Thúc đẩy phát triển văn hoá đọc trong thanh niên CAND thời 4.0

Thứ Ba, 16/11/2021, 07:51

Khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông đang tác động ngày càng nhiều đến sự phát triển của văn hóa đọc trong CAND nói chung, thanh niên CAND nói riêng. Để thúc đẩy phát triển văn hoá đọc trong thanh niên CAND thời kỳ công nghệ số, cần có thêm nhiều giải pháp mới, hiệu quả, đáp ứng thực tế hiện nay.

Theo Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, thời gian qua, với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an và cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp, hệ thống thiết chế thư viện, phòng đọc, tủ sách trong CAND đã được hình thành góp phần cung cấp thông tin, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, nâng cao kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ Công an và xây dựng phong trào đọc sách trong CAND.

Đến nay, hệ thống thư viện trong CAND đang tiếp tục được đầu tư. Trung tâm lưu trữ và thư viện Học viện CSND đã xây dựng thư viện điện tử. Thư viện thuộc Cục Khoa học chiến lược và lịch sử Công an được đầu tư hiện đại và hoạt động có hiệu quả. Trong lực lượng CAND, 100% các đơn vị có tủ sách, 56,64% có thư viện, 100% được trang bị hệ thống máy tính đảm bảo công tác thư viện. Các thư viện đang từng bước ứng dụng phần mềm để quản trị dữ liệu và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác thư viện và đặc biệt ở thư viện khối học viện, trường CAND.

3.jpg -0
Đa dạng hoạt động góp phần thúc đẩy văn hoá đọc trong thanh niên Công an.

Khẳng định việc bồi dưỡng văn hóa đọc cho thanh niên Công an là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị nhấn mạnh: Đầu tư phát triển văn hóa đọc cho thanh niên Công an vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm của toàn lực lượng.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, để tiếp tục thực hiện các Chương trình phát triển văn hóa đọc, chuyển đổi số của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an, phát huy những thành tích đã đạt được trong phát triển phong trào đọc và xây dựng văn hóa đọc cho thanh niên Công an nói riêng và trong CAND nói chung, lãnh đạo Bộ Công an đang chú trọng chỉ đạo chuyển đổi số hoạt động thư viện trong CAND đến năm 2030. Theo đó, thư viện trong CAND từng bước nâng cấp, phát triển hạ tầng kỹ thuật, triển khai các giải pháp chuyển đổi số; hợp tác, liên kết, chia sẻ nguồn lực thông tin thư viện trong môi trường số; cung cấp các dịch vụ, tiện ích, sản phẩm - dịch vụ thông tin số trong lĩnh vực thư viện; đảm bảo thỏa mãn nhu cầu tin và môi trường tiếp cận bình đẳng đến các nguồn tin thời kỳ chuyển đổi số.

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chuyển đổi số, kết nối, liên thông hệ thống thư viện trong CAND phải tiếp tục được đẩy mạnh, đồng thời kịp thời khen thưởng, tôn vinh các điển hình hoạt động hiệu quả trong việc thực hiện chuyển đổi số thư viện.

Về vấn đề này, Thiếu tá, Thạc sĩ Đỗ Thu Thơm, Phó trưởng Phòng Văn hóa, văn nghệ và Thư viện CAND nhận định, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông đang tác động ngày càng lớn đối với sự phát triển của văn hóa đọc trong CAND nói chung và đội ngũ thanh niên CAND nói riêng. Thời đại công nghệ số mang đến nhiều tiện ích, kích thích nhu cầu đọc, nâng cao khả năng cơ hội đọc, tạo lập một nền tảng đọc như là một giá trị văn hóa. Nhờ công nghệ, người ta tìm đến sách điện tử, sách nói.

Công nghệ số khai sinh và định hình những sắc thái văn hóa đọc mới, thích ứng với đặc thù của thời đại, là thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại. Nhờ vào những thành tựu này, văn hóa đọc đã có những thay đổi to lớn và sâu sắc. Văn hoá đọc trong thanh niên CAND không là ngoại lệ. Tuy nhiên, để có thể thành công tận dụng các cơ hội của chuyển đổi số trong phát triển văn hóa đọc, thanh niên Công an cần được trang bị kỹ năng đọc, những thao tác tư duy được xác lập thành thói quen ứng xử đọc.

Để bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng, người đọc cũng cần liên tục cập nhật, trang bị kiến thức và hiểu biết về cách thức vận hành, luật lệ của sách số, dữ liệu số, luật sở hữu trí tuệ…, tránh việc vô ý vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức, đặc biệt khi sử dụng dịch vụ thông tin cho hoạt động đọc trên mạng thông tin toàn cầu.

N.Nguyễn
.
.
.