Nhà hát Hồ Gươm: Nơi hội tụ tinh hoa và quảng bá văn hóa

Thứ Ba, 31/10/2023, 21:03

Theo kế hoạch dự kiến, đến khoảng cuối tháng 11, Nhà hát Hồ Gươm mới hoàn thiện và chính thức bàn giao cho Ban quản lý Nhà hát. Tuy nhiên, trước đó, ngay trong những sự kiện biểu diễn đầu tiên, Nhà hát Hồ Gươm đã khẳng định vị thế của một công trình văn hóa hiện đại, đẳng cấp, nơi kết nối văn hóa Việt Nam và thế giới của Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Ấn tượng khó quên từ đêm biểu diễn kỷ lục

Trong những ngày cả nước rộn ràng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cán bộ chiến sĩ Công an thi đua lập thành tích chào mừng 78 Ngày truyền thống lực lượng CAND, Bộ Công an đã tổ chức 3 chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Nhà hát Hồ Gươm. Diễn ra liên tục trong 3 đêm 16,17, 18/8, qua 3 chương trình nghệ thuật với 3 “sắc màu” khác nhau và hướng đến những đối tượng công chúng tương đối khác nhau, Nhà hát Hồ Gươm đã có cuộc “trình làng” đầy ấn tượng, dù công trình này chưa hoàn thiện 100%. Trong đó, chương trình “Hòa nhạc giao hưởng tháng Tám” là đêm biểu diễn kỷ lục với những dấu ấn khó quên đối với cả Ban tổ chức, nghệ sĩ biểu diễn và người yêu nghệ thuật hàn lâm.

Nhà hát Hồ Gươm:Nơi hội tụ tinh hoa và quảng bá văn hóa_SỐDACBIET-T26 -0
Khán phòng lớn của Nhà hát Hồ Gươm luôn đầy ắp khán giả trong các buổi biểu diễn. Ảnh: Phong Sơn.

Diễn ra trong  3,5 giờ,  “Hòa nhạc giao hưởng tháng Tám” có lẽ là một trong những buổi hòa nhạc có  thời lượng dài nhất tại Việt Nam trong những năm gần đây, với sự tham gia trình diễn của nhiều nghệ sĩ hàng đầu thế giới: nghệ sĩ vĩ cầm Caroline Campbell, giọng opera danh tiếng - Oliver Johnston và giọng nữ cao Corinne Winters. Với nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine và các thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời (SSO), có lẽ, đêm hòa nhạc này cũng sẽ là kỷ niệm khó quên trong những năm hoạt động biểu diễn. Không dưới 2 lần, sau khi kết thúc tiết mục biểu diễn, vị nhạc trưởng nổi tiếng khó tính người Pháp và các nghệ sĩ nói trên đã chào khán giả để vào cánh gà, chuẩn bị cho tiết mục biểu diễn mới nhưng những tràng pháo tay cổ vũ kéo dài không ngớt trong khán phòng rộng lớn đã kéo họ trở lại, cúi chào khán giả lần thứ hai.

Nghệ sĩ Caroline Campbell – người từng được báo chí ngợi ca là “nghệ sĩ của những vì sao” không phụ sự mong đợi của người hâm mộ khi khơi động sân khấu với cây vĩ cầm bé nhỏ - nhạc cụ được đơn vị mời nữ nghệ sĩ đến Việt Nam biểu diễn lần này giới thiệu là có niên đại từ thế kỷ 18. Một tiết mục, cô rời khỏi sân khấu, xuống tận hàng ghế khán giả biểu diễn và nhiệt tình tương tác với người xem. Tiết mục này, sau buổi biểu diễn, có nhiều ý kiến trái ngược nhau ngay trong giới chuyên môn. Nhiều người xem cho rằng tiết mục từ phút ngẫu hứng của người nghệ sĩ là một bất ngờ thú vị trong đêm hòa nhạc. Cũng có ý kiến cho rằng đây là tiết mục được sắp xếp, có chủ đích của nhà tổ chức biểu diễn. Nhưng dù là với lý do gì thì trong thực tế, hành động này, tiết mục này của nữ nghệ sĩ đã là một trong những dấu ấn khó quên nhất của bất kỳ khán giả nào dự chương trình.

Với nghệ sĩ Đào Tố Loan – giọng ca duy nhất của Việt Nam trong “Hòa nhạc giao hưởng tháng Tám” cũng đã có một đêm diễn thành công. Các tiết mục của giọng ca đa năng đến từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã thuyết phục được những nhạc sĩ lão luyện, nghệ sĩ khó tính trong giới.

Nhà hát Hồ Gươm:Nơi hội tụ tinh hoa và quảng bá văn hóa_SỐDACBIET-T26 -0
Nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế thăng hoa trong đêm “Hòa nhạc giao hưởng tháng Tám” tại Nhà hát Hồ Gươm. Ảnh: Phong Sơn.

NSƯT Bùi Công Duy - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và nhạc sĩ Trần Hải Đăng - Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đều nhận định, Ban tổ chức, ê-kíp thực hiện chương trình đã có những tính toán rất hợp lý, cùng lúc hướng tới nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Ngoài những tác phẩm mang tính chất kinh viện, chương trình còn có nhiều tác phẩm quen thuộc, dễ tiếp cận với số đông khán giả. Tác phẩm âm nhạc cổ điển – Bản giao hưởng số 5 của Beethoven cũng là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển và rất quen thuộc với người yêu nhạc cổ điển ở Việt Nam.

Chia sẻ sau đêm biểu diễn, nghệ sĩ Đào Tố Loan cho biết, đêm hòa nhạc là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Cô cũng cho biết, cô rất xúc động và tự hào khi các nghệ sĩ nước ngoài thể hiện sự ngưỡng mộ về việc các nghệ sĩ Việt Nam có một nơi biểu diễn mới, sang trọng, lộng lẫy, vượt trội về mức độ hiện đại và chuẩn mực như Nhà hát Hồ Gươm và đây là nơi mà bất cứ nghệ sĩ nào cũng mong muốn được đứng trên sân khấu biểu diễn một lần trong đời. NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục  trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đặt nhiều kỳ vọng Nhà hát Hồ Gươm sẽ là nơi đưa tinh hoa thế giới về Việt Nam và giới thiệu, quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới.

Để “Viên ngọc mới của Thủ đô” thêm lấp lánh

Thực tế, trước 3 chuỗi chương  trình hòa nhạc nói trên, Nhà hát Hồ Gươm từng tạo ấn tượng đặc biệt với người yêu âm nhạc trong chương trình biểu diễn vào tháng 7/2023 - dịp khánh thành Nhà hát, với sự hiện diện của nhiều nghệ sĩ đến từ Nhà hát Opera Hoàng gia Versaille – Nhà hát đẳng cấp và lâu đời trên thế giới. Tuy nhiên, như ông Laurent Bruner, Giám đốc Nhà hát này chia sẻ thì những gì mà người yêu âm nhạc được chứng kiến trong chương trình mới chỉ là một phần  nhỏ mà các nghệ sĩ của Nhà hát Opera Hoàng gia Versaille có thể làm được. Hy vọng, với việc ký kết hợp tác giữa Nhà hát Hồ Gươm và Nhà hát Opera Hoàng gia Versaille, trong tương lai không xa, khán giả sẽ có dịp tiếp cận, thưởng thức nhiều hơn những tinh hoa nghệ thuật thế giới, nghệ thuật hàn lâm, thuần Pháp, khi Nhà hát Hồ Gươm hoàn thiện, chính thức vận hành…

Nhà hát Hồ Gươm:Nơi hội tụ tinh hoa và quảng bá văn hóa_SỐDACBIET-T26 -0
Nghệ sĩ vĩ cầm Caroline Campbell “phiêu” cùng dàn nhạc giao hưởng mặt trời trên sân khấu lớn của Nhà hát Hồ Gươm.

Trao đổi với chúng tôi quanh câu chuyện này, Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an, Giám đốc Nhà hát Hồ Gươm cho biết, các nghệ sĩ, khán giả mới có dịp thưởng thức một số chương trình biểu diễn trên sân khấu lớn của Nhà hát. Trong tháng 9,10,11/2023, Nhà hát tiếp tục được hoàn thiện. Dự kiến, cuối tháng 11/2023, công trình này mới được bàn giao chính thức cho Ban Quản lý Nhà hát Hồ Gươm. Khi đi vào vận hành chính thức, Nhà hát sẽ có 2 sân khấu biểu diễn và đều được trang bị hiện đại, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất hiện đại phục vụ phát triển nghệ thuật. Khi các đoàn nghệ thuật quốc tế có yêu cầu khắt khe mà nhiều nhà hát ở Việt Nam trước đây không đáp ứng được, thì đến nay, Nhà hát Hồ Gươm sẽ đáp ứng, kể cả về không gian, quy mô, vị trí địa lý trung tâm Thủ đô và nhiều điều kiện cơ sở vật chất khác như sân khấu, âm thanh, ánh sáng hiện đại. Bộ Công an quản lý Nhà hát Hồ Gươm nhưng hưởng thụ giá trị từ công trình này là nhân dân và cán bộ chiến sĩ Công an. Đây là nơi để các nghệ sĩ tài hoa của đất nước, của quốc tế đến sáng tác, sản xuất chương trình, đáp ứng được yêu cầu của quốc gia và quốc tế về hoạt động nghệ thuật đỉnh cao. Ban Quản lý Nhà hát đồng thời xác định, Nhà hát Hồ Gươm phải tương tác được với nhu cầu của nhân dân, trở thành địa điểm tin cậy để văn nghệ sĩ, nhân dân đến thưởng thức nghệ thuật. Bên cạnh đó, Nhà hát Hồ Gươm sẽ góp phần tích cực thúc đẩy bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của Việt Nam, trong đó có nghệ thuật truyền thống như phục vụ, tổ chức các chương trình, vở diễn tuồng, chèo, cải lương, múa rối… chất lượng cao.

Về hợp tác quốc tế, Nhà hát vừa mời các đoàn nghệ thuật đến giới thiệu những tinh hoa nghệ thuật thế giới, vừa tự sản xuất chương trình của riêng đơn vị. Nhà hát Hồ Gươm sẽ hoạt động như một đơn vị nghệ thuật, có dàn nhạc giao hưởng riêng. Nhà hát đã ký kết ghi nhớ hợp tác với Nhà hát Opera Hoàng gia Versailer của Pháp và sẽ còn ký kết hợp tác với một số đơn vị của Nga, Anh, Ý, Đức. Họ sẽ mang những tinh hoa nghệ thuật của thế giới đến Việt Nam, giới thiệu tại Nhà hát Hồ Gươm. Ở trong nước, Nhà hát có kế hoạch hợp tác với các dàn nhạc giao hưởng, nhà hát, trường đào tạo nghệ thuật uy tín để phối hợp tổ chức sản xuất các chương trình cụ thể theo tiêu chí của Nhà hát Hồ Gươm. Khi tổ chức hòa nhạc, dựng nhạc kịch nhưng thiếu người biểu diễn, Nhà hát sẽ mời nghệ sĩ của các đơn vị này tham gia. Nhà hát Ca múa nhạc CAND và Nhà hát Kịch CAND cũng sẽ là “địa chỉ” để Nhà hát Hồ Gươm khai thác nguồn diễn viên cho các chương trình của mình. Với các chương trình, vở diễn mang tính chất chuyên biệt hơn, ví dụ như một vở chèo cổ, tuồng, xiếc…, Nhà hát đặt hàng các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, uy tín sản xuất. Ngoài biểu diễn định kỳ tại Nhà hát Hồ Gươm, Ban Quản lý Nhà hát còn có kế hoạch giới thiệu các chương trình, vở diễn của đơn vị ở nước ngoài, thông qua các đơn vị đã ký kết hợp tác.

Hoa Nguyễn
.
.
.