Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát và niềm đam mê 12 con giáp

Thứ Hai, 02/01/2023, 08:04

Tết Nguyên Đán đang đến rất gần, và năm nay là năm Quý Mão, năm con mèo, một con vật được cho là gần gũi với con người và cũng chiếm được tình cảm của con người.

Mèo hiện diện trong đời sống người Việt thật gần gũi và tình cảm. Cũng chính vì thế, con mèo cũng xuất hiện nhiều trong các tác phẩm của nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc... Dịp trước Tết Nguyên đán, nghệ nhân, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát đã có một triển lãm tượng khắc gỗ về hình tượng con mèo.

Giới thiệu mình là họa sĩ, đam mê với nghệ thuật sơn mài, Nguyễn Tấn Phát hiện vẫn đi theo đúng con đường mình đã chọn, khi anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Khoa Văn hóa truyền thống, ngành Sơn mài. "Tuổi thơ của tôi gắn chặt ngôi đình chùa tại xứ Đoài, tôi đã theo bố và ông nội đi trùng tu các công trình di sản, từ đó sự yêu mến văn hóa truyền thống ngấm dần vào tôi".

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát và niềm đam mê 12 con giáp -0
Những sản phẩm không chỉ dùng để trưng bày mà còn có công năng sử dụng như để cắm hoa, đựng kỷ vật, đựng đồ quý giá… Với giá trị đó, sản phẩm của nghệ nhân được định giá từ 1,5-10 triệu đồng/sản phẩm. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Có thể nói trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và hình ảnh, mỗi sản phẩm khi làm ra đều cần sự ấn tượng, bắt mắt, thì có lẽ nghệ thuật sơn mài mà Nguyễn Tấn Phát chọn, có vẻ như không được hợp thời cho lắm ở thời buổi công nghệ hình ảnh lên ngôi. Nhưng không, anh đã yêu, đã lựa chọn và tìm hướng phát triển riêng cho mình.

Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, là một người thích nghệ thuật truyền thống nên từ nhỏ, anh đã ham học hỏi, tìm tòi và thích thú với những đồ vật quen thuộc như từng phên gỗ hay cái gáo dừa. Những đồ vật tưởng như đơn giản thế thôi, nhưng khi vào tay anh, nó có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Trên những mặt phẳng của đồ vật, anh tạo hình bằng nghệ thuật sơn mài truyền thống. Điều đó cũng có lý khi miền quê nơi anh sinh ra cũng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và cũng đã nuôi dưỡng trong anh tình yêu với nghệ thuật, đó là xứ Đoài - làng cổ Đường Lâm.

Những năm gần đây, mỗi khi Tết đến xuân về, Nguyễn Tấn Phát lại cho ra mắt những tác phẩm nghệ thuật liên quan đến con giáp đại diện của năm đó. Đó cũng là cách để anh đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với mọi người.

Chuẩn bị cho năm Quý Mão 2023, Nguyễn Tấn Phát đã dành nhiều thời gian cho bộ sưu tập và anh đã có một triển lãm tại TP Hồ Chí Minh, trưng bày 50 tác phẩm tranh, tượng về con mèo được làm từ gỗ mít và đá ong kết hợp với nghệ thuật sơn mài thuần Việt.

Để tạo ra số lượng tượng mèo phong phú với nhiều kiểu dáng và nội dung nghệ thuật, anh đã phải dành rất nhiều thời gian và công sức. Rất nhiều ý tưởng đã được thể hiện trong những tác phẩm được trưng bày này, đó là sự tinh khôn của con mèo được thể hiện trong nhiều động tác như rình mồi, rình con cá gỗ, hay thoăn thoắt trèo cây cau, có khi lại thong dong trên đỉnh mái nhà...

Ngoài ra trong triển lãm còn có một bộ sưu tập đặc biệt, đó là bộ bàn ghế mèo và chiếc bàn cá, mà anh đặt tên là "Bữa tiệc ngày xuân"; với những đầu thành ghế được tạo tác hình mèo khác nhau.

Những tác phẩm của anh thường là độc bản và đề cao yếu tố phục vụ con người, ngoài chức năng trang trí còn có công năng sử dụng. Chính vì vậy, người xem khi thưởng thức bộ bàn ghế "Bữa tiệc ngày xuân", ngoài ngắm nghía, trầm trồ vì khả năng sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ, còn có thể ngồi vào những chiếc ghế có đầu tay vịn là những chú mèo. 7 chiếc ghế hình mèo khác nhau, với chiếc bàn cá ở trung tâm, khiến cho người ta không chỉ nghĩ đến một bữa tiệc của mèo, mà đây còn là một ý tưởng rất ngộ nghĩnh nữa. Bộ sưu tập trừu tượng 50 con mèo, không con nào hình thù giống con nào.

Nguyễn Tấn Phát cho biết, anh khéo léo lồng ghép hình ảnh các chú mèo trong các tích truyện dân gian, trong tranh Đông Hồ để người xem hiểu hơn về văn hóa dân gian.

N.Chuyên
.
.
.