Thơ, nhạc hòa quyện trong đêm khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21
Sự hòa quyện giữa âm nhạc và thơ ca đã làm nên một chương trình khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 và đêm thơ Nguyên Tiêu 2023 mang nhiều dấu ấn đặc biệt, thể hiện sự đổi mới để thơ đến gần hơn với đông đảo công chúng.
Sự kiện nói trên do Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức tại khu vực Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, thu hút đông đảo các văn nghệ sĩ, người yêu thơ.
Đến dự buổi lễ, đánh trống khai mạc Ngày thơ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã chúc các nhà thơ duy trì thật bền bỉ niềm đam mê sáng tạo, đặc biệt mong các nhà thơ luôn ý thức thật tốt về quyền và trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với dân tộc mình. Đồng chí khẳng định: Lịch sử thơ ca dân tộc ta, từ khởi nguồn tới nay, chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh của đất nước ta. Nhìn chung, văn học, trong đó có thơ ca đã tham gia hết sức sâu rộng vào tiến trình phát triển của nước ta trong giai đoạn vừa qua.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, trong sự vận động hết sức ráo riết của thế giới hôm nay, xã hội chúng ta cũng đang có những bước chuyển lớn. Các hệ giá trị truyền thống dần thay đổi, xuất hiện nhiều hệ giá trị mới phát sinh từ thực tế, hoặc du nhập bên ngoài vào, trong đó có hệ giá trị tích cực, nhưng cũng có những hệ giá trị chưa thực sự phù hợp với bối cảnh đất nước. Thực trạng trên đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi những người có lương tri, có trách nhiệm phải suy nghĩ, đặc biệt trên hai lĩnh vực là đạo đức và văn hóa.
Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Đảng đã kịp thời ban hành Nghị quyết 33 về “Xây dựng con người, văn hoá Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Xây dựng văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Những nghị quyết trên vừa nhằm hoạch định, định hướng, vừa để văn nghệ sĩ hiểu rõ hơn, chính xác hơn quan điểm, chủ trương của Đảng trong việc xây dựng nhân cách con người mới, cũng như xây dựng nền văn học nghệ thuật hiện đại mà vẫn bảo tồn được bản sắc dân tộc.
Để chủ trương của Đảng được thực hiện tốt, có hiệu quả, không thể thiếu sự chung tay của toàn xã hội, trong đó có các nhà thơ. “Vị trí của nhà thơ chân chính bao giờ cũng là đứng giữa lòng dân tộc mình để sáng tác. Khi động cơ sáng tác là tinh thần yêu thương, xây dựng thì người đọc sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng đặt lòng tin vào tác phẩm ấy bởi họ cảm nhận được ánh sáng thiện tâm tỏa ra từ trái tim của tác giả. Thơ ca không dẫn đường cho con người ta bằng ánh sáng của điện năng mà bằng nhịp đập của con tim. Những tác phẩm lớn luôn hàm chứa tinh thần lạc quan, hướng thiện, nó bày tỏ lòng trân quý con người bằng lời kêu gọi rũ bỏ hận thù để hướng tới một tương lai hòa hợp, nhuần nhị. Đấy chính là cốt lõi đạo đức của thời đại văn minh, đạo đức ấy được ủy quyền, theo cách trang nghiêm nhất, sủng ái nhất, cho mỗi nhà thơ”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Đọc diễn văn tại buổi lễ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn cho biết: Năm 2022, chúng ta vô cùng tự hào khi UNESCO trao Nghị quyết vinh danh nhà thơ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Trước đây, UNESCO đã vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các nhà thơ, nhà văn hoá lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Và năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, UNESCO đã vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.
Những sự vinh danh đó cho thấy sứ mệnh của những nhà thơ Việt Nam và sự đóng góp của họ trong việc tạo ra những giá trị tinh thần cho dân tộc và cho nhân loại. Đó là sự vinh danh vẻ đẹp sáng tạo, vinh danh tư tưởng nhân văn, vinh danh tinh thần sống của con người Việt Nam và vinh danh một nền văn hoá độc lập và khác biệt mà thơ ca chứa đựng và lan toả.
“Trong lịch sử lớn của dân tộc có lịch sử của thơ ca. Các nhà thơ Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đã đi cùng dân tộc trên mọi chặng đường. Với quyền lực của ngôn từ, với vẻ đẹp của tư tưởng nhân văn và bản lĩnh của mình, thơ ca đã đi qua mọi thách thức, mọi đe doạ và đi qua cả cái chết để mang vẻ đẹp và niềm kiêu hãnh bước vào từng ngôi nhà trên xứ sở chúng ta và nhóm lên ngọn lửa của tình yêu thương con người và những giấc mơ đẹp đẽ cho mảnh đất này”.
Dịp này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đã kêu gọi các nhà thơ, những người yêu thơ “cùng nhau viết chung một bài thơ - Bài thơ của tình yêu thương con người, của lương tri, của giấc mơ tự do và hy vọng bằng những cách riêng của trái tim mình” và “thơ ca hãy đứng về phía con người, vinh danh con người và bảo vệ con người”.
Ngay sau lễ khai mạc, các đại biểu, văn nghệ sĩ, người yêu thơ đã cùng thưởng thức đêm thơ chủ đề “Nhịp điệu mới”. Đây là đêm thơ quy mô nhất từ trước đến nay của Ngày thơ Việt Nam. Chương trình giới thiệu đến khán giả nhiều bài hát phổ nhạc từ những bài thơ nổi tiếng như: Người Hà Nội, Đường chúng ta đi, Thơ tình cuối mùa thu, Mùa xuân đầu tiên… Phần đọc thơ gồm 4 chương, giới thiệu nhiều tác phẩm tiêu biểu qua các giai đoạn: Thơ mới; Thơ kháng chiến chống Pháp; Thơ kháng chiến chống Mỹ; Thơ thời kỳ đổi mới và Thơ trẻ… Điều đặc biệt là ngoài phần biểu diễn của các nghệ sĩ, trong chương trình còn có sự tham gia giao lưu, đọc thơ của nhiều nhà thơ nổi tiếng…