Phát triển công nghiệp biểu diễn ở địa phương, nhìn từ nhạc kịch “Bỉ vỏ”
2 ngày cuối tuần cuối tháng 6, Nhà hát Lớn Hải Phòng “nóng” hơn khi nhạc kịch “Bỉ vỏ” – tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng được Đoàn Ca múa Hải Phòng công diễn.
Đây cũng là tác phẩm được địa phương đầu tư dàn dựng, hướng tới mục tiêu xây dựng những chương trình, vở diễn chất lượng cao mang phong cách, bản sắc riêng của Hải Phòng, đồng thời được kỳ vọng giúp nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật đứng vững trong hành trình xã hội hóa, tiến tới tự chủ hoàn toàn.
Trong gần 80 phút, nhạc kịch “Bỉ vỏ” mang đến mang đến với khán giả một thương cảng Hải Phòng những năm 30 của thế kỷ XX sầm uất nhưng cũng đầy những bức bối, ngột ngạt, với vô số những con người bị bần cùng hóa từ nhiều vùng, miền cùng hội tụ về. Những người yêu thích tác phẩm “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng vẫn thấy một thương cảng bát nháo, xù xì nhưng cũng đầy phóng khoáng, trượng nghĩa, với tầng lớp “Anh Chị” khét tiếng liều lĩnh, đậm chất giang hồ, tay chơi, nghĩa hiệp, mà Năm Sài Gòn cùng đồng bọn và Tám Bính là nhân vật trung tâm.
Tuy nhiên, nhạc kịch không “bê” nguyên “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng lên sân khấu. Tác phẩm không mô tả câu chuyện theo trình tự diễn tiến của tiểu thuyết hay cuộc đời các nhân vật. Mặc dù vậy, người xem vẫn cảm nhận được nội dung, tư tưởng mà nhà văn muốn chuyển tải trong tác phẩm thông qua ngôn ngữ của âm nhạc, của vũ điệu, thoại… để biểu đạt nội dung, khắc họa nên các nhân vật điển hình trên sân khấu.
Ngạc nhiên và bất ngờ cũng là chia sẻ chung của nhiều khán giả, văn nghệ sĩ sau đêm công diễn đầu tiên của nhạc kịch “Bỉ vỏ”. PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, ông vô cùng bất ngờ khi xem nhạc kịch “Bỉ vỏ”. Bởi lẽ, nhạc kịch là một thể loại khó, mang tính chất quốc tế. Dàn dựng nhạc kịch là một sự đột phá đầy táo bạo và ấn tượng của một đơn vị nghệ thuật ở địa phương. Nhạc kịch “Bỉ vỏ” của Đoàn Ca múa Hải Phòng là một tác phẩm rất sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, vũ điệu, kịch và các yếu tố của sân khấu, từ trang trí, hình ảnh rất ấn tượng. Tác giả, đạo diễn biết chắt lọc tình huống, các phần đối thoại để làm rõ nét hơn nữa tính cách của các nhân vật chính như Tám Bính, Năm Sài Gòn và cả các nhân vật khác như cảnh sát Pháp. Sự kết hợp âm nhạc pop, rock vào vở nhạc kịch khiến tác phẩm dễ tiếp cận hơn với số đông khán giả, đặc biệt là lớp thanh niên.
Cũng bày tỏ sự bất ngờ trước một vở nhạc kịch được thực hiện thành công bởi một đoàn nghệ thuật địa phương, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, tác phẩm này đã làm được nhiều điều mà khán giả mong đợi. Chắc chắn, sau những tác phẩm như nhạc kịch “Bỉ vỏ”, các nghệ sĩ sẽ trưởng thành hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, để đạt được thành quả nói trên là một hành trình không dễ dàng. Theo tác giả kịch bản kiêm Tổng đạo diễn Tuyết Minh – người đồng hành cùng các nghệ sĩ Hải Phòng thực hiện nhạc kịch “Bỉ vỏ”, các nghệ sĩ phải vượt qua các giới hạn của chính bản thân mình. Thực tế, nhạc kịch “Bỉ vỏ” được Tuyết Minh chuẩn bị từ cuối năm 2023, khi được Đoàn Ca múa Hải Phòng đặt hàng tác phẩm mang bản sắc riêng của đất Cảng.
Việc thực hiện tác phẩm cũng nằm trong chủ trương của địa phương trong việc thay đổi mô hình hoạt động cho Đoàn Ca múa, tiến tới tự chủ 100% và tìm kiếm kịch mục, chương trình, vở diễn chất lượng cao, hình thành phong cách nghệ thuật mang đậm dấu ấn, bản sắc của địa phương, giúp cho nghệ sĩ và đoàn đứng vững trong xã hội hóa, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của Hải Phòng.
Cái khó là các nghệ sĩ của Đoàn chỉ đáp ứng công việc của ca sĩ, nghệ sĩ múa và nhạc công, trong khi nhạc kịch đòi hỏi ở người nghệ sĩ nhiều kỹ năng về nghệ thuật biểu diễn, cả về giọng hát, vũ điệu, tư duy của người diễn viên trong cách chuyển tải ngôn ngữ hình thể, sự tương tác giữa các nghệ sĩ với nhau, đồng thời tương tác với dàn nhạc, với khán giả. Các nghệ sĩ của Đoàn Ca múa Hải Phòng chưa quen với loại hình nhạc kịch vì thông thường ca sĩ quen hát ca khúc, biểu diễn các chương trình ca múa nhạc nên gặp trở ngại trong hình dung về nhân vật, không gian vở diễn và tính kịch trọng ngôn ngữ hát. Nhạc kịch còn có hợp xướng, nhiều bè, phức tạp.
May mắn là ê kíp mời được NSND Hà Thủy và nghệ sĩ Chinh Ba – những người có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng để huấn luyện các nghệ sĩ. Bên cạnh huấn luyện về kỹ năng biểu diễn, ê kíp sáng tạo đưa ra nhiều mô típ âm nhạc, bè phối phải thu sẵn để mọi người tập và hình dung rõ hơn. Sau hơn 1 tháng dốc sức chuẩn bị, tập luyện và các nghệ sĩ phải cố gắng gấp nhiều lần so với thông thường, nhạc kịch “Bỉ vỏ” mới chính thức trình làng.
Trong buổi tổng duyệt, Hội đồng nghệ thuật, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đánh giá cao sự nỗ lực của toàn bộ ê kíp sáng tạo, diễn viên và đều rất thích câu chuyện của “Bỉ vỏ” cũng như chất Hải Phòng rất đậm trong tác phẩm này.
Đồng nhận định trên, nhạc sĩ Lưu Quang Minh – người đảm nhận sáng tác phần nhạc cho nhạc kịch “Bỉ vỏ” – cũng cho rằng, đây là sự bứt phá đáng kể của một đoàn nghệ thuật ở địa phương. “Nghệ sĩ Hải Phòng chưa có thói quen biểu diễn nhạc kịch, thậm chí không có khái niệm về nhạc kịch, chưa bao giờ diễn nhạc kịch, nhưng những gì mà họ thể hiện trong hơn 1 tháng qua và nhạc kịch “Bỉ vỏ” là kết quả đầy bất ngờ dành cho khán giả”, nhạc sĩ Lưu Quang Minh nói.
Cũng theo nhạc sĩ Lưu Quang Minh, những vở nhạc kịch tạm được gọi là “thuần Việt” như “Bỉ vỏ” là xu hướng phù hợp cho sự phát triển văn hóa giải trí của Việt Nam và cần được khích lệ vì dễ tiếp cận với khán giả, nhất là khán giả trẻ. Một số quốc gia, trong đó Hàn Quốc đã xây dựng được những vở diễn trở thành thương hiệu riêng của điểm đến và du khách mong muốn được xem khi tới địa phương này. Việt Nam cũng có thể xây dựng các vở diễn thành các thương hiệu riêng ở từng địa phương theo cách tương tự, từ đó có tác phẩm tốt, thu hút người dân, hấp dẫn du khách, góp phần tích cực vào phát triển công nghiệp văn hóa của chính địa phương.