Phát huy vai trò “ngôi nhà chung” của giới lý luận, phê bình

Thứ Sáu, 17/12/2021, 07:49

Ngày 16/12, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương đã tổ chức kỳ họp thứ 10, tổng kết hoạt động của Hội đồng nhiệm kỳ 2016-2021, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021-2026. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng chủ trì kỳ họp.

Báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng năm 2021 và nhiệm kỳ 2016-2021, PGS.TS Phan Trọng Thưởng khẳng định, năm 2021, hoạt động của Hội đồng tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; và nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của một số ban, ngành, địa phương, đơn vị.

Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hội đồng vẫn chủ động bám sát tình hình thực tế, kịp thời điều chỉnh kế hoạch công tác phù hợp, đảm bảo về cơ bản kế hoạch đề ra.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đồng phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn, đoàn kết, cộng sự, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nổi bật là Hội đồng đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước những vấn đề thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình VHNT; chủ động mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết, định hướng đội ngũ những người làm công tác lý luận, phê bình VHNT thực hiện chức năng thẩm định, định hướng các hoạt động sáng tạo VHNT. Thông qua các chương trình công tác và kế hoạch hoạt động chuyên môn, Hội đồng tiếp tục phát huy vai trò là “cánh tay nối dài của Đảng”, là “ngôi nhà chung” của giới lý luận, phê bình, là hạt nhân đoàn kết hướng tâm thế và hoạt động của văn nghệ sĩ theo đường lối, quan điểm của Đảng.

Phát huy vai trò “ngôi nhà chung” của giới lý luận, phê bình -0
Các Ủy viên Hội đồng đóng góp những ý kiến tâm huyết tại kỳ họp.

Hội đồng chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, phát hiện, biểu dương, nhân rộng các nhân tố mới, tiêu biểu trong hoạt động lý luận, phê bình; tham gia đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ. Bên cạnh việc tổ chức tốt công tác xét tặng thưởng, hỗ trợ thường niên đối với các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT, Hội đồng đã hoàn thành tốt vai trò là cơ quan thường trực của Đề án “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong VHNT”, tiếp tục tham gia là thành viên Ban Chỉ đạo 35 Trung ương.

Trao đổi tại kỳ họp, các thành viên Hội đồng cơ bản thống nhất với tổng kết của Thường trực Hội đồng và kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng trong thời gian tới. NSND Lê Tiến Thọ kiến nghị Hội đồng xây dựng quy chế rõ ràng hơn, đẩy mạnh quan hệ với các cơ quan, ban, ngành, Liên hiệp các hội VHNT, các Hội chuyên ngành về VHNT để thúc đẩy VHNT phát triển. Với các vấn đề, hiện tượng nảy sinh trong thực tiễn, Hội đồng nên có thẩm định, trao đổi, đồng hành cùng với Ban Lý luận, phê bình của các Hội chuyên ngành nhằm đánh giá khách quan, khoa học, từ đó nâng cao công tác lý luận, phê bình VHNT.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ, hiện nay khuynh hướng sáng tác VHNT rất nhiều. Hội đồng cần cập nhật và có định hướng kịp thời, phủ rộng ảnh hưởng, giúp các hoạt động VHNT vừa đúng hướng, vừa phát huy được tự do sáng tác hơn. PGS.TS Ứng Duy Thịnh đề nghị Hội đồng có sự cân đối hơn giữa hoạt động lý luận, phê bình văn học với nghệ thuật, nhất là ca, múa, nhạc. PGS.TS Phạm Quang Long đề xuất Hội đồng có thêm cơ chế giúp các Tiểu ban chuyên môn hoạt động hiệu quả hơn và trao đổi với các trường đào tạo về lý thuyết, thực tiễn VHNT hiện nay nhằm xây dựng giáo trình đào tạo cho phù hợp.

Phát biểu tổng kết kỳ họp, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng cho rằng, Hội đồng sẽ phát huy tốt hơn nữa kết quả đạt được. Trong thời gian tới, Hội đồng nên có thêm những phương pháp làm việc, sự kết nối tốt hơn với các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hội chuyên ngành, các trường đào tạo VHNT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao để hoạt động hiệu quả tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, Hội đồng sẽ đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, báo cáo Ban Bí thư để có cơ cấu Hội đồng cho hợp lý, có sự kế tục, kiến nghị thêm về cơ chế chính sách, con người, phương tiện hoạt động. Hội đồng đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động, có tạp chí điện tử, lan toả hoạt động Hội đồng trên mạng xã hội…

Cũng tại kỳ họp, các thành viên Hội đồng đã thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Hội đồng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng, từng thành viên Hội đồng, các tiểu ban chuyên môn và các đơn vị chức năng của Hội đồng; tập trung đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết sâu sắc thực tiễn để tư vấn chuyên sâu những vấn đề lớn, quan trọng giúp Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, thúc đẩy phát triển lĩnh vực VHNT trong tình hình mới. Hội đồng đặt trọng tâm thực hiện một số chương trình lớn, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII và các văn kiện quan trọng khác của Đảng về lĩnh vực văn hóa, VHNT để thực hiện chức năng tư vấn chuyên sâu. Nổi bật là Hội đồng đề xuất và thực hiện Chương trình nghiên cứu tổng kết thực tiễn VHNT thời kỳ đổi mới và hội nhập, tham gia tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”; 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”…

Đặc biệt, Hội đồng sẽ tư vấn và đề xuất với Đảng và Nhà nước để xây dựng Chương trình dịch thuật quốc gia nhằm chọn lọc, dịch và giới thiệu một cách có hệ thống, có kế hoạch các công trình lý thuyết VHNT và mỹ học quan trọng của thế giới làm cơ sở cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập, mở mang kiến thức và tư duy lý luận VHNT, từng bước cập nhật trình độ lý luận của thế giới, thông qua đó góp phần định hướng nghiên cứu và tiếp nhận…

N.Nguyễn
.
.
.