Nhiều di tích xuống cấp được tu bổ, tôn tạo

Thứ Hai, 29/07/2024, 14:41

Nhiều di tích hư hỏng xuống cấp đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đưa vào bảo quản, tu bổ, tôn tạo nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản và đặc biệt là thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đơn vị vừa triển khai dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức” (phần còn lại) với tổng kinh phí hơn 99 tỷ đồng.  Lăng vua Tự Đức nay thuộc phường Thủy Xuân, TP Huế  được xây dựng vào năm 1864, là một trong những khu lăng tiêu biểu, là một kiệt tác kiến trúc nghệ thuật cung đình triều Nguyễn. Thời gian qua, các công trình di tích thuộc quần thể Lăng vua Tự Đức đã được quan tâm đầu tư trùng tu từ nhiều nguồn khác nhau.

Nhiều di tích xuống cấp được tu bổ, tôn tạo -0
Lăng vua Tự Đức là một quần thể công trình kiến trúc, tọa lạc tại làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là phường Thủy Xuân, TP Huế.

Tuy nhiên do nguồn kinh phí khó khăn nên vẫn còn một số công trình quan trọng chưa được bảo tồn, tu bổ và đang trong tình trạng hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng sẽ được tu bổ đợt này. Theo đó, dự án sẽ tu bổ và phục hồi các công trình Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành - cổng - bình phong và tôn tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các điểm di tích và không gian kết nối. Qua đó, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới.

Theo kế hoạch, công tác trùng tu di tích tại lăng Tự Đức sẽ thực hiện từ nay đến tháng 10/2027, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có thông báo đến các đơn vị lữ hành, cộng đồng du khách để nắm thông tin và lựa chọn hành trình tham quan phù hợp khi đến lăng Tự Đức.  Được biết, năm 1993, khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO tôn vinh là Di sản Văn hóa Thế giới thì lăng vua Tự Đức là một trong số 15 công trình kiến trúc tiêu biểu, nổi tiếng có tên trong danh sách các công trình thuộc quần thể di tích này...

Nhiều di tích xuống cấp được tu bổ, tôn tạo -0
Bên trong Khiêm Cung Môn là Điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là chính tẩm thờ vua.

Cũng trong năm 2024, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiến hành tu bổ, tôn tạo hệ thống kè Hộ Thành hào ở mặt Đông di tích Kinh thành Huế. Đây là hạng mục thuộc dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế - Hợp phần tu bổ, tôn tạo di tích” đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định điều chỉnh tại Quyết định số 1452/QĐ-UBND.

Theo đó, hạng mục tu bổ, tôn tạo hệ thống kè Hộ Thành hào đoạn từ Eo bầu Đông Thái Đài đến cống Thanh Long có chiều dài gần 1.400m với mức đầu tư gần 45 tỷ đồng, được thi công trong gần 3 năm, dự kiến từ tháng 2/2024 đến tháng 12/2026. Dự án do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư và Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung - Viện Khoa học Công nghệ xây dựng thi công.

Nhiều di tích xuống cấp được tu bổ, tôn tạo -0
Tu bổ đoạn kè ở mặt Nam Kinh thành Huế.

Phạm vi dự án là tuyến kè dọc Hộ Thành hào dài 1.395m, với các hạng mục: Bao che khu vực thi công bằng thép ống và bạt; phát quang, dọn dẹp rác thải, cây cối và hoàn trả mặt bằng trên tuyến Phòng Lộ và Hộ Thành hào; đắp đê quai, hút nước phục vụ công tác thi công; tháo dỡ những đoạn kè hiện trạng bị hư hỏng, mất liên kết và tiến hành phân loại, vệ sinh đá nguyên gốc sau khi hạ giải thân kè; tiến hành gia cường nền móng, với đế móng được  gia cố bằng cọc tre, lắp dựng ván khuôn, đổ bê tông cốt thép (mác 250) dày 40cm…

Việc phục hồi kè đá bằng cách tận dụng tối đa đá gan gà nguyên gốc còn khả năng sử dụng để tu bổ, tôn tạo mặt ngoài thân kè; sử dụng kỹ thuật xây kè có vữa liên kết các khối đá, tạo mạch vữa lõm từ 7-10cm ở mặt ngoài thân kè và xếp đá khan dày 50cm mặt sau thân kè; đồng thời bảo tồn, tu bổ và gia cố các đoạn kè nguyên trạng còn tương đối tốt. Ngoài ra, dự án cũng sẽ tiến hành đắp đê quai, hút nước, nạo vét Hộ Thành hào và đắp đất màu cho tuyến Phòng Lộ.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, trong Quần thể Di tích Cố đô Huế, ngoài hệ thống lăng tẩm các vua triều Nguyễn thì Kinh thành Huế và các công trình lịch sử - văn hóa do triều Nguyễn xây dựng từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX vẫn luôn gìn giữ và chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên vô cùng đặc sắc. Triển khai tu bổ, tôn tạo tuyến kè dọc Hộ Thành hào ở mặt Đông của Kinh thành Huế nhằm mục tiêu góp phần phát huy giá trị di tích Kinh thành Huế; tạo cảnh quan, thẩm mỹ, tạo điểm nhấn để phát triển du lịch, đặc biệt là sau khi di dời các hộ dân ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế. 

Thời gian qua, công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến Huế. Đồng thời, đưa di sản văn hóa thành lợi thế cho sự phát triển, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo được sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân Huế trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản, sự quan tâm các tầng lớp xã hội và nhân dân cả nước đối với di sản văn hóa truyền thống.

Hải Lan
.
.
.