Rộn ràng Lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận

Thứ Bảy, 14/10/2023, 13:31

Lễ hội Katê được lưu truyền, gìn giữ với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận. 

Trong hai ngày, 13 và 14/10, tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận diễn ra Lễ hội Katê, lễ hội dân gian lâu đời và đặc sắc của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận. 

Rộn ràng Lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận -0
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận và các chức sắc Bàlamôn tại buổi lễ.

Vào lễ hội Katê, không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm đang sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè, người thân.

Theo trình tự, các nghi thức của lễ hội sẽ bắt đầu từ đền tháp cho đến các làng xã và về mỗi gia đình. Lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng (năm 2005) tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, TP Phan Thiết) và trở thành một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch. Lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm, mà còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh tỉnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

Rộn ràng Lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận -1
Các thiếu nữ Chăm xinh đẹp trong điệu múa rước kiệu.

Cụ thể, Lễ hội Katê tại di tích tháp Pô Sah Inư, gồm phần lễ và phần hội diễn ra hài hòa, gắn kết tạo nên không khí vừa mang nét trang nghiêm, vừa vui tươi, lành mạnh và đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.

Trong đó, phần lễ được xem là nội dung chính, cốt lõi của lễ hội. Phần lễ do các chức sắc người Chăm huyện Hàm Thuận Bắc điều hành, thực hiện theo quy định tôn giáo, phong tục truyền thống vốn có do ông bà để lại, gồm các nghi thức như thực hiện nghi lễ cúng cầu an, nghi thức múa mừng, thỉnh mời thần linh; mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục và Đại lễ cúng tạ ơn nữ thần Pô Sah Inư và các vị thần linh (tại tháp chính)

Rộn ràng Lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận -1
Đội trống, kèn trong lễ rước kiệu.

Đến phần hội, bà con người Chăm đến từ các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh và Hàm Tân sẽ chia thành các đội và tham gia thi giã gạo, đội nước vượt - chướng ngại vật, thi thổi kèn Saranai, trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế nữ thần Pô Sah Inư; diễn xướng, giao lưu nghệ thuật dân gian Chăm tạo không khí phấn khởi, vui tươi và đoàn kết.

Rộn ràng Lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận -1
Đoàn rước kiệu chậm chậm theo tiếng nhạc và điệu múa của các thiếu nữ dần tiến lên tháp.

Đến với lễ hội, không chỉ được hòa mình vào đoàn nghinh rước y trang nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính, người dân, khách tham quan, du lịch còn được chiêm ngưỡng, trải nghiệm qua các trò chơi dân gian. Tiếp đó, du khách và người dân được thưởng thức chương trình giao lưu nghệ  thuật dân gian Chăm, nghi thức múa mừng thỉnh mời thần linh tại tháp chính…

Vào lễ chính, các chức sắc tôn giáo người Chăm thực hiện các nghi lễ: Mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga – Yoni, mặc trang phục và đại lễ cúng tạ ơn nữ thần Pô Sah Inư và các thần linh…

Rộn ràng Lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận -1
Các nghệ sĩ biểu diện sau phần lễ chính.

Sau khi mở tháp tắm bệ thờ, Sư cả và nhưng chức sắc cùng một phụ nữ có uy tín trong cộng đồng làm lễ trong tháp cầu nguyện bình an, hạnh phúc đến với bà con. Trước cửa tháp, người dân, các thiếu nữ cùng khách thập phương đến trước kiệu, đốt hương trầm cho nữ thần và quơ nhẹ những làn khói trầm xoa lên cơ thể mong xua đi những bụi trần…

Rộn ràng Lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận -1
Lễ hội diễn ra được bảo đảm an ninh và an toàn.

Bình Thuận có hơn 40.000 người Chăm sinh sống. Lễ Katê diễn ra ngày 14/10 là ngày 1/7 theo lịch Chăm, là Tết năm mới của người Chăm. Trước đó, tháng 4/2022, Lễ hội Katê của người Chăm, Bình Thuận, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bùi Thanh
.
.
.