Tạo cơ hội cho tài năng sân khấu trẻ trong CAND
Không chỉ tập trung đầu tư dàn dựng các vở diễn về hình tượng người chiến sĩ Công an, với sự tham gia diễn xuất của đội ngũ diễn viên dày dạn kinh nghiệm, Nhà hát Kịch CAND đầu tư dàn dựng nhiều tác phẩm với những đề tài khác, sáng tạo ngày càng đa dạng hơn, đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội cho những tài năng trẻ khẳng định, xây dựng “thương hiệu” của nghệ sĩ nói riêng, Nhà hát Kịch CAND nói chung.
Theo kế hoạch dự kiến, tối 29/5, trong khuôn khổ Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023 tại Hà Nam, Nhà hát Kịch CAND sẽ “trình làng” 5 trích đoạn kịch: “Vua Lear” và “Othello” của William Shakespeare, “Phồn Y” (Lôi vũ) của Tào Ngu, “Người không cô đơn” (U ơi đợi con về) và “Đông Phong” (Đông Du) của Bùi Vũ Minh.
Có lẽ, đây cũng là một trong những đợt hiếm hoi, Nhà hát Kịch CAND đầu tư dàn dựng, mặc dù mới chỉ là trích đoạn kịch kinh điển của thế giới. Cùng với đó là cơ hội thể hiện, khẳng định tài năng, xây dựng “thương hiệu” cho nhiều gương mặt còn mới với khán giả quen thuộc của Kịch CAND.
Trích đoạn “Vua Lear” có sự tham gia diễn xuất của Nguyễn Minh Anh (vai Vua Lear), Nguyễn Thế Anh (vai Hề điên), Nguyễn Thị Vân Anh (vai Cordelia). Trong khi đó, với trích đoạn “Othello”, cơ hội khẳng định tài năng diễn xuất được dành cho Lã Đức Quang (vai Othello), Dương Tùng Nam (vai Iago) và Nguyễn Thị Vân Anh (vai Desdemona).
Trích đoạn “Phồn Y” có sự tham gia diễn xuất của Trịnh Thanh Xuân (vai Phồn Y), Lê Tiến Việt (vai Cậu Bình). Diễn xuất trong trích đoạn “Đông Phong” có Vũ Quốc Lâm (vai Đông Phong), Vũ Thị Kim Thoa (vai y tá Noriko). Với trích đoạn “Người không cô đơn”, cơ hội và cũng là thử thách được dành cho một gương mặt mới - diễn viên Đỗ Minh Hiếu (vai người lang thang). Đồng hành cùng Minh Hiếu có những gương mặt đã gắn bó lâu năm với Kịch CAND, trong đó có Phạm Ngọc Thân, Trịnh Thị Huyền.
Chia sẻ với chúng tôi trước thềm Liên hoan, diễn viên Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, đây là lần đầu tiên Vân Anh được tham gia Liên hoan có quy mô toàn quốc, mang tính chất chuyên môn sâu. Là một diễn viên trẻ, mới ra trường, việc Vân Anh được lãnh đạo Nhà hát Kịch CAND tin tưởng giao vai Desdemona, được tham gia Liên hoan, Hội diễn là cơ hội quý để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giúp nâng cao trình độ biểu diễn và cũng là cơ hội để nghệ sĩ thể hiện tài năng, phát huy những vốn liếng đã tích lũy của bản thân sau những năm tháng được đào tạo bài bản.
Chia sẻ của Vân Anh cũng là tâm sự chung của nhiều gương mặt trẻ của Nhà hát Kịch CAND được chọn tham gia dự thi Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023. Các diễn viên trẻ đều cho biết, họ cảm thấy may mắn khi được tạo cơ hội, điều kiện để cọ xát trên sân khấu cùng với những nghệ sĩ tài năng ở trong và ngoài lực lượng CAND.
Trao đổi với chúng tôi quanh câu chuyện này, Thượng tá Đỗ Tất Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch CAND cho biết, việc lựa chọn các diễn viên trẻ, diễn viên tiêu biểu, có thương hiệu để tham gia các Liên hoan, Hội diễn là chủ trương của Nhà hát.
Trong năm 2023, ngoài Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023, Nhà hát Kịch CAND còn đầu tư dàn dựng tác phẩm để các diễn viên nói trên tham gia cuộc thi tài năng diễn viên khác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tham gia hội diễn về hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ do Bộ Quốc Phòng tổ chức. Tùy theo mỗi Liên hoan, Hội diễn, Nhà hát Kịch CAND sẽ chọn đầu tư dàn dựng các tác phẩm có chủ đề phù hợp chứ không chỉ tập trung đầu tư dàn dựng các tác phẩm về đề tài CAND.
Cũng theo Thượng tá Đỗ Tất Đạt, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Công an giao, mỗi năm, Nhà hát Kịch CAND dàn dựng 2 vở ca ngợi hình tượng người chiến sĩ CAND, cuộc sống, chiến đấu của lực lượng CAND.
Các tác phẩm được đơn vị lưu diễn, phục vụ CBCS và nhân dân các đơn vị, địa phương, đáp ứng nhu cầu về văn hóa, tinh thần, đồng thời qua đó, người dân hiểu hơn về những cống hiến hy sinh của lực lượng CAND trong thời chiến cũng như trong thời bình, tin yêu hơn, đồng hành nhiều hơn với lực lượng CAND trong giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ngoài ra, Nhà hát còn đầu tư dàn dựng những vở diễn về một số mảng đề tài khác. Tuy nhiên, lâu nay, nhiều khán giả và cả các đồng nghiệp trong nghề thường cho rằng Nhà hát Kịch CAND chỉ dàn dựng tác phẩm về đề tài CAND. Vì vậy, trong đợt Liên hoan lần này, Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát đã quyết định chọn dàn dựng các trích đoạn các tác phẩm về đề tài ngoài CAND, trong đó có những trích đoạn kịch kinh điển của châu Âu.
Nhà hát mong muốn, qua việc dàn dựng các trích đoạn của các tác phẩm ở nhiều mảng đề tài khác nhau, qua các Liên hoan, Hội diễn toàn quốc và biểu diễn phục vụ khán giả, các CBCS, nhân dân sẽ thấy hiệu quả công việc, những kết quả lao động sáng tạo đa dạng, nhiều “màu sắc” của nghệ sĩ Nhà hát Kịch CAND. Hơn nữa, việc dàn dựng các tác phẩm kịch kinh điển thế giới luôn là thách thức với các nghệ sĩ.
Nhà hát Kịch CAND có những nghệ sĩ tiêu biểu, đã có “thương hiệu”, có những diễn viên trẻ, tài năng, mới ra trường, tốt nghiệp loại giỏi, muốn cống hiến, gắn bó với lực lượng CAND. Việc dàn dựng các tác phẩm dự thi sẽ tạo động thêm lực sáng tạo cho nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ.
Thông qua liên hoan, hội diễn, họ sẽ thấy mình đang ở trình độ nào, vị trí nào trong mặt bằng chung của nghệ thuật sân khấu hiện nay. Các nghệ sĩ, diễn viên cũng có dịp giao lưu, học hỏi từ các bạn diễn, các đơn vị nghệ thuật, từ đó tự kiểm tra và rèn luyện bản thân tốt hơn. Nhà hát Kịch CAND, Hội đồng nghệ thuật cũng sẽ có những đánh giá để từ đó tham mưu với lãnh đạo Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, lãnh đạo Bộ Công an về phát triển nghệ thuật sân khấu Kịch trong CAND nói riêng, nghệ thuật chuyên nghiệp trong CAND nói chung, đáp ứng nhiệm vụ được Bộ Công an giao và đáp ứng xu thế của xã hội, nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của CBCS, nhân dân, đồng thời đào tạo được thế hệ diễn viên kế cận tài năng của Nhà hát.