Tập trung "mổ xẻ" nhiều vấn đề để phát triển nghệ thuật Cải lương
Ngày 15/7, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Sân khấu Cải lương TP Hồ Chí Minh, 1975-2025”, với sự tham dự của nhiều nghệ sĩ, soạn giả, đạo diễn tên tuổi, các nhà nghiên cứu Cải lương…
Tọa đàm được tổ chức nhằm thống nhất cấu trúc thực hiện việc biên tập, in và phát hành sách biên khảo - cuốn thứ 2 do Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh chủ biên thực hiện, nhằm chào mừng sự kiện trọng đại, Kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Theo Nhà báo, Đạo diễn Thanh Hiệp - Trưởng Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, nếu tính từ ngày 16/11/1918, vở “Gia Long tẩu quốc” được trình diễn tại Nhà hát Tây Sài Gòn được xem là vở diễn đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật Cải lương thì đến nay, khi chúng ta tổ chức việc in sách về giai đoạn Cải lương 1975-2025 đã tròn 107 tuổi và trở thành loại hình sân khấu gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần người dân Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Dù tuổi đời non trẻ so với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhưng Cải lương sớm khẳng định được chỗ đứng, đạt những thành tựu rực rỡ và sản sinh hàng loạt gương mặt nghệ sĩ tài danh, được đông đảo công chúng mến mộ.
Nhà báo, Đạo diễn Thanh Hiệp cho rằng trải qua 107 năm, nghệ thuật Cải lương cũng không thể thoát ra khỏi quy luật tất yếu của sự phát triển là có lúc thịnh, lúc suy. Tuy nhiên, qua công trình nghiên cứu, tạo cơ sở để các nhà nghiên cứu, tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn cùng tọa đàm, mang lại những kiến thức đúc kết từ quá trình gắn bó với bộ môn nghệ thuật Cải lương, cuốn sách thứ 2 của Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh hứa hẹn sẽ là một kênh thông tin hữu ích, giúp cho giới nghiên cứu và người trong nghề có sự tham khảo để từ đó tìm hướng đi, góp phần vực dậy, bảo tồn đồng thời phát triển nghệ thuật Cải lương mà ông cha đã kiến tạo.
Tại tọa đàm, 18 tham luận của 12 tác giả đã khẳng định lại những giá trị quý báu mà sân khấu Cải lương giai đoạn 1975 đến nay đã đạt được, từ các khâu quan trọng làm nên tác phẩm: Tác giả, đạo diễn, diễn viên và cả công tác đào tạo, phát thanh truyền hình, video Cải lương trong giai đoạn sau 1975.
Các tham luận đã xoáy sâu vào vấn đề nghệ thuật biểu diễn Cải lương và phong cách trình diễn của đội ngũ nghệ sĩ sân khấu từ sau 1975 đến nay, để có thể đúc kết góc nhìn mang tính lý luận về khuynh hướng sáng tác, hình thức dàn dựng và những yếu tố tạo cho sân khấu Cải lương sức hấp dẫn, mà có thể nói 10 năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, sàn diễn Cải lương tại TP Hồ Chí Minh có đến 22 đơn vị nghệ thuật hoạt động, đa dạng về đề tài, phong cách, tạo nên thời kỳ hoàng kim rực rỡ, sau đó là sự hình thành của giải thưởng Trần Hữu Trang (1991-2012).
Qua các tham luận và nhiều ý kiến đóng góp của mình, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ và các nhà lý luận phê bình, báo chí đã tập trung mổ xẻ nhiều vấn đề cần cải tiến để Cải lương sàn diễn phát triển và có định hướng, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh sàn diễn Cải lương.
Phát biểu tại tọa đàm, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta phải nhìn lại một giai đoạn phát triển rực rỡ của sân khấu Cải lương để đưa ra được nguyên nhân vì sao Cải lương sàn diễn hôm nay gặp khó khăn. Từ đó, tìm ra các giải pháp, cách thức thử nghiệm cho đời sống Cải lương hôm nay. Đồng thời có những đề xuất, tham mưu để UBND TP Hồ Chí Minh xác định mục tiêu cho hướng đi tiếp theo của sân khấu Cải lương TP Hồ Chí Minh sau 50 năm thống nhất đất nước…”.