Sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

Chủ Nhật, 06/10/2024, 06:50

Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới đây. Theo đó, nhiều “nút thắt” trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ.

Xây dựng Quỹ bảo tồn di sản văn hoá, cho phép mua cổ vật Việt Nam về nước

Thời gian qua, việc huy động nguồn tài chính để cùng với nhà nước bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá, đưa cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về, trong đó có việc đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo hồi hương từng gặp lúng túng ban đầu.

di san vh2.jpg -0
Di sản tư liệu là một bộ phận của di sản văn hoá Việt Nam, lần đầu tiên được đưa vào Luật Di sản văn hoá (sửa đổi).

Lý do là Luật Di sản văn hóa hiện tại chưa có các nội dung quy định về việc mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước. Hiện nay, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa nhưng chưa quy định rõ nội dung, việc thực hiện đóng góp tài trợ như thế nào.

Trong khi kinh phí Nhà nước còn hạn chế, việc huy động nguồn lực này rất cần thiết nhằm tạo nên nguồn tài chính đáp ứng yêu cầu thực tế triển khai các hoạt động về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa mà chưa được ngân sách bố trí kinh phí hoặc kinh phí chưa đủ để tu bổ các di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt đang có nguy cơ bị xuống cấp nghiêm trọng, sưu tầm và bảo quản hiện vật, mua và đưa các hiện vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước, mua và bảo quản các hiện vật, cổ vật có giá trị đặc biệt ở trong nước, bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu có nguy cơ mai một, thất truyền ... Tháo “nút thắt” này, dự thảo Luật có quy định rõ ràng về thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam và quy định cụ thể việc mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước, quy định những ưu đãi chính sách thuế nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức cùng tham gia trong việc này.

Luật hoá di sản tư liệu

Theo ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, quy định về Quỹ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam và mua, đưa cổ vật về Việt Nam là một phần trong các quy định mới, quy định sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý hoàn thiện hơn cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Cụ thể, tại dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), đây là lần đầu tiên, di sản tư liệu được đưa vào Luật Di sản văn hoá. Trong khi đó, sự xuất hiện của loại hình di sản tư liệu và nhu cầu quản lý ở Việt Nam xuất hiện sau khi chúng ta tham gia vào “Chương trình Ký ức Thế giới” của UNESCO từ năm 2007. Đến nay, Việt Nam đã có 10 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh, gồm: 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong thời gian tới, di sản tư liệu của Việt Nam sẽ tiếp tục được UNESCO xem xét, ghi danh cấp khu vực và thế giới. Di sản tư liệu của Việt Nam ở các địa phương, gia đình và dòng họ… đa dạng về loại hình, tài liệu, tư liệu rất tiềm năng. 

Di sản tư liệu được coi là một bộ phận của di sản văn hóa Việt Nam nhưng hiện chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di sản này và nhiều vấn đề về di sản tư liệu còn đang bỏ ngỏ. Nhận thức về tầm quan trọng của công tác nhận diện và xác định giá trị di sản tư liệu chưa được quan tâm đúng mức. Công tác bảo vệ di sản tư liệu chưa bài bản, thống nhất. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị loại hình di sản này gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các hoạt động mới chỉ dừng lại ở mức độ lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh, các hoạt động sưu tầm, kiểm kê, nhận diện, bảo quản, phát huy giá trị... chưa có cơ chế, hành lang pháp lý để triển khai đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) đã bổ sung các thuật ngữ định nghĩa về di sản tư liệu và các vấn đề liên quan.

Ưu đãi nghệ nhân, giảm, miễn phí tham quan di tích cho nhiều đối tượng

Với dự thảo này, đây cũng là lần đầu tiên, khái niệm về nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) và quy định về chính sách đãi ngộ nhệ nhân cũng tốt hơn. Nếu trước đây chỉ có nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp sinh hoạt và ưu đãi khác, thì dự thảo Luật lần này mở rộng các nghệ nhân được phong tặng đều được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết. Nghệ nhân được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hóa liên quan cho hoạt động duy trì thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…

Các điều chỉnh trên được cho là phù hợp bởi những năm qua đã có nhiều nghệ nhân qua đời mà chưa nhận được sự tôn vinh, chính sách đãi ngộ xứng đáng. Nhiều nghệ nhân gặp khó khăn vì không thuộc các cơ quan nhà nước, không có lương, ít được hưởng chính sách xã hội. Nhiều người sinh sống ở các vùng dân tộc thiểu số, khó khăn. Di sản văn hóa phi vật thể do họ đang nắm giữ chưa thể được phát huy đúng mức. Những bất cập này được kỳ vọng sẽ được khắc phục khi Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) được ban hành. Đáng chú ý, dự thảo Luật quy định miễn, giảm vé tham quan, học tập, nghiên cứu di sản văn hóa tại bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc sở hữu toàn dân đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú và một số đối tượng đặc biệt khác.

Ngọc Nguyễn
.
.
.