Nghệ thuật hàn lâm vừa vui với khán giả, đã lo nhân lực

Thứ Tư, 24/07/2024, 07:00

Thay vì chỉ có một số lượng chương trình, vở diễn ít ỏi được tổ chức như trước đây, nghệ thuật hàn lâm ngày càng có nhiều tín hiệu vui khi tăng cả về số lượng và chất lượng các kịch mục phục vụ khán giả. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, đặc biệt là opera, ballet đang là một trong những bài toán không dễ, nhất là khi số lượng tác phẩm được đầu tư dàn dựng nhiều.

Chỉ riêng tại Nhà hát Hồ Gươm và Nhà hát Lớn Hà Nội, thời gian gần đây, người yêu nghệ thuật đã có khá nhiều lựa chọn với loạt tác phẩm kinh điển của thế giới được đầu tư dàn dựng như Giselle, Hồ Thiên Nga, Carmen, Những người khốn khổ. Trước đó, người yêu nghệ thuật hàn lâm Việt Nam cũng đã có khá nhiều tác phẩm như ballet “Đông Hồ” lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ, ballet “Hàm lệ minh châu” dựa trên truyền thuyết Mỵ Châu, Trọng Thuỷ.

Ước mơ về thương hiệu opera của người Việt cùng từng có những tín hiệu vui  khi “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Bài ca tình yêu”  của nhạc sĩ Doãn Nho, “Lá đỏ” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, “Người giữ cồn” của nhạc sĩ Ca Lê Thuần… được nhiều đơn vị đầu tư dàn dựng, phục vụ công chúng. Theo kế hoạch dự kiến, trong tháng 8, tại Nhà hát Hồ Gươm, khán giả sẽ có thêm một tác phẩm mới là La Travia - một trong những vở opera được trình diễn nhiều nhất trên thế giới, do nhà soạn nhạc Guiseppe Verdi viết, dựa trên nội dung tiểu thuyết lừng danh “Trà hoa nữ” của Alexandre Dumas.

Nghệ thuật hàn lâm vừa vui với khán giả, đã lo nhân lực -0
Nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam biểu diễn vở “Carmen” tại Nhà hát Hồ Gươm.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thành phần sáng tạo các tác phẩm, không khó để nhận thấy, khá nhiều tác phẩm phải cần đến đội ngũ sáng tạo của nước ngoài hoặc từ lĩnh vực khác. Trong đó, đạo diễn vở “Bài ca tình yêu” là NSƯT Lê Thụy – gương mặt quen với nhiều chương trình ca nhạc, cải lương hơn là opera. Với vở Carmen, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam mời đạo diễn Leung Siu Kwan, Cindy – gương mặt nổi tiếng đến từ HongKong. Với opera La Travia, Nhà hát Hồ Gươm và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam mời 2 đạo diễn của châu Âu là Beverly Blankenship và Rebecca Blankenship.

Thực tế, cùng với cơ sở vật chất được trang bị tốt hơn, nghệ sĩ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để sáng tạo nghệ thuật, có những tác phẩm hay phục vụ công chúng. Như chia sẻ của khá nhiều người làm nghệ thuật, các đơn vị tổ chức sản xuất mà chúng tôi ghi nhận được là sự đón nhận của khán giả đã tạo động lực để các nghệ sĩ, các đơn vị có ngày càng nhiều tác phẩm chất lượng cao. Sự hưởng ứng của công chúng được thể hiện rõ qua số lượng vé bán của từng suất diễn. Người xem không chỉ chờ đợi vé mời như trước đây. Tuy nhiên, khi gia nhập thị trường, dù là thị trường nghệ thuật với những đặc trưng rất riêng, tác phẩm nghệ thuật vẫn phải tuân thủ quy luật chung của thị trường, đặc biệt là chất lượng phải đảm bảo thuyết phục người xem.

Như chia sẻ của NSƯT Phan Mạnh Đức, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam là chúng ta đang phát triển công nghiệp văn hoá. Vì vậy, cùng với câu chuyện nghệ thuật, chúng ta không thể không quan tâm đến bài toán kinh phí, doanh thu mang về sau mỗi chương trình. Nhà hát phải tính toán rất kỹ để khán giả bỏ tiền mua vé vào xem biểu diễn hài lòng với những gì họ nhận được và tiếp tục đến với các chương trình tiếp theo. Để thực hiện được yêu cầu này, ngoài lựa chọn được kịch mục phù hợp với người Việt, nhà hát có nguồn nhân lực đủ đáp ứng yêu cầu. Thế nhưng, đây lại là một trong những “điểm nghẽn” đáng kể.

 “Muốn khán giả mua vé, chúng ta phải có kịch mục hay, các chương trình đảm bảo chất lượng. Chúng ta không thể xây dựng một chương trình tầm tầm, với ê kíp sáng tạo mà tên tuổi không ai biết tới, kể cả khả năng, trình độ của đạo diễn, biên đạo và nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng hiện nay chúng ta đang rất thiếu về mặt nhân lực, đặc biệt là đạo diễn opera và biên đạo ballet. Đây là điều chúng tôi rất trăn trở. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, chúng tôi mời đạo diễn, biên đạo của nước ngoài, qua đó nâng chất lượng tác phẩm và khán giả có thể thưởng thức những giá trị nghệ thuật đích thực”, NSƯT Phan Mạnh Đức nói.

NSƯT Phan Mạnh Đức, khi đầu tư cho một vở opera, nhà hát tính nhiều phương án về đạo diễn, biên đạo từ đó lựa chọn người phù hợp nhất, kể cả về tài chính, thời gian, trình độ và sự am hiểu văn hoá Việt Nam, phù hợp với trình độ của diễn viên. Hiện nay, các nghệ sĩ opera, ballet có trình độ đáp ứng được yêu cầu biểu diễn các vở diễn không nhiều. Để khắc phục, nhà hát kết hợp với các trường nghệ thuật chuyên nghiệp lựa chọn các em cộng tác viên, ký hợp đồng ngắn hạn và dài hạn, vừa đào tạo bổ sung, vừa tạo điều kiện để các em cọ sát trực tiếp qua các chương trình biểu diễn của nhà hát, cảm nhận về nghề, sau đó tiếp tục nâng cao và giao những vai khác cho các vở mới.

Thạc sĩ, biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cũng cho hay, chị rất vất vả trong quá trình thực hiện. Một trong số các khó khăn là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Nghệ sĩ có khả năng hát, múa thì hạn chế về diễn xuất và ngược lại. Vì vậy, giải pháp hiện thời, với nhiều tác phẩm, ê kíp sáng tạo vừa dàn dựng và hỗ trợ đào tạo diễn viên là chuyện không hiếm.

Hoa Nguyễn
.
.
.