng và gia đình 2 họ, người đại diện làm lễ khấn báo với thần bản mệnh của cộng đồng, lấy tiết gà làm lễ. Ông mối cầm tay có đeo vòng của cô dâu và chú rể chạm vào nhau, yêu cầu đôi tân lang tân nương ăn chung đồ lễ, uống chung chén rượu cúng. Già làng và ông mối chúc phúc cho đôi trẻ...

Chia sẻ về lễ cưới đặc biệt nói trên, nghệ nhân Grêng cho hay, phong tục cưới xin có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống cộng đồng người Ba Na. Trước lễ cưới chính thức, người Ba Na có lễ trao vòng (giống lễ đính hôn của người Kinh - PV).  Khi đã thật sự yêu thương nhau và quyết định tiến tới hôn nhân, đôi trai gái sẽ về thưa với gia đình hai bên. Mỗi đám cưới được xem là 1 ngày hội trong làng.

Tại làng dân tộc Lô Lô, khu làng các dân tộc, khách du xuân có những trải nghiệm thú vị khi được xem một trích đoạn nghi lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô, do thầy cúng Lò Sì Páo và các nghệ nhân người dân tộc Lô Lô, thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang thực hiện.

Trải nghiệm phong tục 3 miền tại Ngày hội Sắc xuân -0
Đồng bào Ba Na, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai tái hiện lễ cưới truyền thống.

Tranh thủ trao đổi sau phần "trình diễn" đặc biệt này, thầy Lò Sì Páo cho biết, để được thể hiện trích đoạn nghi lễ "cúng tổ tiên" tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, thầy cúng Lò Sì Páo và các nghệ nhân, đồng bào ở thôn Sảng Pả A phải thực hiện một lễ "Xin tổ tiên bàn thờ" tại miếu làng để xin phép tổ tiên. Thầy cúng phải xin âm dương, được sự cho phép của "ông tổ" thì mới được phép mang phong tục của mình đến và thực hiện nghi lễ tại nơi khác.

Với người Lô Lô, tổ tiên không chỉ là những người có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại mà còn có công bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước để bản làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Theo phong tục, khi gia đình có người chết từ 3 đến 4 năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị (hình người) để thờ cúng. Người Lô Lô cho rằng, tổ tiên là những người thuộc các thế hệ trước, đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: Tổ tiên gần - các ông tổ 3 đến 4 đời và tổ tiên xa - những ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở đi…

Ngoài lễ cưới của người Ba Na, lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô, khách du xuân còn có dịp trải nghiệm, tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc riêng có của người K'Ho S'Rê, nhất là lễ hội Nhô Lir bông - Mừng lúa mới, do các nghệ nhân dân tộc K'Ho S'Rê thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng tái hiện. Nhiều hoạt động vui chơi giải trí mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc cũng được đồng bào nhiều dân tộc ở nhiều vùng, miền của Tổ quốc hấp dẫn du khách. 

Cùng 2 con nhỏ đến du xuân tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, vợ chồng anh Hoàng Minh (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, vì dịch bệnh do COVID-19, gần 1 năm qua, các thành viên trong gia đình chưa có dịp đi chơi xa cùng nhau. Vì vậy, 2 vợ chồng anh tự động viên nhau khắc phục mưa rét, tranh thủ đưa các con lên Làng chơi 2 ngày cuối tuần. Mặc dù thời gian ít nhưng cả gia đình có nhiều trải nghiệm thú vị khi được xem, tìm hiểu nhiều nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp do chính đồng bào của các dân tộc thể hiện. Đây là chuyến du lịch ngắn ngày nhưng nhiều ý nghĩa, khi vừa vui chơi, vừa được tìm hiểu thêm những giá trị, nét đẹp văn hoá, truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

Sự kiện "Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức, nhằm biểu thị tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thể hiện sự cố kết cộng đồng, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tham gia Ngày hội có hơn 200 đồng bào thuộc 24 cộng đồng dân tộc đến từ 15 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền trên cả nước.

Hương – Hoa
.
.
.