Những ấn tượng không quên về NSND - họa sĩ Ngô Mạnh Lân

Thứ Hai, 20/09/2021, 07:49

Tôi thuộc thế hệ “rất sau”, nên không được tiếp xúc với họa sĩ Ngô Mạnh Lân nhiều. Phải tới khi làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng, tôi được tiếp xúc với ông nhiều hơn. Xin kể vài kỷ niệm nhỏ về một Nghệ sĩ lớn vừa ra đi… để tưởng nhớ ông.

Cuốn sách được thưởng

Hè năm 1973, dù trải qua nửa thời gian bị gián đoạn bởi Mỹ ném bom Hà Nội, nhưng năm học vẫn kết thúc tốt đẹp. 1-6 chuẩn bị nghỉ hè thì bố tôi mang về cho một cuốn sách. Cuốn sách có khổ to khác thường, và rất nhiều tranh minh họa, cuốn sách còn được in màu. Bố tôi nói: Đây là cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký”, nó là phần thưởng của con vì đã học tập tốt trong năm qua, cuốn sách này rất hay và nó được vẽ rất đẹp, hãy từ từ xem con nhé.

Những ấn tượng không quên về NSND - họa sĩ Ngô Mạnh Lân -0
NSND - Họa sĩ Ngô Mạnh Lân.

Tôi sung sướng đón cuốn sách từ tay bố rồi chạy ra bàn ngồi đọc. Cuốn sách cuốn hút bởi nội dung đã đành, nhưng số lượng minh họa và sức hút từ từng bức minh họa. Tôi xem đi xem lại, hình ảnh Dế Trũi, Châu Chấu voi, Chị Bồ Nông và Đại Vương Ếch cốm… đã làm tôi mê mải tới chiều… Tôi hỏi bố một câu rất ngớ ngẩn: “Cái ông nào vẽ mà đẹp thế?”. Bố tôi trả lời: “Chú Ngô Mạnh Lân, ở Xưởng phim Hoạt họa…”.

 Cuốn sách được tôi giữ tới năm đầu cấp 3, sau đó ai đó mượn và không trả. Tôi tiếc lắm, tìm mua lại mà không được. Đến bây giờ, nó đã được liệt vào loại sách quý hiếm… các nhà sưu tập sách đều muốn có một cuốn trên kệ sách của mình. Có thể nói, đây là cuốn sách có kỉ lục: Sách thiếu nhi có nhiều trang vẽ nhất lúc bấy giờ.

Thăm hỏi, chúc Tết

Tôi được về làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng, làm công tác tìm mời, chăm sóc các cộng tác viên vẽ minh họa cho các ấn phẩm của Nhà xuất bản. Theo tập tục đã có từ lâu, mỗi khi Tết đến, Xuân về, Nhà xuất bản thường có một túi quà nho nhỏ để gửi tới các cộng tác viên. Các cộng tác viên trẻ thường sẽ được mời tới trụ sở để lấy quà. Còn những người đã có tuổi thì các biên tập viên của ban cùng họa sĩ sẽ đến tận nhà để chúc Tết, trao quà.

Năm đó các túi quà đã được các cộng tác viên nhận hết, chỉ còn lại 3 túi. Chị Lê Thị Dắt, Tổng Biên tập Nhà xuất bản bảo tôi: “Còn 3 túi quà của cụ Nguyễn Bích, cụ Mai Long, cụ Ngô Mạnh Lân… đều ở trên Ngọc Hà, em và chị Bích Hồng mang lên cho các cụ cho kịp Tết”.

Những ấn tượng không quên về NSND - họa sĩ Ngô Mạnh Lân -0
Cuốn sách “Ngô Mạnh Lân - Nét thời gian” giới thiệu tranh ký họa của NSND - Hoạ sĩ Ngô Mạnh Lân.

Sau khi qua nhà họa sĩ Nguyễn Bích, họa sĩ Mai Long, chúng tôi vòng ra đường Hoàng Hoa Thám, xuống ngõ sát nhà máy bia vào nhà họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Ngôi nhà khá rộng rãi, có sân, cánh cửa sơn màu ghi sáng. Chúng tôi bấm chuông. Ông ra mở cửa đón chúng tôi với nụ cười thân thuộc, niềm nở: “Chào Kim Đồng, chào Bích Hồng… Cậu này là người mới à?”. Chị Hồng là người của Ban Tranh truyện đã làm việc với họa sĩ Ngô Mạnh Lân nhiều, nên đã thành thân… lên tiếng luôn ngay khi vào nhà: “Hôm nay, Nhà xuất bản đến tặng quà và chúc Tết cô chú, chúc cô chú mạnh khỏe, ăn Tết vui vẻ. Còn đây là em Tô Chiêm, họa sĩ mới về Nhà xuất bản”. Chị chìa tay về phía tôi. Ông cười to: “A, Tô Chiêm con hả?”. “Dạ vâng” - Tôi trả lời khẽ. Ông nghiêng sang phía tôi, nói nhỏ: “Bố cháu hiền lắm. Ông ấy là người tốt”.

Một câu nói thôi, tôi thấy tan đi mọi sự ngại ngùng và xa cách. Tôi cảm thấy ông thân thiết, dễ gần hơn biết bao. Sau câu chuyện khoảng 20 phút, chúng tôi xin phép ra về. Ra đến sân, ông bảo: “Chờ chút”, rồi ông xách ra một túi to khế vừa được trẩy ở cây khế sân nhà… “Mang về cho ban, bảo là quà của chú Lân”.

Ra về, trên xe, chị Bích Hồng kể cho tôi: “Những tác phẩm truyện tranh của ông được in ở Nhà xuất bản mình là những tác phẩm đắt khách, được tái bản nhiều lần, như ''Dế mèn phiêu lưu ký'', ''Cây tre trăm đốt'', "Trê Cóc", "Đồng tiền Vạn Lịch", "Mụ Lường", "Sự tích núi Ngũ hành", "Đám cưới chuột"… Truyện tranh ông vẽ mang một phong cách riêng, ngoài sự chân thành, trong sáng… còn đầy chất hóm hỉnh trong cách thể hiện. Ngôn ngữ tạo hình mang đậm chất dân gian Việt Nam”.

Cùng với các tác giả Tạ Thúc Bình, Nguyễn Bích, Mai Long… họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã tạo nên một phong cách truyện tranh Việt mới với các tác phẩm được xuất bản tại Nhà xuất bản Kim Đồng, phong cách thể hiện giản dị, trong sáng và thuần Việt.

Và từ đó, tôi hay đến nhà ông hơn, khi thì đi cùng Ban Tranh truyện, khi thì đi một mình mang nhuận bút lên cho ông. Thích nhất là được trò chuyện với ông về Khóa Mỹ thuật Kháng chiến của ông, về nghề vẽ minh họa, tranh truyện cho thiếu nhi…

Những ấn tượng không quên về NSND - họa sĩ Ngô Mạnh Lân -0
Cuốn sách “Họa sĩ Ngô Mạnh Lân - Một đời mơ những giấc mơ thơ trẻ” do họa sĩ Tô Chiêm biên soạn.

Làm sách với họa sĩ

Nhà xuất bản Kim Đồng, sau khi kỷ niệm 55 năm thành lập đã có một chủ trương là tôn vinh các họa sĩ có nhiều đóng góp với Nhà xuất bản. Chủ trương này do Ban Giám đốc đương nhiệm đã thấy được trong sách của Nhà xuất bản Kim Đồng vai trò của họa sĩ là rất quan trọng, nhưng lâu nay họ không được nhìn nhận đúng vị trí của mình. Tôi được phân công biên soạn những cuốn đầu tiên. Một danh sách các họa sĩ gạo cội được đưa ra, từ các họa sĩ thuở ban đầu như Mai Văn Hiến, Tạ Thúc Bình… đến các họa sĩ lớp sau như Nguyễn Bích, Mai Long, Ngô Mạnh Lân, Nguyễn Thụ… cả một danh sách dài tới gần trăm họa sĩ.

Công việc chuẩn bị tư liệu cũng chiếm khá nhiều thời gian, rồi tìm tới gia đình họa sĩ đã mất xin phép sử dụng di cảo cũng rất mất công. Nhưng rồi mọi khó khăn cũng qua đi, những cuốn sách đầu tiên đã lần lượt ra đời. Năm 2018, tôi bắt tay vào làm cuốn sách “Họa sĩ Ngô Mạnh Lân - một đời mơ những giấc mơ thơ trẻ”. Tôi lại đến Ngọc Hà để gặp ông, những câu hỏi được đưa ra với ông? Rất may lúc đó ông còn khỏe. Ông cho tôi xem các tư liệu ông còn giữ từ những ngày học Khóa Mỹ thuật Kháng chiến, ông nâng niu nó như những vật quý. Nhất là bức ký họa “Chân dung bà Khiêm”. Ông nói: “Thầy Tô Ngọc Vân rất khen bức này, thầy cho điểm cao là 16,5/20 điểm. Trong khi bình thường ở lớp, điểm cao nhất thầy cho là 16 điểm/ 20…”. Ông kể những ngày lớp hết kinh phí, thầy Tô Ngọc Vân bảo vợ gom nữ trang cho ông, để ông bán lấy tiền lo gạo cho lớp. Tôi để ý, mỗi khi nói đến thầy Tô Ngọc Vân là giọng ông chùng xuống nghèn nghẹn. Tôi hiểu rằng với Ngô Mạnh Lân, một chàng thanh niên 17-18 tuổi không còn ai thân thích lúc đó, thì thầy Tô Ngọc Vân như một người Cha trong tâm tưởng. Tình cảm này của ông còn có cả với họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, người đã dạy ông 2 năm (1949-1950) tại Ty Văn hóa khu 10.

Sau một thời gian, cuốn sách đã thành hình, tôi in ra và mang lên để ông đọc lại.

Những ấn tượng không quên về NSND - họa sĩ Ngô Mạnh Lân -0
Áp phích phim búp bê “Chuyện ông Gióng” năm 1970  - Đạo diễn NSND - Họa sĩ Ngô Mạnh Lân.

Ba ngày sau, ông gọi tôi lên nhà: “Tớ đọc xong rồi, cậu lên cầm về”. Tôi cầm trên tay tập bản thảo mà thấy xúc động, bởi sự khẩn trương, tận tụy với công việc, bởi sự chi tiết, cẩn trọng của ông. Ông sửa từng dấu phẩy, từ cách đặt câu… Tháng 11 năm 2019, cuốn sách ra đời, tôi mang sách lên biếu ông, thấy ông vui mừng khi nhận cuốn sách. Ông lật giở từng trang của cuốn sách và buông hạ một câu: “Được đấy…”. Chỉ thế tôi cũng hiểu là ông đã hài lòng. Tôi vui vì cuốn sách đã được một độc giả kỹ tính hài lòng.

Những lời cuối

Trong một tự bạch của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, ông có viết: “Và mặc dầu còn những điều chưa thỏa, tôi cũng tự nhủ rằng, dù sao mình đã may mắn là làm được một cái gì đó tuy nhỏ, nhưng đã góp một tiếng nói cùng các đồng nghiệp vào nghề hoạt hình đặc thù này, đem lại niềm vui và tiếng cười cho lớp em nhỏ yêu quý của chúng ta”.

Những ấn tượng không quên về NSND - họa sĩ Ngô Mạnh Lân -0
Bìa cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” xuất bản năm 1972 do Ngô Mạnh Lân minh họa.

Với sự khiêm nhường, ông đã viết thế nhưng phải công nhận rằng, những con đường nhỏ mà ông và một số đồng nghiệp đã khai mở lúc đầu, đã và đang phát triển thành những đường lớn, đó là hoạt hình cho thiếu nhi, tranh truyện cho thiếu nhi…Và chắc chắn là lớp lớp thiếu nhi sau này sẽ biết ơn ông.

19/9/2021

Thông tin từ gia đình cho biết, tang lễ của Nghệ sỹ Nhân dân Ngô Mạnh Lân sẽ diễn ra từ 7h30 đến 10h30 ngày 22/9/2021 (tức ngày 16/8 âm lịch) tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ truy điệu từ 10h 30 cùng ngày. An táng cùng ngày tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, tỉnh Hòa Bình.

Họa sĩ Tô Chiêm
.
.
.