Phát triển du lịch cộng đồng ở xứ Huế
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có từ cảnh quan đến hệ thống di tích, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế và ngành Du lịch địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó chú trọng phát triển du lịch phù hợp với xu thế mới gắn với trải nghiệm đời sống sinh hoạt văn hóa và cộng đồng vùng nông thôn.
Thị xã Hương Thủy là một trong những địa phương ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung nguồn lực để kích cầu, phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, xã Thủy Thanh là vùng đất hội tụ nhiều yếu tố để phát triển loại hình du lịch này khi trên địa bàn xã có 5 di tích lịch sử, trong đó có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia là phủ thờ Tôn Thất Thuyết, đình làng Vân Thê và di tích lịch sử cầu ngói Thanh Toàn được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận là điểm du lịch cộng đồng vào năm 2019; 2 di tích lịch sử cấp tỉnh gồm đình làng Thanh Thủy Chánh và đền Văn Thánh.
Tại địa bàn xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng với hệ thống di tích, như chợ Kháng Chiến, bia chiến thắng tại chiến khu Dương Hòa; các điểm du lịch sinh thái như suối thác đá dăm, khe De, lòng hồ Tả Trạch, điểm du lịch thác Chín Chàng…
Những địa danh này đã thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, du lịch và trải nghiệm các nghề truyền thống của người dân địa phương như chẻ tăm hương, làm chổi bằng cây lồ ô, thu hoạch thanh trà.
Bà Ngô Thị Ái Hương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết, từ những tiềm năng và lợi thế nói trên, trong những năm qua, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để cùng với người dân tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng bằng cách làm du lịch cộng đồng gắn liền với đời sống lao động hàng ngày khá hấp dẫn.
Tuy nhiên đến nay, hiệu quả kinh tế từ mô hình du lịch cộng đồng chưa trở thành nguồn thu nhập chính khiến nhiều hộ dân không mặn mà. Ông Lê Nguyên Sửu, chủ mô hình chèo thuyền đánh bắt cá, thả hoa đăng trên sông Như Ý, đoạn qua cầu ngói Thanh Toàn chia sẻ: “Vào mùa Xuân và mùa hè, khách du lịch đổ về cầu ngói Thanh Toàn rất đông, nhất là những ngày lễ, Tết hoặc cuối tuần. Tuy nhiên, khách chủ yếu đi tham quan, chụp hình lưu niệm chứ rất ít người trải nghiệm các dịch vụ của người dân địa phương nên thu nhập của những người làm dịch vụ du lịch không đáng là bao”.
Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cũng nhìn nhận thực tế rằng, du khách về với Thủy Thanh chỉ mới dừng ở hoạt động tham quan di tích cầu ngói Thanh Toàn chứ chưa tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm của người dân địa phương. Nguyên nhân vì một mặt những sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu, thiếu chuyên nghiệp, mặt khác do một số đơn vị lữ hành chưa quan tâm đến việc phát triển du lịch cộng đồng.
Hầu hết sự kết nối giữa các đơn vị lữ hành và người dân Thủy Thanh chưa được quan tâm và chỉ chú trọng đến các sản phẩm miễn phí, dẫn đến thiếu tiếng nói chung trong quá trình khai thác các điểm đến.
Bà Ngô Thị Ái Hương cho biết thêm, thị xã Hương Thủy đang tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch, định hướng phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng chủ đạo gồm điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn; du lịch thôn Buồng Tằm, xã Dương Hòa gắn với việc tổ chức các chương trình lễ hội như Chợ quê ngày hội và các dự án du lịch khác. Đồng thời sẽ hình thành đội ngũ thuyết minh tại điểm, hướng dẫn viên du lịch người địa phương và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch để thu hút du khách.
Ngoài thị xã Hương Thủy, địa bàn huyện Quảng Điền cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng khi địa phương này có vùng đầm phá Tam Giang trải dài với diện tích 3.500ha mặt nước; diện tích rừng ngập mặn tập trung gần 47ha. Để phát triển du lịch, mới đây, giữa tháng 12/2021, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ du lịch cộng đồng Quảng Lợi (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) được thành lập với mục đích khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng đầm phá Tam Giang.
Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho hay, các thành viên trong hợp tác xã đã kết nối, tổ chức cho du khách tham quan làng bích họa, làng rau, làng nghề mây tre đan, các điểm di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Từ đó, hình thành các tour tuyến du lịch trải nghiệm như gieo cấy lúa, thu hoạch hoa màu, bủa lưới, thả lừ, chèo thuyền trên đầm phá… để du khách hiểu biết thêm về đời sống lao động, sinh hoạt và văn hóa của người dân Quảng Điền.
Để khai thác có hiệu quả và phát triển du lịch dịch vụ, đặc biệt là du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng, mới đây, qua công tác kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu thị xã Hương Thủy và chính quyền các địa phương tập trung rà soát quy hoạch chi tiết, quy hoạch quỹ đất để xúc tiến đầu tư, phát triển hạ tầngvà cơ sở vật chất du lịch.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, việc phê duyệt quy hoạch và quản lý tốt công tác quy hoạch sẽ tạo tiền đề cơ bản cho việc phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc thù, phát triển sản phẩm theo chuỗi, có thương hiệu. Ngoài ra, yêu cầu các địa phương và ngành du lịch chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch cộng đồng dựa trên việc mở rộng các loại hình đào tạo, mở các lớp tập huấn bồi dưỡng về du lịch, kỹ năng nghiệp vụ, thái độ phục vụ khách du lịch, giao tiếp ngoại ngữ kết hợp với việc phổ biến kinh nghiệm và hỗ trợ cho người dân địa phương phát triển du lịch cộng đồng.
“Phát triển du lịch cộng đồng cần có sự tham gia của người dân địa phương trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch. Trên hết, cần chú trọng tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng nhằm xây dựng thương hiệu, tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.