Ra mắt tập thơ “Viễn ca” của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh
Sau 2 tập thơ “Loạn bút hành” và “Chiều không tên như vết mực giữa đời”, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, nguyên Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật đã ra mắt tập thơ thứ 3 - “Viễn ca” vào ngày 28/8 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Hà Nội.
Buổi lễ do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Ban Văn học nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, cơ sự tham dự của đông đảo các văn nghệ sĩ, nhà báo. Nhiều nhà thơ cho biết, Nguyễn Tiến Thanh là gương mặt thơ nổi bật của phong trào thơ sinh viên Trường Đại học Tổng hợp (Hà Nội) những năm 1980. Thơ của ông được sinh viên chép tay, chuyền nhau đọc.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh cho biết, ông học Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau khi ra trường, ông được giữ lại giảng dạy tại trường. Những năm tháng sinh viên Văn khoa và làm giảng viên tại trường Đại học Tổng hợp là khoảng thời gian ông gắn bó, dành nhiều tình yêu cho thơ ca, kể cả hoạt động sáng tạo và các hoạt động khác như theo các bậc đàn anh trong “làng văn” tham gia các buổi giao lưu với bạn đọc yêu thơ tại các trường.
Cũng theo nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, khi làm báo, “bị quăng quật với đời nhiều quá” nên ông không có thời gian dành cho thơ ca. Mãi sau này, ông mới quay lại sáng tác. Nhưng sau 30 năm làm báo, bước sang làm công việc khác, con người thay đổi, thơ của ông cũng thay đổi, không còn như những tháng năm tuổi trẻ.
Được biết, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh đã xuất bản 2 tập thơ “Loạn bút hành” và “Chiều không tên như vết mực giữa đời”. Tập thơ mới nhất - “Viễn ca” gồm 39 bài thơ, thể hiện suy ngẫm, chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc sống, tình yêu khi vào tuổi trung niên. Về tập thơ này, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh cũng chia sẻ rằng,“Viễn ca” là chặng đường con người phải đi qua trong hành trình số phận của mình. Trên hành trình đó, ông bắt gặp nhiều phong cảnh, ghi lại bằng ngôn từ và cảm xúc.
Nói về nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh và tập thơ “Viễn ca”, nhiều văn nghệ sĩ bày tỏ sự bất ngờ. Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam chia sẻ: Nguyễn Tiến Thanh khởi nghiệp thơ từ phong trào thơ sinh viên ở các trường đại học Hà Nội cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Những năm ấy tuổi trẻ yêu thơ, say thơ. Nhiều bài thơ Nguyễn Tiến Thanh viết trong khoảng thời gian này hiện vẫn có những người thuộc nằm lòng. Tinh thần của chúng – say đắm lãng mạn lẫn ngông cuồng phá cách – qua quãng cách thời gian mấy chục năm, chừng như vẫn còn hắt ánh hồi quang đến tận bây giờ.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết, ông từng sinh hoạt chung trong câu lạc bộ thơ với từ khi Nguyễn Tiến Thanh còn là sinh viên.
“Tôi tưởng Nguyễn Tiến Thanh làm quản lý sẽ quên thơ ca, nhưng một ngày mùa thu, anh lại xuất hiện trở lại trong một tinh thần khác. Một giai đoạn và nhịp điệu khác. “Viễn ca” có nhiều bài thơ lục bát, khiến tôi nghĩ tới hình ảnh cây trầm, lá vẫn vậy, cây vẫn vậy nhưng trong ruột cây làm nên hương trầm tích luỹ. Thơ Tiến Thanh giống như vậy, anh đi qua cuộc đời này, những buồn vui, cảm hứng, với con mắt mở rộng để nhìn đời sống này, mang lại cho anh những trải nghiệm, tích luỹ…Nhiều bạn bè khi đọc thơ anh trước kia, đón nhận tập thơ này với sự bất ngờ, sự chiêm nghiệm”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.