Thiếu tá Lê Hồng Tuân và kỷ niệm diễn vai chính trong nhạc kịch về Bác Hồ

Chủ Nhật, 23/06/2024, 11:50

Những ngày giữa tháng 5/2024, đúng dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh nhật Bác, cán bộ, chiến sĩ Công an và thân nhân có dịp xem một tác phẩm đặc biệt – nhạc kịch “Người cầm lái”. Đây là nhạc kịch đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh do các nghệ sĩ Công an biểu diễn. Người thể hiện hình tượng Bác Hồ qua nhiều giai đoạn, xuyên suốt vở diễn gần 2h đồng hồ là giọng ca nam của Nhà hát Ca múa nhạc CAND – Thiếu tá Lê Hồng Tuân (ca sĩ Lê Tuân).

Trong cuộc trò chuyện với ca sĩ Lê Tuân sau thành công của 2 đêm diễn nhạc kịch “Người cầm lái”, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc khôn tả, với không ít phút  giây xúc động và cả sự tự hào của nam ca sĩ. Ca sĩ Lê Tuân nói, đây không phải là lần đầu tiên anh biểu diễn vở nhạc kịch này, nhưng biểu diễn trên sân khấu lớn của Nhà hát Hồ Gươm với hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại, các visual phát trên sân khấu hôm ấy đẹp hơn và chuyển tải tốt hơn nội dung vở diễn rất nhiều, người nghệ sĩ cũng có điều kiện thăng hoa hơn. Sau đêm diễn, nhiều khán giả nán lại rất lâu để chụp ảnh, giao lưu cùng nghệ sĩ. Đặc biệt, một cụ bà đã 80 tuổi nằng nặc “xin chụp hình với Bác”, mặc dù nghệ sĩ đã thanh minh là “cháu chỉ đóng vai Bác Hồ thôi”. Lê Tuân chia sẻ rằng, anh và các nghệ sĩ biết đây là một nhầm lẫn vui nhưng khi thể hiện hình tượng Bác mà khán giả cứ nghĩ mình là Bác thật thì vô cùng xúc động và có lẽ đây cũng là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh.

Thiếu tá Lê Hồng Tuân và kỷ niệm diễn vai chính trong nhạc kịch về Bác Hồ__SoDACBIET _T30 -0
Thiếu tá Lê Hồng Tuân cùng các nghệ sĩ trong trường đoạn Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Thực tế, nhạc kịch “Người cầm lái” đã được Nhà hát CAND (nay là Nhà hát Kịch CAND và Nhà hát Ca múa nhạc CAND) ra mắt lần đầu vào năm 2022, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh nhật Bác và 40 năm thành lập Nhà hát. Mặc dù thời điểm ra mắt, vở nhạc kịch chưa hoàn thiện toàn bộ nhưng tạo được ấn tượng đặc biệt, bởi đây là vở nhạc kịch đầu tiên về Bác Hồ, được đầu tư dàn dựng công phu, với công nghệ hiện đại, đội ngũ biểu diễn hùng hậu. Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc được tổ chức tại Đắk Lắk sau đó, vở diễn được vinh danh với giải thưởng đặc biệt của Ban tổ chức. Ca sĩ Lê Tuân được trao Huy chương Vàng cho cá nhân.

Kể về vai diễn của mình trong vở nhạc kịch này, ca sĩ Lê Tuân cho biết, đây là một hành trình khá dài với không ít thách thức. Lúc khởi dựng, ngay Tổng đạo diễn kiêm tác giả kịch bản “Người cầm lái” -Thạc sĩ Tuyết Minh cũng chưa hoàn toàn yên tâm khi giao vai diễn này cho anh. Lê Tuân phải thuyết phục nữ nghệ sĩ, đồng thời hứa sẽ cố gắng hết sức mình để không phụ lòng chị cũng như sự tin tưởng của lãnh đạo Nhà hát CAND dành cho mình.

“Thời điểm dựng nhạc kịch “Người cầm lái”, đại dịch COVID-19 còn căng thẳng. Nhiều nghệ sĩ nhiễm bệnh nên có những buổi tập có người này lại vắng người kia. Số lượng nghệ sĩ tham gia biểu diễn lại lên đến hàng trăm người. Bản thân tôi cũng nhiễm COVID-19. Khoảng thời gian không tập luyện tập trung cùng các nghệ sĩ, khi thấy mình khỏe một chút là tôi lại tự tập ở nhà. Kịch bản rất dày, được nghệ sĩ Tuyết Minh hoàn thiện trước, các nhạc sĩ viết nhạc sau.

May mắn là nhạc sĩ Hoàng Huy - một trong ba nhạc sĩ sáng tác âm nhạc cho vở nhạc kịch - là người của Nhà hát CAND. Có những đêm, tôi và Hoàng Huy ngồi trao đổi đến tận 2-3 giờ sáng. Kết quả của quá trình nỗ lực này là tôi thuộc làu cả cuốn kịch bản, kể cả phần lời của các diễn viên khác. Sau buổi biểu diễn tại Đắk Lắk, trong dịp Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc, nghệ sĩ Tuyết Minh đã chúc mừng, nói Lê Tuân đã thăng hoa và rất thành công, đồng thời bày tỏ ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của diễn viên. Đây là sự động viên rất lớn với nghệ sĩ” - ca sĩ Lê Tuân chia sẻ.

Giọng ca nam của Nhà hát Ca múa nhạc CAND cũng cho hay, khi tham gia vở nhạc kịch, anh đã dành nhiều thời gian để tìm đọc, xem, nghe các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, học từ cử chỉ, dáng đi, cách để tay lên trán, cách chào cho đến… nắn giọng làm sao để giống Bác nhất. Lê Tuân là người Nghệ An, có thuận lợi về giọng nói khi thể hiện hình tượng Bác. Trong quá trình nghiên cứu tài liệu, anh đọc được tư liệu cho thấy, trước khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác từng băn khoăn rằng, nếu Người đọc tiếng Nghệ An thì không biết đồng bào có nghe rõ không? Hình ảnh, âm thanh phát lại cũng cho thấy, Bác đọc có pha giọng miền ngoài, không hoàn toàn là giọng Nghệ An. Vì vậy, Lê Tuân phải tập nắn giọng, không nói tiếng Nghệ An gốc khi diễn xuất trên sân khấu.

Thiếu tá Lê Hồng Tuân và kỷ niệm diễn vai chính trong nhạc kịch về Bác Hồ__SoDACBIET _T30 -0
Thiếu tá Lê Hồng Tuân vào vai Bác Hồ trong vở nhạc kịch “Người cầm lái”.

Với nghệ thuật, anh nhận thấy, các nghệ sĩ đã thể hiện nhiều tác phẩm nhạc, kịch về Bác, nhưng vừa diễn kịch, vừa hát như trong nhạc kịch “Người cầm lái” thì chưa ai thực hiện. Mặc dù Lê Tuân được đào tạo bài bản tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, từng va chạm thực tế với nhiều chương trình biểu diễn lớn trước đó, song việc thể hiện hình tượng Bác Hồ từ thời trẻ đến khi về già trong vở nhạc kịch này là một vai diễn rất “nặng”. Anh phải nhờ các anh chị trong lĩnh vực sân khấu kịch hướng dẫn về diễn xuất. Ngay trong quá trình biểu diễn, Lê Tuân cũng phải nhờ các đồng nghiệp hỗ trợ. Vì diễn vai Bác Hồ qua nhiều không gian địa lý khác nhau, nhiều giai đoạn, từ thời trẻ đến lúc về già nên diễn viên phải hóa trang, thay đổi trang phục liên tục cho phù hợp.

Đặc biệt, thời điểm Lê Tuân vào vai Bác đọc “Đường Kách Mệnh” xong là phải vào thay quần áo, hóa trang và ra sân khấu ngay. Để đáp ứng yêu cầu, anh phải mặc lồng 2 bộ phục trang và nhờ bạn diễn, bộ phận hóa trang cầm khăn, gậy, giày sẵn sàng trong cánh gà. Khi anh vào là bạn diễn lập tức hỗ trợ cởi bỏ lớp bên ngoài. Người hỗ trợ trang điểm cũng chuẩn bị sẵn râu, keo nên chỉ việc dán vào mặt, kẻ mi, tạo nếp nhăn cho vẻ ngoài già đi. Sáp làm trắng mái tóc cũng được bôi sẵn lên tay, chỉ việc thoa lên đầu diễn viên. Khoảnh khắc này rất nhanh. Tất cả phải tập luyện, phối hợp nhịp nhàng mới kịp ra sân khấu đúng thời gian quy định.

Ngoài ra, trước khi nắm lịch diễn “Người cầm lái” một thời gian, Lê Tuân đã phải nuôi tóc và phối hợp với người hóa trang để cắt theo “phom” và cạo thêm cho trán cao, giống với hình ảnh Bác hơn. Khi ra sân khấu, tùy vào từng phân cảnh, diễn viên chỉ việc thay trang phục và trang điểm cho phù hợp…

Được biết, Lê Tuân được tạm tuyển vào Đoàn Ca múa nhạc CAND (nay là Nhà hát Ca múa nhạc CAND) từ năm 2009, đến năm 2010 thì anh được tuyển chính thức với cấp hàm Thiếu úy. 14 năm gắn bó với lực lượng CAND, anh đã tham gia biểu diễn hàng trăm chương trình lớn, nhỏ, phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. Đến nay, Lê Tuân là một trong những giọng ca nam chủ lực của Nhà hát Ca múa nhạc CAND. Gần như các chương trình nghệ thuật lớn của Công an và nhiều chương trình lớn ở ngoài lực lượng CAND, có sự phối hợp của các giọng ca trong CAND thì đều có sự góp mặt của anh.

Chia sẻ với chúng tôi, nam ca sĩ cũng tâm sự rất thật rằng, với bất kỳ nghệ sĩ nào cũng đều mong muốn được thể hiện những vai diễn lớn, biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật lớn. Với người nghệ sĩ trong CAND, hoạt động nghệ thuật cũng đồng thời phục vụ nhiệm vụ chính trị, là nghệ sĩ nhưng cũng đồng thời là chiến sĩ. Có khi vừa lộng lẫy trên sân khấu, nhưng sau suất diễn, nhất là các đợt lưu diễn ở vùng sâu, vùng xa, nghệ sĩ “diện” quần cộc, áo may ô thu dọn hậu đài, hoặc phải mướt mồ hôi cùng đồng nghiệp dọn vệ sinh các bãi đất trống để dựng sân khấu biểu diễn là chuyện rất bình thường. Dù khó khăn, vất vả nhưng các nghệ sĩ đều tự hào khi được mang trên mình sắc phục của lực lượng CAND, mang lời ca, tiếng hát phục vụ đồng bào, chiến sĩ.

Với Lê Tuân, ngoài tình cảm mến yêu của nhân dân, của đồng đội, những năm tháng hoạt động nghệ thuật của anh đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng, trong đó có Huy chương Vàng cho cá nhân, Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho tập thể và nhiều Bằng khen của Bộ Công an, 3 lần anh nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Lê Tuân cũng từng vinh dự là nghệ sĩ duy nhất của lực lượng CAND được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh Nghệ sĩ tiêu biểu năm 2022.  Đây vừa là vinh dự, vừa là áp lực, động lực để người nghệ sĩ lao động, sáng tạo và cống hiến nhiều hơn nữa trên con đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp nói chung, nghệ thuật trong CAND nói riêng.

Ngọc Nguyễn
.
.
.