TS.NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam

Nghệ thuật truyền thống buộc phải đổi mới để tiếp cận khán giả

Thứ Sáu, 06/09/2024, 08:22

Sau cuộc thử nghiệm kết hợp giữa cải lương với xiếc, TS.NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam lại tiếp tục gây nhiều bất ngờ khi "trình làng" vở Cải lương "Cánh cửa khép hờ" - tác phẩm khai thác đề tài rất mới với sân khấu Cải lương là khoa học viễn tưởng. Giữa bối cảnh nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có Cải lương vẫn bối rối trong cơn khủng hoảng khán giả và nhiều trường đào tạo đang khó tuyển sinh thì những thử nghiệm nói trên là sự mạnh dạn của người làm nghề trong nỗ lực tìm lối đi mới cho Cải lương, cho nghệ thuật truyền thống. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với TS.NSND Triệu Trung Kiên quanh câu chuyện này.

Phóng viên (PV): Sân khấu Cải lương đang bị nhiều người mặc định là cũ kỹ nhưng có vẻ anh đang nỗ lực chứng minh theo chiều ngược lại bằng rất nhiều dự án tâm huyết. Anh có cho rằng đây là sự mạo hiểm?

TS.NSND Triệu Trung Kiên: Đúng là Cải lương chưa bắt nhịp được với đời sống đương đại. Cải lương đã từng có những giai đoạn huy hoàng tột đỉnh. Trở về thời hoàng kim là khát khao của bất cứ nghệ sĩ Cải lương nào. Nhưng trong bối cảnh hội nhập và cơ chế thị trường hiện nay, Cải lương đang phải đối mặt với những thách thức đến từ năng lực thẩm mỹ và nhu cầu giải trí phong phú của khán giả. Công chúng đang có quá nhiều sự lựa chọn xứng đáng cho họ.

Để xoay chuyển tình thế hiện nay, Cải lương buộc phải đổi mới để thích ứng với tình hình mới. Như thế, những người làm nghề phải nỗ lực tìm tòi, mạnh dạn thử nghiệm để tìm ra phương thức phù hợp. Thực ra, cũng có ý kiến cho rằng, nghệ thuật truyền thống, trong đó có Cải lương cứ để nguyên như cũ và khán giả sẽ tìm về với Cải lương vào một thời điểm khác, khi thị hiếu khán giả thay đổi. Tôi không tin điều này. Tôi cho rằng, khán giả sẽ tìm đến với Cải lương nhưng sẽ ở tầng cao hơn. Cải lương buộc phải đổi mới. Theo tôi, đây cũng là yêu cầu với sân khấu truyền thống nói chung, không riêng gì Cải lương.

Nghệ thuật truyền thống buộc phải đổi mới để tiếp cận khán giả -0
TS.NSND Triệu Trung Kiên.

PV: Những năm qua, người yêu sân khấu Cải lương đã chứng kiến khá nhiều thử nghiệm của anh. Nếu dự án "Huyền sử Việt" là cuộc kết hợp độc đáo của Cải lương với Xiếc thì tác phẩm mới nhất - "Cánh cửa khép hờ" lại có đề tài rất lạ với sân khấu Cải lương truyền thống là khoa học viễn tưởng, trí tuệ nhân tạo AI. Anh có lạc quan với các thử nghiệm của mình?

TS.NSND Triệu Trung Kiên: Thực ra tôi còn có khá nhiều thử nghiệm khác với các vở diễn khác. Với vở "Ngàn năm mây trắng", tôi và NSND Thanh Ngoan đã thử nghiệm ý tưởng kết hợp giữa Cải lương với Chèo, Xẩm và Ca Huế. Vở "Mai Hắc Đế" có quy mô lớn và trang thiết bị hiện đại. Vở "Hừng đông"có sự hòa trộn Cải lương với âm nhạc đường phố 9X. Các bạn trẻ trong ban nhạc đường phố thuộc Câu lạc bộ nghệ thuật HUB đã đưa ngôn ngữ rock, jazz, hip-hop… khiến cho không khí sân khấu mới lạ. Tất nhiên, việc các vở diễn thử nghiệm mở rộng tiếp cận nhiều đối tượng khán giả vẫn là vấn đề rất khó khăn.

Nghệ thuật truyền thống buộc phải đổi mới để tiếp cận khán giả -0
Cảnh trong vở "Cánh cửa khép hờ".

PV: Có vẻ như vở "Cánh cửa khép hờ" là sự nối dài các cuộc thử nghiệm của anh với sân khấu Cải lương. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về những thử nghiệm trong vở diễn này cũng như các dự án trong tương lai nhằm tiếp cận khán giả, nhất là khán giả trẻ hay không?

TS.NSND Triệu Trung Kiên: Công nghệ AI, câu chuyện biến đổi gen đang được xã hội rất quan tâm hiện nay, thậm chí có cả những lo lắng rằng kiểu như AI phát triển mạnh, ảnh hưởng đến cuộc sống con người, làm nhiều nghề biến mất, con người thất nghiệp… Những đề tài này chưa có trên sân khấu Cải lương.

Khi khai thác cho vở "Cánh cửa khép hờ" cho Nhà hát Cải lương Việt Nam, tôi và soạn giả Hoàng Song Việt cũng xác định đây sẽ là một phép thử với sân khấu Cải lương. Với những người làm nghề, chúng tôi luôn muốn thử nhiều, làm nhiều hơn nữa nghệ thuật Cải lương, luôn mong muốn bảo tồn và phát huy nghệ thuật Cải lương một cách tốt nhất, để ngày càng nhiều người biết đến và yêu thích nghệ thuật này. Chúng tôi cũng xác định, thử nghiệm thì có thể có những lo lắng, có những phản đối nhất định. Ngay Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng thế.

Ban đầu, khi dự định dựng vở "Cánh cửa khép hờ", chúng tôi cũng có những bỡ ngỡ, có khi khó hình dung làm đề tài về AI, về viễn tưởng trên sân khấu Cải lương thì như thế nào? Nhưng sau cùng thì Nhà hát vẫn quyết tâm làm. Lý do là mặc dù chúng tôi "kể" câu chuyện bằng ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống nhưng vở diễn vẫn giàu yếu tố đương đại, hiện đại, có những đoạn hát bằng nhạc hiện đại hoặc cũng là màu sắc âm nhạc của Cải lương nhưng được phối theo cách mới…

Chúng tôi sử dụng yếu tố công nghệ, màn hình visual, âm thanh, ánh sáng hỗ trợ tối đa cho vở diễn, làm cho sân khấu đẹp, linh hoạt. Chúng tôi cố gắng dựng vở diễn gần gũi nhất với các bạn trẻ bằng cách đưa nghệ thuật đương đại vào tác phẩm thông qua âm nhạc, mỹ thuật, thiết kế sân khấu, phục trang… Đây cũng là hướng đi mà chúng tôi sẽ nỗ lực theo đuổi trong nhiều dự án, vở diễn tiếp theo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!

N.Nguyễn
.
.
.