"Nhớ mãi ơn Người - Hồ Chí Minh" - chương trình nghệ thuật đặc sắc, khắc họa sinh động hình tượng Bác Hồ

Thứ Hai, 15/05/2023, 07:32

Chương trình nghệ thuật "Nhớ mãi ơn Người - Hồ Chí Minh" do Cục Truyền thông CAND phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ và một số đơn vị liên quan tổ chức nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947- 20/5/2023); kỷ niệm 75 năm lực lượng CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND (11/3/1948- 11/3/2023); chào mừng 5 năm Ngày thành lập Cục Truyền thông CAND (6/8/2018 - 6/8/2023).

Theo kế hoạch dự kiến, chương trình sẽ diễn ra vào 19h ngày 18/5, tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên, được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình CAND - kênh ANTV.

Theo Tổng đạo diễn chương trình, NSƯT Ngọc Ánh, chương trình được xây dựng theo phong cách hợp xướng, ca - múa - nhạc - kịch - thơ trên nền nhạc sân khấu liền mạch, sử dụng lời bình bằng lời thoại của nhân vật (hoặc dùng âm nhạc, thơ thay thế). Sân khấu mô phỏng thực cảnh, sử dụng visual LED xen giữa các phần thiết kế thực cảnh tạo hiệu ứng ánh sáng, tạo cảm xúc trực quan sinh động cho cảnh diễn cho phần đầu; phần sau của chương trình sử dụng hiệu ứng hiện đại làm nền cho âm nhạc.

NSƯT Ngọc Ánh cũng tiết lộ, trong chương trình có điểm nhấn đặc biệt là tổ khúc kịch thơ - hát - múa "Từ ATK đến Điện Biên". Phần này do đạo diễn Đào Duy Anh - người từng thành công với nhạc kịch "Sóng" của Nhà hát Tuổi trẻ trước đây làm đạo diễn.

NSƯT Đức Khuê và một số diễn viên trong một buổi tập chương trình "Nhớ mãi ơn Người - Hồ Chí Minh".

Thể hiện hình tượng Bác Hồ là NSƯT Đức Khuê. Trao đổi với chúng tôi, đạo diễn Đào Duy Anh cho biết, "Từ ATK đến Điện Biên", khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Người về ATK Định Hóa, Thái Nguyên cho đến năm 1954. Từ ATK Định Hóa, Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì họp Bộ Chính trị, quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là một chiến dịch mang tầm chiến lược, quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam.

Để chuẩn bị cho phân đoạn này, đạo diễn đã chuẩn bị rất kỹ, tìm hiểu nhiều tư liệu về Bác Hồ cũng như giai đoạn lịch sử này của đất nước. Tổ khúc "Từ ATK đến Điện Biên" tập trung khai thác tình cảm, tấm lòng và cả sự đùm bọc của người dân tại Định Hóa dành cho Bác, cho kháng chiến. Hình tượng Bác Hồ được khắc họa vô cùng gần gũi với nhân dân, có cả câu chuyện Người giáo dục cán bộ, những tâm tư, khắc khoải lo âu của Bác trong giai đoạn này. Trong tổ khúc có nói về câu chuyện của Bác Hồ với 8 người cận vệ, chuyện Người đặt tên cho 8 cận vệ này là Kháng, Chiến, Trường, Kỳ, Nhất, Định, Thắng, Lợi… Tất cả được thể hiện theo phong cách biểu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ, tức là "đời" nhất, gần gũi nhất với khán giả.

Lời thoại ngắn gọn, thể hiện sự gần gũi của Bác đối với đồng bào, với những người cận vệ. Mặc dù là chương trình truyền hình trực tiếp nhưng phần thơ, phần thoại, ê kíp dự định sẽ biểu diễn trực tiếp nhằm tăng cảm xúc cho diễn viên trong quá trình diễn xuất. Về âm nhạc cũng sẽ có một phần biểu diễn trực tiếp trên sân khấu.

Thể hiện thời điểm Bác về ATK, trên sân khấu sẽ có đàn tính với 12 nghệ sĩ cùng biểu diễn… NSƯT Đức Khuê - diễn viên thể hiện hình tượng Bác Hồ trong chương trình "Nhớ mãi ơn Người - Hồ Chí Minh" cho biết, anh khá tự tin cho vai diễn lần này. Từ ngày còn trẻ, dưới thời NSND Phạm Thị Thành làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, anh đã vinh dự được giao thể hiện hình tượng Bác Hồ trong một chương trình nghệ thuật lớn của Nhà hát Tuổi trẻ. Sau này, NSƯT Đức Khuê còn có một vài lần có cơ hội thể hiện vai Bác Hồ trong một số trích đoạn sân khấu khác. Tuy nhiên, chương trình "Nhớ mãi ơn Người - Hồ Chí Minh" khác biệt hơn. Chương trình có yếu tố sử thi. Chỉ trong một thời lượng rất ngắn, các nghệ sĩ phải thể hiện được hình tượng Bác từ khi Người về ATK, cùng Trung ương Đảng, Chính phủ bàn bạc, ra những quyết sách quan trọng. Nghệ sĩ phải diễn xuất làm sao để thể hiện được tinh thần của Người - một con người vô cùng bình dị nhưng luôn toát lên khí chất của một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đây là thách thức rất lớn. Hy vọng, bằng kinh nghiệm diễn xuất trước đây, qua quan sát, tìm hiểu tư liệu, luyện tập diễn xuất, giọng nói, hình thể, kết hợp với tài hóa trang của NSƯT Đức Trung, trong chương trình lần này, NSƯT Đức Khuê sẽ thể hiện hình tượng Bác thành công nhất.

Được biết, để chuẩn bị cho chương trình "Nhớ mãi ơn Người - Hồ Chí Minh", những ngày gần đây, các nghệ sĩ đã tích cực tập luyện, chuẩn bị để ngày 16 và 17/5 ghép chương trình, sơ duyệt, tổng duyệt, trước khi biểu diễn chính thức.

Dự kiến, tham gia biểu diễn trong chương trình sẽ có trên 200 nghệ sĩ, bao gồm các nghệ sĩ múa, ca sĩ, diễn viên, dàn hợp xướng của Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Nguyên, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Thái Nguyên và một số ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng khác.

Hoa Nguyễn
.
.
.