Sân khấu khởi động trở lại: Nhiều tín hiệu vui

Thứ Sáu, 18/02/2022, 07:58

Sau khi di tích, rạp chiếu phim “mở cửa” đón khách, các đơn vị sân khấu cũng rục rịch đón người xem trở lại. Hàng loạt các chương trình, vở diễn mới đã, đang được chuẩn bị, sẵn sàng ra rạp dịp đầu Xuân.

Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thuý Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh, một số hợp đồng biểu diễn bị huỷ. Tuy nhiên, các nghệ sĩ của Nhà hát vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng cho các hoạt động biểu diễn phục vụ các đơn vị, địa phương. Ngay đầu năm mới, Hội đồng nghệ thuật Nhà hát CAND cũng đã tổ chức họp và thống nhất lựa chọn kịch bản “Trả giá” của tác giả, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương để dàn dựng. Đây cũng là vở diễn đặc biệt phục vụ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/2022).

Vở kịch “Trả giá” tôn vinh những thành tích, chiến công, sự hy sinh dũng cảm của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm lợi ích nhóm, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Nhà hát đã mời NSND Lê Hùng đạo diễn và các nghệ sĩ đảm nhận các vai trò khác trong ê kíp sáng tạo như nhạc sĩ viết ca khúc, hoạ sĩ thiết kế, biên đạo hình thể, đạo diễn âm thanh ánh sáng… Theo kế hoạch, vở “Trả giá” sẽ khai trương vào ngày 19/2.

4.jpg -0
Nhiều vở diễn được các đơn vị sân khấu chuẩn bị phục vụ khán giả dịp đầu năm mới.

Thông tin từ Nhà hát Kịch Việt Nam, đơn vị sẽ công diễn vở hài kịch “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” từ ngày 4 đến 8/3. NSND Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng cho biết, Nhà hát đã xây dựng chương trình “Cùng trải nghiệm với nghệ thuật múa rối nước truyền thống” nhằm đưa bộ môn nghệ thuật đặc sắc này đến với trường học. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã dàn dựng chương trình “Múa rối du Xuân với 5K”, lồng ghép các trò múa rối với thông điệp phòng, chống dịch COVID-19 hướng tới đối tượng khán giả trẻ… Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng vở “Ông không phải là bố tôi”. Đây là kịch bản nổi tiếng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, từng được nhiều đơn vị dàn dựng thành công nhưng sẽ được “làm mới” hơn, mang phong cách của Nhà hát Tuổi trẻ, hướng tới khán giả trẻ.

Thực tế, trước đó, một số đơn vị đã khởi động khá sớm. Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phối hợp ra mắt công chúng thành công vở Cải lương – Xiếc “Thượng Thiên Thánh Mẫu. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, trong 3 đêm diễn vào ngày 6, 7, 8 Tết tại Rạp Xiếc Trung ương, vở diễn đã thu hút gần 700 khán giả. Các đêm diễn đem lại sự phấn chấn cho các nghệ sĩ sau một thời gian khá dài tạm dừng biểu diễn vì ảnh hưởng dịch bệnh do COVID-19, dù rằng, hiệu quả về mặt kinh tế chưa như mong muốn. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch đơn vị tổ chức đã xin tài trợ để tiến hành test nhanh cho khán giả trước mỗi suất diễn. Khán giả không ngồi kín được 1.300 ghế ngồi của rạp bởi quy định giãn cách nhưng các buổi diễn là những món quà ý nghĩa dành tặng các nghệ sĩ trong những ngày đầu năm mới.

Một đại diện của Sân khấu Lệ Ngọc - đơn vị sân khấu xã hội hoá hiếm hoi tại khu vực phía Bắc cũng cho hay, đơn vị sẽ “khai Xuân” tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ ngày 21-25/2 với 3 vở diễn “Vụ án người đốt đền”, “Làm vua”, “Nước mắt của mẹ”. Cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đơn vị sẽ ra mắt vở “Vang bóng một thời” vào tối 1/3. Sau đó, Sân khấu Lệ Ngọc sẽ lưu diễn tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 13-23/3,  trung bình 2 suất diễn/ngày trong dịp này. Hiện tại, các suất diễn đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã hết vé.

Cùng với những tín hiệu vui dịp đầu năm mới từ các đơn vị nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đã khởi động Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V - Hà Nội 2022. Liên hoan dành cho các đơn vị nghệ thuật trong nước và quốc tế. Đây cũng là sân chơi nghệ thuật dành cho người làm nghề chuyên nghiệp, đề cao sự tìm tòi, khám phá mới, có tính thử nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của các biên kịch, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, diễn xuất, âm thanh ánh sáng, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình sân khấu…

N.Nguyễn
.
.
.