Nhà quản lý và văn nghệ sĩ cần phối hợp chặt chẽ hơn để phát triển VHNT
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (VHNT) có 74 tổ chức thành viên với trên 40.000 văn nghệ sĩ. Đó là một đội ngũ đông đảo, giàu tài năng, bao gồm nhiều thế hệ, một tài sản văn hóa quý báu của đất nước.
Tuy nhiên, để phát huy được đội ngũ hùng hậu này trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phải vạch ra chiến lược, đóng vai trò như là nhạc trưởng, người chỉ huy chung.
Chia sẻ này của PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nhận được sự đồng thuận của nhiều lãnh đạo Hội khác trong buổi trao đổi mới đây với lãnh đạo Bộ VHTTDL về quản lý Nhà nước và phát triển văn học.
Đề xuất có đề án xây dựng mục tiêu quốc gia về văn hoá, trong đó có VHNT
Theo PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, VHNT là một thế giới đồng nhất, văn học là một bộ phận quan trọng nhưng không tách rời khỏi thế giới VHNT. Bộ VHTTDL nên nâng đề án phát triển văn học là lý luận phê bình văn học thành đề án xây dựng mục tiêu quốc gia về văn hoá, trong đó có VHNT.
Cũng theo PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, lực lượng VHNT chính hiện nay nằm trong tổ chức Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, có hơn 4 vạn văn nghệ sĩ, trải khắp các tỉnh, thành. Hàng năm, lực lượng này cho ra đời hàng ngàn tác phẩm ở các thể loại khác nhau, trong đó có nhiều tác phẩm đã được ghi nhận về đóng góp cho xã hội.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là chúng ta đã dùng nhiều tiền hỗ trợ đầu tư, đi thực tế, riêng với âm nhạc đã có rất nhiều chương trình nhưng chưa có tác phẩm nào đọng lại như những bài ca trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp. Đấy là nỗi đau, sự xấu hổ cho văn nghệ sĩ, giới sáng tác song cũng phải nhìn nhận là cách làm của chúng ta lâu nay chưa logic.
Nhà nước đầu tư cho sự sáng tạo hoặc đặt hàng tác phẩm VHNT nhưng mới chỉ dừng ở mức độ đầu vào, đầu tư cho kịch bản phim, kịch bản văn học rồi… văn nghệ sĩ cất trong ngăn kéo. Bởi lẽ, chỉ với 1 bài hát, từ khi còn trên giấy đến lúc vang lên, đến với công chúng phải qua nhiều công đoạn và các công đoạn này cần có tiền. Bộ VHTTDL cần kiến nghị để có những hỗ trợ cho các công đoạn này.
Sự phối hợp giữa Bộ VHTT&DL với các tổ chức Hội cần chặt chẽ hơn. Từ năm 2011, Bộ VHTT&DL với Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã có những ký kết về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề chế độ chính sách, đặt hàng, khuyến khích sáng tác… Nhưng đó chỉ là kế hoạch, mới dừng ở vấn đề văn bản, chưa đưa vào thực tế để có thể tác động, có những cú hích cho văn nghệ sĩ. Việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, VHNT là cần thiết, để từ đó, nhà quản lý với giới VHNT có sự liên kết chặt chẽ hơn, có hình thức phối hợp thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hoá, VHNT.
Bộ VHTT&DL phải giữ vai trò ở tầm chiến lược, nhà chỉ huy
Đồng quan điểm nói trên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, Bộ VHTT&DL nên giữ vai trò ở tầm của nhà chỉ huy, nhà chiến lược trong phát triển VHNT, còn công việc cụ thể là ở Hội VHNT. Bộ phải giống như người sinh ra các đại lộ, các văn nghệ sĩ giống như những chiếc xe chuyển động trên đại lộ ấy. Nếu đại lộ nhỏ hẹp thì chen chúc, tắc đường… Vì vậy, hiện nay, Bộ VHTT&DL cần quy tụ các Hội để thiết kế một đề án lớn, mang tính chiến lược phát triển Văn hoá, trong đó có VHNT, không chỉ trong 5 năm, 10 năm mà có thể còn dài hơn nữa. Các Hội đều cần có Bộ VHTT&DL đồng hành, bảo trợ, tạo hành lang và đại diện cho mình trước Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội.
NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cũng cho rằng, Bộ VHTTDL cần kiến nghị để tổ chức các trại sáng tác VHNT hiệu quả hơn, mạnh dạn đầu tư, đặt hàng tác phẩm và có hệ thống giải thưởng VHNT quốc gia trao giải cho các tác phẩm xuất sắc hàng năm. Giá trị giải thưởng phải là động lực cả về mặt vật chất để văn nghệ sĩ sáng tạo. Ngoài ngân sách Nhà nước, có thể kêu gọi xã hội hoá, các nguồn tài trợ để nâng giải thưởng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiến nghị, Bộ VHTT&DL xây dựng đề án phát triển VHNT ở tầm vĩ mô, trong đó, Bộ giữ vai trò quản lý, giám sát còn thực hiện cụ thể là các Hội. Về giải thưởng, bên cạnh giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, giải Sách quốc gia thì vẫn cần giải thưởng cấp quốc gia khác cho VHNT và giá trị giải thưởng cần tăng cao hơn. Tiêu chí về tỷ lệ phiếu bầu cũng không nên quá cao, như mức quy định phải đạt 95% như tại giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh hiện nay là quá cao.
Về các vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đồng tình quan điểm xây dựng đề án về phát triển VHNT, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 – 2045 và có thể đưa đề án vào chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá. Khi được Đảng, Nhà nước thông qua, Bộ VHTT&DL chỉ là cơ quan đôn đốc, kiểm tra và đồng hành với các Hội để triển khai. Bộ chỉ làm chức năng quản lý Nhà nước, còn việc tổ chức thực hiện, đề xuất cơ chế chính sách là các Hội. Các bên cần ngồi lại, lắng nghe, động viên nhau để làm tốt hơn nữa trong phát triển văn hoá, VHNT nước nhà.