Ra mắt bộ sách sử đồ sộ “Đại Nam thực lục”

Thứ Bảy, 04/06/2022, 07:15

Ngày 2/6, bản dịch trọn bộ “Đại Nam thực lục” tái bản mới nhất được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam, Viện Sử học công bố tại Hà Nội.

Đây là bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm, ghi chép về lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn, hơn 200 năm lịch sử Đàng Trong của chúa Nguyễn.

6-1.jpg -0
Bộ “Đại Nam thực lục” được in đẹp và đóng hộp trang trọng.

Đánh dấu bước phát triển đặc biệt của sử học

Phát biểu tại lễ ra mắt bộ sách “Đại Nam thực lục”, PGS.TS Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết: “Đại Nam thực lục” là  bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm, tính từ khi bắt đầu triển khai (năm 1821 - năm Minh Mệnh thứ 2) đến khi hoàn thành và khắc in xong những quyển cuối cùng (năm 1909 - năm Duy Tân thứ 3).

Năm 1960, theo chủ trương của Viện trưởng Viện Sử học - GS Trần Huy Liệu, Viện Sử học tiếp nhận đội ngũ các nhà Hán học có trình độ uyên thâm lập tổ phiên dịch để tiến hành dịch các bộ sử mà tiền nhân để lại. Các thành viên trong tổ phiên dịch đã khai thác Kho tư liệu Hán Nôm của Thư viện Viện Sử học, tiến hành dịch các bộ sử lớn, trong đó có bộ “Đại Nam thực lục”. Năm 1962, Viện Sử học cho công bố bản dịch tập 1, phần tiền biên trong bộ “Đại Nam thực lục”, đến năm 1978 công bố tập 38, hoàn thành công việc xuất bản trọn bộ sách này.

17 cán bộ phiên dịch, 5 cán bộ hiệu đính của Viện Sử học là những nhà Hán học uyên thâm tiêu biểu như Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Mạnh Duân, kết hợp các cơ quan xuất bản của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (khi đó là Viện KHXH) đã mất 16 năm để thực hiện việc dịch và xuất bản bộ sách. Năm 2001, dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng PGS.TS Trần Đức Cường, Viện Sử học phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam tiến hành tái bản bộ “Đại Nam thực lục” lần thứ nhất…

Hướng tới kỷ niệm 60 năm kể từ lần đầu ra mắt tập đầu tiên bản tiếng Việt, năm 2022, bộ sách được tái bản lần thứ 2, có hiệu đính và sửa các lỗi, bao gồm 10 tập, dày gần 10.000 trang.

GS.TS Đinh Xuân Dũng chia sẻ, bộ “Đại Nam thực lục” đánh dấu bước phát triển đặc biệt của sử học Việt Nam. Bộ sách cho thấy quy trình biên soạn hết sức công phu, đồng thời cung cấp nhiều bài học sâu sắc về viết sử. Đó là viết sử không phải để chiêm ngưỡng mà là để lại những bài học cho nghìn đời sau. Viết sử phải chính xác, cụ thể, không văn hoa, khoa trương. Qua những thành tựu và hạn chế không thể tránh khỏi của lịch sử suốt 300 năm, bộ sử để lại nhiều bài học cần thiết cho hôm nay và mai sau.

Bộ sử này có nhiều dữ liệu hết sức có giá trị liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa như nhà vua sai đo bãi cát Trường Sa, dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng Sa, chép lại rất rõ cái gì cắm lại trên đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi dựng đền thờ. Đây là những bằng chứng rất quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.

“Kho” tư liệu không thể thay thế, cần được nghiên cứu toàn diện

Theo PGS.TS Đỗ Bang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, “Đại Nam thực lục” tiền biên về chính biên có 560 quyển, là bộ sử đồ sộ nhất của Việt Nam đã được ấn hành. Bộ sử tập trung các đại thần và chuyên gia hàng đầu của triều đình Huế, là một kỷ lục về thời gian và kỳ công tổ chức biên soạn. Bộ sách được biên soạn theo phương pháp biên niên nên rất cần, rất dễ để tra cứu sự kiện, nhân vật, địa danh, địa chỉ theo trình tự thời gian, phương pháp kỷ sự và có khả năng tái hiện diện mạo lịch sử của triều đình, đất nước theo lát cắt của thời gian. Đây là nguồn sử liệu hàng đầu giúp cho các nhà nghiên cứu cũng như bạn đọc quan tâm đến lịch sử Việt Nam nói chung và triều Nguyễn nói riêng trong 330 năm (1558-1888).

Bộ sách không chỉ viết về các vua, chúa Nguyễn mà ghi lại hoạt động của triều đình, đất nước, xã hội đương thời một cách chân thực. Khảo cứu “Đại Nam thực lục” cho biết về các chính sách của triều Nguyễn thể hiện qua nguồn tư liệu châu bản được vua phê duyệt, trong đó có những vấn đề hiện nay rất được quan tâm như ruộng đất, biển đảo, địa danh, địa giới hành chính, tôn giáo, dân tộc thiểu số, người Hoa, đối ngoại với Trung Quốc, các nước phương Tây.

Bộ sách cho thấy, vào năm 1803, vua Gia Long cho tái lập đội Hoàng Sa và năm 1816, đưa thủy quân xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa, chính thức hóa chủ quyền của nhà nước Trung ương được thế giới lúc bấy giờ thừa nhận, là mốc quan trọng cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hơn 200 năm qua. Triều đình Minh Mạng cử nhiều cơ quan Trung ương ra Hoàng Sa để làm nhiệm vụ khai thác và thực thi chủ quyền, là đỉnh cao về giải pháp để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, “Đại Nam thực lục” giúp nghiên cứu nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, kinh tế, chính trị cho đến thiên văn. Giá trị cốt lõi làm cho bộ sử này có giá trị lớn là tư liệu rất phong phú, chính xác, đồ sộ. Nhiều vấn đề trong lịch sử còn cần nghiên cứu đã được bộ sách cung cấp chi tiết, không chỉ giúp chúng ta đi sâu vào các sự kiện trong 1 giai đoạn lịch sử, rút ra các bài học, kinh nghiệm, mà còn góp phần lý giải mối quan hệ với các nước láng giềng, lý giải nhiều hiện tượng của đời sống đương đại như vì sao Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki Moon lại từng đến chùa Thầy thắp hương nhận tổ tiên của mình là họ Phan. Nhiều hiện tượng được cho là kỳ dị ở trong quá khứ cũng được lý giải thấu đáo bằng góc nhìn của khoa học hiện nay… Tuy nhiên, để  nghiên cứu trực diện, đầy đủ, sâu sắc hơn thì cần có hội thảo khoa học cấp quốc gia về công trình này.

Hoa Nguyễn
.
.
.