Tích cực đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo hồi hương
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, tháng 4 và tháng 6/2023 là cột mốc quan trọng, có thể mang tính quyết định trong việc đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo hồi hương thành công hay không.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan và nhà sưu tập tư nhân đã bỏ tiền mua ấn vàng vẫn đang nỗ lực để đưa ấn vàng về nước. Tuy nhiên, ông Thành từ chối tiết lộ các thông tin chi tiết vì liên quan đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam, cam kết của nhà sưu tầm, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật của Pháp và Việt Nam nhằm đưa ấn hồi hương.
Trước đó, vào tháng 10/2022, website của Hãng đấu giá Millon (trụ sở chínhtại Paris - Cộng hòa Pháp) đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945), gồm 1 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) (lô số 101) và 1 bát vàng triều Khải Định (1917-1925) (lô số 100) thuộc sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam”.
Chiếc ấn vàng hiện được xác định là ấn Hoàng đế chi bảo, đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng. Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của ấn vàng, với sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan khẩn trương tìm kiếm giải pháp đưa ấn vàng về nước. Sau nhiều nỗ lực đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon, Pháp, việc đưa ấn vàng hồi hương bước đầu có kết quả khả quan. Một nhà sưu tập tư nhân ở Việt Nam đã bỏ tiền mua ấn.
Theo Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành, mặc dù ấn vàng do nhà sưu tập tư nhân mua nhưng chúng ta không lo việc ấn vàng Hoàng đế chi bảo có thể bị bán ra nước ngoài một lần nữa. Hiện nay, có 2 Thông tư quy định rất rõ về việc đưa các hiện vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài với mục đích tuyên truyền, trưng bày, giới thiệu và việc bảo quản, bảo vệ các hiện vật, bảo vật này.
Trong đó, liên quan trực tiếp đến ấn vàng có Thông tư 19 năm 2012. Thông tư này có danh mục liên quan đến ấn tín và quy định điều kiện cụ thể trường hợp nào thì được phép, trường hợp nào thì không được phép đưa ra nước ngoài.
Ấn do tư nhân sở hữu chỉ được đưa ra nước ngoài để trưng bày, quảng bá văn hóa Việt Nam hoặc đưa ra nước ngoài để tu sửa, bảo quản hiện vật trong trường hợp hiện vật xuống cấp mà trình độ, công nghệ của Việt Nam chưa thực hiện. Chủ sở hữu ấn vàng nếu đưa ra nước ngoài cũng phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam, chịu sự quản lý theo Thông tư số 19.