“Nếp xưa” - tái hiện khung cảnh sống của người Hà Nội

Thứ Hai, 17/10/2022, 08:21

Để công chúng và thế hệ trẻ hôm nay hiểu biết sâu kỹ hơn về truyền thống và văn hóa người Tràng An - Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm) đã tổ chức triển lãm mang tựa đề “Nếp xưa”.

Nói đến cuộc sống người Hà Nội xưa, có lẽ người ta nghĩ ngay cuộc sống của người Hà Nội ở 36 phố phường. Hà Nội trước kia chưa mở rộng như bây giờ, nên khu phố cổ với 36 phố mặc nhiên được nghĩ đến đầu tiên.

unnamed.jpg -0
Gian trưng bày phòng khách trong triển lãm “Nếp xưa”.

Khung cảnh trưng bày được bố trí gần gũi, ấm áp khiến người xem như bước vào gian nhà của một gia đình trên phố Hà Nội cổ, nơi nếp nhà được luôn được gìn giữ, lưu truyền, với nhiều đời sinh sống.

Gian thờ là nơi trang trọng nhất trong nhà, gồm có bàn thờ được chạm khắc, sơn son thiếp vàng. Trên ban thờ có bày nhiều đồ thờ như bát hương, mâm đồng, lọ hoa, chân nến được làm bằng đồng hoặc gỗ sơn sơn. Phía trên bàn thờ treo bức hoành phi câu đối.

Ông Nguyễn Viết Toàn (số nhà 20, đường Thanh Niên, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ trong triển lãm: “Nhà tôi từ thời các cụ đã sắp đặt bàn thờ theo lối “thượng Phật, hạ gia”. Đồ thờ bày theo lối ngũ sự gồm đỉnh, hai con hạc, 2 cây nến. Đồ vật trên ban thờ được sắp đặt đảm bảo nguyên tắc ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ”.

Không chỉ ban thờ được sắp xếp cầu kỳ, kỹ lưỡng, với người Hà Nội, gian phòng khách, nơi sinh hoạt chung của mỗi gia đình cũng luôn được bày biện trang trọng, ấm cúng. Gian phòng khách thường được kê bộ tràng kỷ gỗ, với khay chén được chạm khảm cầu kỳ, bên cạnh là chiếc sập gụ hay tủ chè, tủ chùa, và có bày biện những đồ gốm có trang trí rồng, phượng, trên tường treo những bức tranh cành vàng lá ngọc, hay treo bức tranh mang những tích xưa như tranh tranh xương tứ bình, loại tranh được làm bằng gỗ gắn với xương chạm nhân vật, phong cảnh, nhà cửa, các tích truyện cổ Trung Quốc.

“Gia đình tôi ở trên mảnh đất này từ năm 1905. Xưa các cụ đã có thú chơi cổ vật, nên từ bé tôi đã ngấm thú chơi đó. Tôi thường nghe các cụ nói, đồ sứ phải đi với đôn gỗ. Sứ là bình, gỗ là an. Đi với nhau có nghĩa là bình an, điều mà gia đình nào cũng mong muốn” – ông Toàn cho biết thêm.

Người Hà Nội hay treo những bức ảnh chụp kỷ niệm gia đình trong trang phục áo dài truyền thống khổ lớn trong phòng khách, hay những bức ảnh ông, bà, cha mẹ, những người thân yêu trong nhà của chủ nhân để tưởng nhớ khi bố mẹ ông bà đã không còn. Những tấm ảnh treo lên để con cháu tưởng nhớ, và luôn làm theo những điều ông bà cha mẹ đã chỉ bảo, dạy dỗ khi còn sống…

 Một nét văn hóa không thể thiếu, đó là Tết Nguyên đán của người Hà Nội. Với người Hà Nội, Tết Nguyên đán là một sự kiện vô cùng quan trọng, cầu kỳ và kỹ lưỡng; từ việc chuẩn bị ban thờ, mâm ngũ quả đến gói bánh chưng, bữa cơm tất niên…

“Khi tôi còn bé, đã thấy từ ngày 20 tháng Chạp, ông nội và bố tôi đã bao sái bàn thờ gia tiên bằng nước lá vang đun lên. Các đồ thờ bằng đồng được đánh bằng vỏ trấu sáng bóng” (ông Nguyễn Viết Toàn – số nhà 20, đường Thanh Niên, Hà Nội). “Gia đình tôi ở trên mảnh đất này được 5 đời. Tôi tuy là con út nhưng ở đất hương hỏa nên đảm nhận việc thờ cúng tổ tiên thay anh trưởng. Vào những ngày giỗ trọng đại, tất cả gia đình tề tựu đông đủ. Các bậc cha chú thì ngồi trên sập, nam giới thì ngồi ghế có lưng tựa, phụ nữ ngồi gian bên”.

“Mâm ngũ quả với người Hà Nội là tượng trưng cho sự cân bằng, trật tự và may mắn: ngũ sắc, ngũ vị, ngũ giác, ngũ quan, ngũ phúc… Mâm ngũ quả gồm các loại quả có hạt, có múi và hình dáng lạ… Nó gồm nải chuối, quả phật thủ, quả bưởi, quả hồng, quả cam (Hà Nội, Văn hóa và phong tục – Lý Khắc Cung, NXB Thanh Niên – 2004).

Còn đối với mâm cỗ cúng gia tiên, bà Dương Thị Kim Oanh, ở nhà số 52, Lãn Ông cho biết: “Tôi là con gái làng Ngọc Hà, được gả về làm dâu trưởng gia đình trên phố cổ. Khi về làm dâu, tôi sống cùng bà nội chồng và được bà dạy bảo theo nếp nhà chồng. Mâm cơm cúng gia tiên ngày tết rất quan trọng, khi nấu ăn không được nếm và phải tự ước lượng gia vị. Các món ăn không thể thiếu là bánh chưng xanh, bánh chưng đỏ, gà luộc, nem rán, canh măng, canh bóng, miến, xào.

Thú chơi Tết của người Hà Nội có lẽ cũng có nét đặc trưng riêng. Chỉ cần nói đến người Hà Nội đi chơi tết, đi chợ hoa là ta đã tưởng tượng ra khung cảnh mùa xuân với cái lạnh, và chợ hoa Hàng Lược tấp nập người đi chợ hoa tết, với cành đào trên tay, hay bó hoa thược dược truyền thống về cắm nơi phòng khách. Và sáng mùng 1 tết là những gia đình tíu tít áo dài xuống phố đi chơi tết, vẻ mặt, nét cười tươi vui…

Hà Nội có một sức quyến rũ với  các người ở nơi khác… Ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng mở của Hà Nội chiếu lên nền mây. Để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người ở Hà Nội, chúng ta khuyến khích yêu mến Hà Nội hơn, chúng ta nói đến tất cả những vẻ đẹp riêng của Hà Nội khiến mọi sự đổi thay trong 36 phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi” trích dẫn trong sách của - Nhà văn Thạch Lam – Hà Nội 36 phố phường) được gắn ở triển lãm.

Hà Nội giờ đang là những ngày cuối thu, đầu đông, là những ngày thời tiết Hà Nội đang đẹp nhất. Và Hà Nội, không chỉ đẹp bởi cảnh quan, không gian, mà chứa đựng trong lòng rất nhiều nét văn hóa, “nếp xưa” Hà Nội, truyền thống của người Hà Nội là một nét đẹp cần được gìn giữ và lưu truyền, để Hà Nội đẹp lại càng đẹp hơn.

M.Chuyên
.
.
.