Nên có Hội đồng riêng để duyệt tác phẩm đi dự Liên hoan phim quốc tế?

Thứ Ba, 05/10/2021, 07:38

Sau những ồn ào quanh việc phim Việt dự thi Liên hoan phim (LHP) ở nước ngoài được giải nhưng gặp khó khăn khi phát hành trong nước hoặc vướng mắc trong quá trình đi dự LHP vì thủ tục hành chính, câu chuyện duyệt tác phẩm điện ảnh dự LHP “nóng” trở lại. Nhiều nhà làm phim cho rằng nên có Hội đồng riêng để duyệt phim dự LHP quốc tế.

Tại diễn đàn trực tuyến “Ai góp ý giơ tay lên” số 2 do những người làm phim, chủ yếu là những người làm phim độc lập tổ chức, đạo diễn Phan Đăng Di cho biết, nhiều nhà làm phim đã thống nhất đề nghị việc có một Hội đồng thẩm định riêng đối với phim dự LHP nước ngoài. Hội đồng này hoạt động phi lợi nhuận, không hưởng lương, phụ cấp trích ra từ Quỹ điện ảnh và các khoản Nhà nước vẫn cấp cho ngành điện ảnh. Bộ tiêu chí mà Hội đồng này sử dụng sẽ mở hơn so với thông thường. Phim chiếu tại LHP quốc được “cấp visa” ngay cả khi phim chưa ra được bản cuối nếu phim đã đạt được các tiêu chí mà Hội đồng duyệt phim chấp thuận. Nếu phim có kế hoạch phát hành tại Việt Nam thì phải tuân thủ các quy định như phim phát hành khác thông thường.

1.jpg -0
Phim “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng được giới phê bình điện ảnh thế giới ghi nhận ở LHP Vience 2009.

Đạo diễn Phan Đăng Di cũng cho biết, những người làm phim như anh đều cố gắng để thực hiện đúng luật. Nhưng hiện nay, chúng ta đang áp dụng một Hội đồng duyệt phim chung cho cả phim không dự LHP nên dẫn đến việc gửi phim dự LHP quốc tế được duyệt giống như tất cả các phim khác. Phim dự LHP quốc tế thì thì hình thức biểu đạt sẽ khác. Trong khi đó, phim được duyệt sẽ phải có những chỗ sửa, làm mờ còn phim dự LHP đấy sẽ phải chiếu bản full. Ở các LHP quốc tế, tính toàn vẹn của tác phẩm, ý tưởng mà đạo diễn muốn biểu đạt là tối cao. Vì vậy, các nhà làm phim mong muốn, những mâu thuẫn như thế sẽ được giải quyết trong Luật Điện ảnh sửa đổi sắp tới. Cụ thể là sẽ có Hội đồng thẩm định riêng dành cho phim dự LHP quốc tế nói trên.

Trao đổi quanh câu chuyện này, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, LHP diễn ra theo lịch cố định nên khi sản xuất phim, người làm phim phải tính toán cho phù hợp với thời điểm tổ chức LHP. Trước khi LHP diễn ra, phải các giám tuyển sẽ hoạt động hết công suất. Bản phim gửi dự LHP có thể là bản hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn chỉnh, chưa hoà âm, chỉnh màu... Khi nhận được phản hồi tích cực thì người làm phim sẽ hiểu thì phim có cơ hội ở LHP. Cho đến trước thời điểm trình chiếu, phim dự LHP không nhất thiết phải là bản hoàn chỉnh toàn bộ. Nhưng ở Hội đồng thẩm định và phân loại phim trong nước thì đây phải là bản hoàn chỉnh. Điều này có mâu thuẫn vì người làm phim cần phải gửi cho LHP để xem kết quả ban đầu như thế nào, có tương lai ở LHP hay không? Nếu đạt thì sẽ cần giấy phép phổ biến của Nhà nước. Nhưng Nhà nước sẽ yêu cầu bản hoàn chỉnh. Nếu chưa làm được điều này mà đã có tin từ LHP thì rất có thể người làm phim sẽ trở thành người vi phạm Luật.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng cho biết, với những người làm phim như chị thì cơ hội đưa phim đến các LHP quốc tế lớn như Cannes, Venice… là giấc mơ rất xa và đáng giá. Khi phim được mời là hạnh phúc vô cùng cho đoàn làm phim. Nhưng nếu làm đúng quy trình là phải có bản dựng hoàn chỉnh và có kết quả sau 15 ngày kể từ khi Hội đồng nhận phim, rồi chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng thì các nhà làm phim sẽ bị chậm. Vì vậy, cần phải có một Hội đồng thẩm định riêng dành cho các phim dự LHP lớn và Hội đồng phải hiểu tình hình thực tế của các nhà làm phim để khi duyệt có thể tạo điều kiện tối đa cho phim đến được đến đích xa nhất có thể.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng khẳng định, các nhà làm phim thường canh thời gian đưa phim đi tham gia LHP trùng với thời gian phát hành. Lý do là việc tham gia LHP rất có ý nghĩa trong chiến lược PR, Marketting cho bộ phim. Tuy nhiên, việc gửi phim đi dự LHP lớn thì không thể chờ dựng hoàn chỉnh mới gửi được…

N.H
.
.
.