Tín hiệu khởi sắc của du lịch Điện Biên

Thứ Hai, 21/02/2022, 08:11

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, du lịch Điện Biên đã có nhiều tín hiệu khởi sắc sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Với điểm nhấn về bức tranh panorama sắp được hoàn thiện và những chương trình, lễ hội sẽ được tổ chức trong năm 2022, tỉnh Điện Biên kỳ vọng sẽ thúc đẩy du lịch trở nên nhộn nhịp hơn.

Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, số lượng khách tham quan trong 9 ngày Tết tăng mạnh với hơn 9.500 lượt người, có ngày Bảo tàng đón hơn 1.000 lượt khách. Trong đó, sức hút chủ yếu đến từ bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ được vẽ trên tầng 2 của bảo tàng. Đây là một trong những tác phẩm lớn nhất thế giới vẽ về đề tài chiến tranh, tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bức tranh được vẽ lên tường bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m; tổng diện tích là 3.225m2. Bức tranh có sự tham gia của gần 100 họa sĩ tái hiện hơn 4.500 nhân vật kết hợp với phần sắp đặt nghệ thuật hiện vật và tạo hình, tất cả được xâu chuỗi, kết nối tạo nên một bức tranh toàn cảnh chân thực, sinh động về Chiến dịch Điện Biên Phủ, gây ấn tượng mạnh mẽ tới người xem. Bức tranh không chỉ mang giá trị về lịch sử, là thông điệp về khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết, đấu tranh kiên cường bất khuất của quân và dân ta mà còn là điểm nhấn mới cho du lịch lịch sử Điện Biên.

3.jpg -0
Du khách tham quan nhà trưng bày Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Hiện nay, bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tuy nhiên, trước sự quan tâm, mong muốn của hầu hết du khách khi đến tham quan tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong những ngày Tết, tỉnh Điện Biên đã mở cửa thử nghiệm cho du khách được tham quan, chiêm ngưỡng bức tranh. Nhiều du khách từ miền Nam lần đầu tiên đến với Điện Biên đã không khỏi ngỡ ngàng khi đứng trước tác phẩm hội họa mang tầm cỡ thế giới này.

Anh Nguyễn Đức Hiếu, du khách đến từ tỉnh Bình Thuận cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi đến Điện Biên. Khi vừa đặt chân đến Điện Biên, chúng tôi đã mong muốn sẽ được tham quan bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ đầu tiên. Thực sự khi đứng trước bức tranh này, nó vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi. Cá nhân tôi cảm thấy vô cùng tự hào và phấn khích khi chiêm ngưỡng bức tranh. Nhìn vào bức tranh, chúng ta có thể hiểu được chặng đường đấu tranh gian khổ của quân và dân ta trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức tranh rất độc đáo, nó mang đến cảm nhận mà theo tôi thì trong sách vở lâu nay chúng ta được xem, được đọc về Chiến dịch Điện Biên Phủ không thể có được".

Chị Trần Thanh Tâm, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Đoàn chúng tôi có dịp đi phượt Tây Bắc và Điện Biên là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình. Chúng tôi được biết về Điện Biên với hoa Ban và các di tích lịch sử. Đặc biệt khi lần đầu tiên được thấy bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi thực sự cảm thấy bất ngờ và không nghĩ rằng ở Việt Nam lại có một bức tranh lớn, đẹp và độc đáo như vậy. Đây thực sự sẽ là một điểm nhấn của Điện Biên trong thời gian tới mà chắc chắn sẽ rất nhiều du khách mong muốn được chiêm ngưỡng tận mắt".

Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, đặc biệt kể từ sau Tết Nguyên đán, khá đông đoàn khách đã đến tham quan tại Bảo tàng. Trong đó, chủ yếu là các đoàn khách từ thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam ra tham quan kể từ sau khi có đường bay thẳng kết nối thành phố Hồ Chí Minh – Điện Biên. Các công ty du lịch đã bắt đầu kết nối tour để đưa khách lên tham quan Điện Biên cũng như Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Đơn vị cũng đã xây dựng các kế hoạch đổi mới hình thức tham quan, xây dựng các tour tham quan nhằm thu hút du khách như: Thăm hệ thống trưng bày tài liệu hiện vật theo chuyên đề; tham quan sa bàn và nghe giới thiệu diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, Bảo tàng đặc biệt chú trọng quảng bá về bức tranh panorama, coi đó là một điểm nhấn để thu hút du khách.

Cũng theo bà Vũ Thị Tuyết Nga, hiện nay đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện để đưa bức tranh panorama vào mở cửa chính thức từ đầu tháng 3/2022. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã xây dựng phương án tổ chức phục vụ đón khách riêng cho phần tham quan bức tranh. Theo đó, đơn vị không để khách tham quan bức tranh tự do mà sẽ tổ chức cho khách tham quan theo đoàn, có sự dẫn dắt của hướng dẫn viên kết hợp với phần âm thanh và ánh sáng để người xem có thể cảm nhận một cách đầy đủ nhất về bức tranh.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Điện Biên đón 24.000 lượt khách du lịch, chủ yếu là khách nội địa; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 35,8 tỷ đồng. Đặc biệt, số lượng du khách đến Điện Biên từ ngày 31/1 - 6/2 là khoảng 11.600 lượt, doanh thu ước khoảng 15,2 tỷ đồng, tăng 11,6 lần về lượng khách, tăng 7,6 lần về doanh thu so với năm 2021. Trong đó, từ ngày 31/1 - 4/2 (tức từ ngày 29 - mùng 4 Tết) các điểm di tích Chiến trường Điện Biên Phủ và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã miễn phí vé tham quan cho hơn 2.500 lượt khách là người trong tỉnh, hội viên Hội Cựu chiến binh, người khuyết tật nặng và trẻ em dưới 18 tuổi.

Để kích cầu phát triển du lịch trong trạng thái "bình thường mới", Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, điểm nhấn là Lễ hội Hoa Ban và Cuộc thi Người đẹp Hoa Ban năm 2022 dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 3. Tỉnh Điện Biên cũng tổ chức các chương trình, chiến dịch xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch đến với Điện Biên; tăng cường tổ chức các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch tại tỉnh Điện Biên và vùng Tây Bắc. Bởi vậy, với việc khách tăng mạnh dịp Tết là tín hiệu đáng mừng để thời gian tới giữ được nhịp tăng trưởng của ngành du lịch.

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, gắn với phát triển kinh tế du lịch tại Hòa Bình

Những năm gần đây, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam với những loại hình như: Du lịch cộng đồng, homestay, du lịch văn hóa nổi tiếng ở vùng Tây Bắc. Đặc biệt, nơi đây có nền văn hóa lâu đời của dân tộc người Thái, với lối sống đặc trưng riêng, từ trang phục, lối canh tác và nhà sàn. Nét độc đáo trong nghề dệt thổ cẩm truyền thống mang giá trị thuần khiết và là tinh hoa của người dân tộc Thái nơi đây.

Những đường nét hoa văn trên các sản phẩm của dân tộc Thái Trắng thể hiện sự khéo léo, kỳ công, tỉ mỉ chứa đựng sự kiên trì tinh tế mang vẻ đẹp tâm hồn của các cô gái Thái. Họ đã phải vất vả biết bao từ việc trồng dâu nuôi tằm để làm nguyên liệu dệt ra những tấm thổ cẩm với các họa tiết, hoa văn sinh động.

Chị Lò Thị Chanh, thành viên Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) chia sẻ: Với người phụ nữ dân tộc Thái ở huyện Mai Châu, dệt thổ cẩm dường như là một kỹ năng bắt buộc, được truyền từ đời nay sang đời khác, qua các thế hệ trong mỗi gia đình. Hầu hết con gái bắt đầu mười tuổi sẽ được mẹ hoặc bà trong nhà hướng dẫn, truyền đạt lại các kỹ năng, công đoạn để dệt thổ cẩm.

Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm chủ yếu tự cung, tự cấp, chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình và bản thân. Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, vừa thể hiện sự khéo léo, vừa thể hiện đức tính cần cù của phụ nữ dân tộc Thái. Để bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống, nhiều hợp tác xã dệt thổ cẩm được các chị em thành lập, qua đó đã giúp kinh tế nhiều hộ gia đình khá giả lên, đồng thời quảng bá, giới thiệu được sản phẩm đặc trưng của mình đến khách du lịch trong nước và quốc tế.

Chị Vì Thị Oanh, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) cho biết, kế thừa và phát huy những tinh túy mà nghề dệt thổ cẩm cổ truyền, kết hợp sự sáng tạo, tinh tế của những đôi bàn tay khéo léo, những người phụ nữ dân tộc Thái đã tạo ra những sản phẩm mới đặc trưng, vừa mang nét văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa mang tính hiện đại. Đến nay, sản phẩm dệt thổ cẩm của người Thái (Mai Châu) đã trở thành mặt hàng ưa chuộng của khách du lịch cũng như có mặt tại nhiều thị trường trong nước. Khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này của khách du lịch ngày càng lớn, các mặt hàng thổ cẩm đã trở thành đòn bẩy để đồng bào dân tộc nơi đây đẩy mạnh sản xuất.

Thanh Hải

Xuân Tư
.
.
.