Thừa Thiên Huế: Xây dựng du lịch xanh để bảo tồn di sản và thu hút khách

Thứ Tư, 31/07/2024, 09:03

Xây dựng tuyến du lịch xanh, cơ sở hạ tầng giao thông xanh và thân thiện môi trường đang dần được nhân rộng tại nhiều điểm di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế…

Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Từ đó đến nay, dưới sự hỗ trợ của UNESCO về tài chính, kỹ thuật cũng như vận động quốc tế tài trợ, các di tích đã được trùng tu và phục dựng. Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị những di sản này thông qua xây dựng môi trường du lịch xanh, bền vững.

Nhờ chiến dịch phát động của UNESCO từ những năm 80 của thế kỷ XX, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang bước sang giai đoạn ổn định, phát triển bền vững. UNESCO đánh giá Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu ở Việt Nam về bảo tồn di sản.

Thừa Thiên Huế: Xây dựng du lịch xanh để bảo tồn di sản và thu hút khách -0
Du khách trải nghiệm xe đạp tham quan tour du lịch xanh tại di tích lăng vua Gia Long.

Đầu tháng 2/2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khai trương tuyến du lịch xanh, thân thiện môi trường tại khu vực lăng vua Gia Long (xã Hương Thọ, TP Huế) - một trong những điểm đến trong quần thể di tích Cố đô Huế. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, khu vực lăng có không khí trong lành, được phủ nhiều cây xanh rất thích hợp để hướng tới xây dựng trở thành điểm đến di sản xanh theo định hướng phát triển của tỉnh.

Trong hành trình xây dựng tuyến Du lịch Xanh tại đây, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã tích cực trao tặng phương tiện, trồng cây xanh để làm đẹp, xanh hơn cho khu vực di tích. Đến đây, du khách có thể tận hưởng sự văn minh, không gian thanh bình, hệ sinh thái thân thiện bằng trải nghiệm đạp xe, đi xe điện. “Các phương tiện đưa vào sử dụng giúp khách di chuyển thuận tiện hơn trong hành trình tham quan. Đặc biệt, phương tiện xanh thực sự rất phù hợp, hài hòa với một nơi bình yên, có nhiều công trình di tích văn hóa, tâm linh như lăng vua Gia Long” - du khách Lê Hương Giang cho hay.

Ngoài ra, các trạm tiếp nước sạch cho khách du lịch cũng đã được vận hành ở một số điểm tham quan thuộc di sản Huế như: lăng Gia Long, lăng Minh Mạng và lăng Đồng Khánh từ tháng 8/2023. Nhờ đó, lượng lớn vỏ chai, rác thải nhựa được giảm đi đáng kể, tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách mỗi khi đặt chân đến các điểm di tích… Đây là một trong những hoạt động nhằm giảm thiểu rác thác nhựa trong hoạt động du lịch, góp phần xây dựng Huế là thành phố xanh - sạch - sáng. Đến nay, trên địa bàn TP Huế, đã có thêm 9 trạm nhà chờ và tiếp nước uống miễn phí ở các điểm tham quan di tích, điểm đến du lịch tại Huế phục vụ du khách.

Thừa Thiên Huế: Xây dựng du lịch xanh để bảo tồn di sản và thu hút khách -0
Thừa Thiên Huế: Xây dựng du lịch xanh để bảo tồn di sản và thu hút khách -1
Các chương trình nghệ thuật tại Festival quốc tế Huế 2024 thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Chị Nguyễn Thị Nhi, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Tôi đã đến Huế du lịch nhiều lần và lần này trở lại thấy có lắp đặt trạm cấp nước uống miễn phí cho du khách này rất ấn tượng. Đây là hoạt động vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa đảm bảo sức khỏe cho du khách và quan trọng là hạn chế sử dụng chai nhựa, góp phần bảo vệ môi trường. Tôi nghĩ rằng đây là mô hình rất hay, nên cần nhân rộng nhiều hơn, không chỉ ở các không gian cộng đồng, điểm đến du lịch tại Huế mà còn ở các tỉnh, thành khác trong nước”.

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Lê Công Sơn cho biết, khuyến nghị của UNESCO đối với các khu di sản là phải hạn chế tối đa tác động bất lợi như tiếng ồn, độ rung, khói bụi đến khu di sản. Vậy nên, việc triển khai tuyến Du lịch Xanh hay việc giảm nhựa sẽ là hành động cụ thể của đơn vị thực hiện cam kết đối với UNESCO đồng thời giúp hình ảnh di tích trở nên thân thiện hơn với du khách. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã đồng hành cùng ngành du lịch địa phương triển khai những “nỗ lực” xanh để gìn giữ giá trị của di sản Huế.

Bên cạnh tuyến du lịch xanh được triển khai ở vua Gia Long, giữa tháng 7/2024, tại Hoàng cung Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế  vận hành thử nghiệm 15 xe đạp điện trợ lực GCOO tại khu vực hoàng cung cho khách tham quan trải nghiệm. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Gbike- Công ty công nghệ di động vi mô của Hàn Quốc đã thống nhất tăng cường hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch bền vững và thân thiện môi trường tại các điểm du lịch chính thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hoá thế giới được UNESCO công nhận. Mục tiêu nhằm khai thác dịch vụ du lịch và phát huy giá trị di sản Huế, tạo ra môi trường di chuyển bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường, góp phần phát triển hệ thống giao thông xanh không chỉ ở các điểm di tích, mà cho cả TP Huế.

Thừa Thiên Huế: Xây dựng du lịch xanh để bảo tồn di sản và thu hút khách -0
Một điểm cung cấp nước uống miễn phí cho du khách.

Việc xây dựng hạ tầng, giao thông du lịch xanh và vẻ đẹp cảnh quan cùng nhiều di sản giá trị… đã tạo thêm sức hút cho du lịch Cố đô Huế. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có nhiều hoạt động lễ hội, đặc biệt là “Festival bốn mùa”. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến Huế ước đạt hơn 1,95 triệu lượt, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 821.200 lượt, tăng hơn 42,6% so với cùng kỳ năm trước.

Khách lưu trú 6 tháng đầu năm đánh dấu mức tăng trưởng mới, với 20,1% so với cùng kỳ năm trước (ước đạt 983.589 lượt), trong đó khách quốc tế lưu trú ước đạt gần 362.000 lượt, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Những kết quả tích cực đã mang lại doanh thu từ du lịch tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, ngoài du khách trong nước, hầu hết du khách quốc tế đến Huế đều tham quan Hoàng cung và các điểm di tích của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

Hải Lan
.
.
.