Ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Chủ Nhật, 28/11/2021, 15:50

Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày tài liệu, hiện vật gắn với các nhà khoa học, mà còn là nơi lan tỏa ký ức, câu chuyện và giá trị sống của những người con ưu tú từng góp sức làm nên một phần lịch sử nền khoa học Việt Nam.

Ngày 28/11, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) tổ chức lễ ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại MEDDOM Park, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Dự buổi lễ có bà Nguyễn Thuý Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội của Quốc hội; ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); ông Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoà Bình cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, tổ chức đoàn thể và tỉnh Hoà Bình.

Ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam -0
Các đại biểu dự lễ ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam tại MEDDOM Park.

Thành lập năm 2008 bởi những người sáng lập MEDGROUP, hệ thống MEDDOM mang sứ mệnh gìn giữ và phát huy di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Sau 13 năm cần mẫn, MEDDOM đã thiết lập được 2.000 phông lưu trữ cá nhân các nhà khoa học, lưu giữ và bảo quản hơn 800.000 hiện vật, 400.000 phút ghi âm và 150.000 phút ghi hình về cuộc đời của nhà khoa học thuộc 45 chuyên ngành.

Đó là kết quả của hàng vạn giờ làm việc nghiêm túc của hàng trăm chuyên gia, thông qua những cuộc gặp gỡ trực tiếp với các nhà khoa học, cộng sự và người thân của họ cũng như các nhân chứng ở mọi miền đất nước.

Ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam -0
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Toàn trao quyết định cấp phép hoạt động Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam tới đại diện MEDDOM.

Song song với hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, MEDDOM đã thúc đẩy mạnh mẽ công tác phát huy di sản của các nhà khoa học bằng việc tổ chức thành công nhiều cuộc trưng bày, triển lãm, xuất bản 2 bộ sách thường niên “Di sản ký ức của nhà khoa học”, “Những câu chuyện hiện vật” cùng nhiều cuốn sách và hàng chục thước phim về cuộc đời các nhà khoa học. Đó là cơ sở để MEDDOM đi tới quyết định thành lập bảo tàng về các nhà khoa học Việt Nam.

Ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam -0
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi lễ.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn MEDDOM, cho biết, với khối lượng hiện vật, di sản khổng lồ đang lưu giữ, bảo tàng sẽ phản ánh một phần lịch sử nền khoa học Việt Nam; cũng như cung cấp những thông tin quý giá về các nhà khoa học và đóng góp của họ với đất nước theo tiến trình lịch sử từ những năm đầu thế kỷ 20 trở đi.

"Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong tương lai không chỉ là nơi tham quan để biết về lịch sử các nhà khoa học mà còn là nơi tìm hiểu những giá trị, phẩm chất của họ, từ đó, mỗi người, nhất là thế hệ trẻ, có thể tìm thấy cảm hứng cho chính mình", PGS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

Ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam -0
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoà Bình Bùi Đức Hinh phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình Bùi Đức Hinh đánh giá cao hoạt động bảo tồn, phát huy di sản các nhà khoa học Việt Nam của MEDDOM; khẳng định, sự ra đời của Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam là dấu mốc quan trọng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân địa phương, trở thành điểm đến hấp dẫn với không chỉ những người yêu mến khoa học, ham mê tìm tòi về lịch sử, văn hoá... mà còn của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Nhân dịp này, MEDDOM đã tổ chức lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật của nhà khoa học thứ 2.000 - PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa IX. Đó là những hiện vật gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp khoa học của PGS Lê Văn Truyền, từ những mẩu bút chì, trang giấy nháp, đến những bản thảo văn kiện có ý nghĩa chiến lược trong phát triển ngành dược tại Việt Nam...

Ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam -0
PGS.TS Lê Văn Truyền bàn giao tài liệu hiện vật tới đại diện MEDDOM.

PGS. TS Lê Văn Truyền cho biết, ông rất xúc động và vinh dự khi trở thành nhà khoa học thứ 2.000 có tài liệu và hiện vật được lưu trữ tại hệ thống MEDDOM. Ông đánh giá cao các chuyên gia của MEDDOM luôn cần mẫn và chuyên nghiệp để ghi lại trung thực, chính xác và tỉ mỉ câu chuyện của ông cũng như các nhà khoa học có phông lưu trữ tại đây.

PGS Lê Văn Truyền tin tưởng và hi vọng bảo tàng sẽ đóng góp một phần công sức vào công cuộc phát triển văn hoá, khoa học đất nước.

Ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam -0
GS.TS Nguyễn Anh Trí phát biểu tại buổi lễ.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng cố vấn MEDGROUP, đơn vị sáng lập Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, nhấn mạnh, hàng ngàn tài liệu, hiện vật gắn bó với quá trình học tập, nghiên cứu khoa học và công tác của PGS Lê Văn Truyền được trao tặng dịp này đã khẳng định sự tin tưởng của các nhà khoa học đối với MEDDOM, cũng như làm phong phú thêm bộ sưu tập tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

GS Nguyễn Anh Trí khẳng định, tập đoàn MEDGROUP sẽ tiếp tục đầu tư các dự án mới của MEDDOM, để bảo tàng mở rộng lớn hơn, đầy đủ hơn, quý giá hơn. "Những hiện vật được lưu giữ tại đây không chỉ dành cho thế hệ chúng ta mà còn của nhiều thế hệ sau này. Những tư liệu, hiện vật đó sẽ luôn được bảo quản tốt nhất, cẩn trọng nhất", GS Nguyễn Anh Trí phát biểu.

PGS Lê Văn Truyền nguyên là Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa IX. Với vai trò Phó ban thường trực Ban soạn thảo “Chính sách Quốc gia về Thuốc” và tầm nhìn của nhà khoa học, ông đã có nhiều đóng góp xây dựng chính sách thuốc có giá trị chỉ đạo xuyên suốt nhiều thập kỷ đối với ngành Dược Việt Nam.

Ra mắt Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam -0
PGS Lê Văn Truyền giới thiệu tới khách tham quan về những tài liệu, hiện vật, hình ảnh gắn bó với cuộc đời khoa học của ông.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS Lê Văn Truyền đã công bố hàng trăm bài báo nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành, báo cáo tại các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu. Ông là phó chủ nhiệm dự án “Phát triển sản xuất Artemisinin từ thanh hao hoa vàng”, công trình khoa học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Thiện Nhân
.
.
.