Quản lý nghệ thuật biểu diễn - cả tiền kiểm lẫn hậu kiểm đều vướng

Chủ Nhật, 08/01/2023, 09:38

Trong khi nghệ sĩ than phiền về hoạt động quản lý và kiểm duyệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (NTBD) thì nhà quản lý cũng cho rằng, có khá nhiều bất cập trong lĩnh vực này, đòi hỏi phải được tháo gỡ kịp thời.

Nhạc sĩ Quốc Trung - nhà sản xuất của nhiều chương trình âm nhạc đình đám những năm gần đây không ít lần than phiền về hoạt động quản lý NTBD. Gần đây nhất, trong Hội nghị Văn hóa năm 2022 do Quốc hội chỉ đạo tổ chức, nhạc sĩ tiếp tục thẳng thắn chỉ ra rằng, khi chế độ kiểm duyệt của chúng ta còn xét duyệt, phúc khảo những bài hát có tuổi đời hơn nửa thế kỷ của những nghệ sĩ tên tuổi hay thậm chí phúc khảo cả dàn nhạc giao hưởng với các tác phẩm kinh điển của thế giới thì những thể nghiệm đôi khi mang tính phá cách của lớp trẻ sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Chưa kể, nếu mời dàn nhạc giao hưởng hay nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng thế giới vào Việt Nam biểu diễn những tác phẩm khí nhạc mà vẫn phải mời hội đồng phúc khảo tới duyệt chương trình thì thế giới sẽ không biết đến Việt Nam như một đất nước thân thiện và có những đòi hỏi thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của nhân loại văn minh như chúng ta đã từng làm mà thay vào đó là hình ảnh rất khác về đời sống âm nhạc Việt Nam.

bieu-dien-nt2.jpg -0
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện đang được điều chỉnh theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP.

Nhạc sĩ Quốc Trung cũng cho biết, ông không hề phản đối việc kiểm duyệt cấp phép những chương trình ca nhạc nhưng đã đến lúc chúng ta cần thay đổi việc này. Nó cần phải được nhìn nhận như là những hướng dẫn, định hướng mang tính ủng hộ, hỗ trợ cho các nhà sản xuất tư nhân. Các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể cấp phép, xét duyệt bằng văn bản, đi kèm là những cam kết và chế tài nghiêm khắc. Sự quản lý và kiểm duyệt cũng cần có sự đồng nhất và tránh những cảm tính cá nhân. Cần có những quy định, luật định rõ ràng, tỉ mỉ cho dù những quy định ấy có thể có những đặc thù và khắt khe thì vẫn sẽ nhận được sự đồng lòng của tất cả.

Thực tế, những vấn đề nhạc sĩ Quốc Trung nêu trên là vấn đề âm ỉ lâu nay, không chỉ có các nhà tổ chức biểu diễn, nghệ sĩ mà nhà quản lý cũng thừa nhận, hoạt động này đang tồn tại những bất cập. Theo Cục NTBD, hoạt động NTBD đang được điều chỉnh theo Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động NTBD. Chính sách phân cấp quản lý Nhà nước hoạt động NTBD được thể chế tại Nghị định này tạo điều kiện thuận lợi, sự chủ động cho các địa phương trực tiếp cấp phép kiểm soát chất lượng nội dung nghệ thuật của các đơn vị tổ chức, từ đó kiểm tra, xử lý các tình huống phát sinh thuận tiện, nhanh chóng.

Tuy nhiên, các địa phương chưa thực sự áp dụng đầy đủ quy định về phân định thẩm quyền, chưa thực hiện chế độ báo cáo giữa cơ quan cấp trên với cơ quan cấp dưới và chế độ phối hợp, trao đổi thông tin trong hệ thống hành chính quốc gia. Việc này dẫn đến tình trạng không thống nhất nội dung quản lý, chất lượng quản lý không đồng bộ gây ảnh hưởng quyền lợi của người dân, doanh nghiệp (tranh chấp quyền, lợi ích; tốn kém chi phí thực hiện thủ tục hành chính).

Chương trình quy mô lớn có doanh thu thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh việc tiếp nhận và thẩm định hồ sơ tốn nhiều thời gian. Trong khi đó, pháp luật hiện hành quy định thời hạn tối đa là 5 ngày làm việc, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản trả lời. Điều này gây ra áp lực lớn cho bộ phận tiếp nhận và thẩm định hồ sơ cũng như tiến độ thẩm định, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Việc phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn khi triển khai thực hiện gặp một số khó khăn nhất định về nguồn nhân lực, cụ thể là về nhân sự, không bảo đảm số lượng và kiến thức chuyên môn sâu để tổ chức thẩm định chương trình biểu diễn ở các địa phương.

Cũng theo Cục NTBD, không chỉ có chính sách tiền kiểm đang tồn tại bất cập mà việc thực hiện hậu kiểm cũng gặp nhiều vướng mắc. Công tác cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật hiện nay chủ yếu thực hiện trên hồ sơ. Công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm tra mặc dù đã được quan tâm chú trọng hơn nhưng mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Hiện nay, theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, việc đăng ký doanh nghiệp tương đối đơn giản nên các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực NTBD cũng được thành lập dễ dàng. Do đó, khi xảy ra vi phạm, các cơ quan chức năng chưa kịp xử lý thì các doanh nghiệp này đã thay tên đổi chủ, thậm chí thành lập doanh nghiệp mới để trốn tránh việc xử lý vi phạm cũ.

Nhiều địa phương khi cấp phép tiếp nhận biểu diễn chủ yếu dựa trên hồ sơ xin phép là chính, không thẩm định thực tế chương trình, do đó các đơn vị tổ chức biểu diễn dễ có những sai phạm trong quá trình tổ chức. Đội ngũ thanh tra tại một số nơi còn yếu về kiến thức pháp luật, hoạt động giải thích, phổ biến luật tuy đã được triển khai, song mới chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự được chú trọng, hiệu quả chưa cao. Lực lượng thanh tra tương đối  mỏng, gây không ít khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật.

Để giải quyết các vấn đề bất cập nói trên, cần hoàn thiện quy định quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó tập trung xây dựng hệ thống quản lý số về lĩnh vực NTBD, tích hợp chế độ báo cáo, thống kê và chuyển đổi số cơ sở dữ liệu về quản lý NTBD, đồng thời đăng tải công khai các dữ liệu về kết quả giải quyết thủ tục hành chính áp dụng từ năm 2023.

Nghiên cứu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực NTBD, cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý Nhà nước hoạt động NTBD trên môi trường mạng, xây dựng chương trình phối hợp giữa Cục NTBD với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và Cục Báo chí (Bộ Thông tin Truyền thông) hỗ trợ chuyên viên các Sở quản lý văn hóa trong công tác quản lý hoạt động NTBD đạt hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

N.Nguyễn
.
.
.