Nhạc kịch “thuần Việt” bắt đầu chinh phục được khán giả
Thay vì dàn dựng lại các vở nhạc kịch kinh điển của thế giới, hiện càng có thêm nhiều vở nhạc kịch được dàn dựng từ kịch bản của tác giả người Việt, nói về văn hoá, đất nước, con người Việt Nam được ra mắt công chúng. Việc đầu tư các tác phẩm nhạc kịch không chỉ là “cuộc chơi” đầy mạo hiểm về tài chính mà còn hướng đến số đông khán giả.
Những ngày này, Nhà hát CAND tất bật chuẩn bị cho dự án nghệ thuật đặc biệt năm 2022 – vở nhạc kịch “Người cầm lái”. Đây cũng là dự án nghệ thuật được tập trung đầu tư cả về kinh phí, quy mô nhằm hướng đến xây dựng tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao.
Theo Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thuý Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND, nhạc kịch “Người cầm lái” do Bộ Công an, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức, do Nhà hát CAND chủ trì, phối hợp với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thực hiện.
Đây là dự án nhạc kịch đầu tiên của Nhà hát CAND, khai thác đậm nét hình tượng Bác Hồ với lực lượng CAND, đặc biệt là lực lượng điệp báo của CAND trong kháng chiến. Vở nhạc kịch quy tụ đội ngũ làm nghề “hùng hậu” với 170-180 nghệ sĩ, trong đó có rất nhiều tên tuổi trong các lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, múa. Vở dự kiến được công diễn đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Nhà hát CAND (24/4/1982 – 24/4/2022).
Ngay trước Nhà hát CAND, giữa tháng 3/2022, Nhà hát Tuổi trẻ đã kịp “trình làng” vở nhạc kịch “Sóng”. Khai thác cuộc đời và tác phẩm của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, đây cũng là một trong những dự án nghệ thuật nổi bật của Nhà hát Tuổi trẻ trong năm 2021 – 2022. Theo NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nhạc kịch “Sóng” được dàn dựng nhằm hiện thực hoá giấc mơ nhạc kịch thuần Việt.
Ở đó, kịch bản, âm nhạc, đội ngũ thực hiện đều là người Việt và câu chuyện được “kể” trong tác phẩm cũng là về văn hoá, con người, đất nước Việt Nam. Làm nhạc kịch, Nhà hát Tuổi trẻ thuận lợi vì có đủ 3 loại hình ca, múa, kịch. Ê-kíp tận tâm sáng tạo, dàn dựng “Sóng” với mong muốn chinh phục được khán giả, nhưng qua đó cũng được học tập, rèn luyện từ đầu, ở mọi khâu trong làm nhạc kịch.
Cũng theo NSƯT Sĩ Tiến, nhạc kịch đang là xu hướng được nhiều đơn vị nghệ thuật lựa chọn. Riêng Nhà hát Tuổi trẻ, những vở nhạc kịch từng xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước, gần đây được tập trung đầu tư hơn. Trước nhạc kịch “Sóng”, đơn vị vừa dàn dựng biểu diễn vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi vừa hát vừa thoại là “Trại hoa vàng”… Kết quả cho thấy hướng thử nghiệm này khá thành công. Hiện tại, các vở nhạc kịch thuần Việt vẫn đang là mục tiêu hướng tới của Nhà hát.
Thực tế, từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, đã có khá nhiều dự án nhạc kịch Việt Nam, về Việt Nam như: Tấm Cám musical, Thủy Tinh - Đứa con thứ 101, Chuyện của dòng sông đỏ… Trong đó, có dự án được đầu tư như một “cuộc chơi” nghệ thuật nhưng đã bước đầu chinh phục khán giả. Có một điểm chung mà hầu hết người làm nhạc kịch Việt đều thừa nhận, đó là kinh phí đầu tư cho các dự án nghệ thuật này rất tốn kém.
Như chia sẻ của Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thuý Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND về tác phẩm “Người cầm lái” rằng, dự án nhạc kịch này sẽ khó thành hiện thực nếu như không có sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị. Bởi lẽ, kinh phí đầu tư cho một vở nhạc kịch cao gấp nhiều lần so với việc đầu tư dàn dựng một vở diễn thông thường. Tuy nhiên, đơn vị vẫn quyết tâm thực hiện với mong muốn mang đến món ăn tinh thần đặc biệt, mới lạ hơn cho cán bộ chiến sĩ, nhân dân. Nhạc kịch cũng là xu hướng được nhiều đơn vị nghệ thuật lựa chọn hiện nay trong nỗ lực tiếp cận, chinh phục số đông công chúng.
NSƯT Cao Ngọc Ánh, tổng đạo diễn nhạc kịch “Sóng”, việc đầu tư dàn dựng nhạc kịch không phải là “cuộc chơi” nghệ thuật xa xỉ mà là sản phẩm nghệ thuật, lấy khán giả làm trung tâm. Tất cả các công đoạn của vở diễn, từ tìm diễn viên, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… đều được “đo ni đóng giày” sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời.
Nhạc sĩ Minh Đạo, người phụ trách âm nhạc của nhạc kịch “Sóng” cũng bày tỏ tham vọng, các ca khúc được sáng tác phục vụ dự án sẽ còn tiếp tục được yêu thích, có được đời sống riêng, được khán giả yêu thích, biểu diễn độc lập. Tuy nhiên, nhiều người làm nghệ thuật thừa nhận, đến thời điểm hiện tại, làm nhạc kịch thuần Việt vẫn rất khó khăn. Biểu diễn nhạc kịch đòi hỏi nghệ sĩ phải có kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy, trình diễn trên sân khấu. Ca sĩ có giọng hát tốt chưa chắc đã có kỹ năng biểu diễn nhảy, trình diễn theo đúng kiểu nhạc kịch tốt.
Ngược lại, diễn viên kịch dày dạn kỹ năng biểu diễn lại chưa chắc đã hát được. Vì vậy, một tác phẩm nhạc kịch thuần Việt chất lượng cao, đạt chuẩn cả về phần hát, diễn… vẫn là mục tiêu không dễ chinh phục. Như chia sẻ của đạo diễn, NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, người đã có rất nhiều năm gắn bó với nhạc kịch, việc dàn dựng một tác phẩm thuần Việt vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng lớn. Đây là những bước đầu tiên để phát triển nhạc kịch thuần Việt trong tương lai.