Mong muốn có một bảo tàng nhiếp ảnh

Thứ Bảy, 18/11/2023, 11:32

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tọa đàm “Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao” nhằm xác định hướng đi đúng, những việc cần phải làm để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển trong những yêu cầu mới của đất nước.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nhấn mạnh, với sự quan tâm của Đảng, sự hỗ trợ của Nhà nước về thể chế, chính sách và cả nguồn lực, ngành nhiếp ảnh đang nỗ lực vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển và phát triển bền vững, hướng tới xây dựng một nền công nghiệp nhiếp ảnh, thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ.

Mong muốn có một bảo tàng nhiếp ảnh -0
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông phát biểu tại tọa đàm.

Theo nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, trong những năm qua, mặc dù Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều tổ chức văn hóa văn nghệ khác đã trao nhiều giải thưởng, một năm hoặc hai năm một lần, hay nhiều giải thưởng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, kỷ niệm các sự kiện lớn của các bộ, ban, ngành, địa phương… nhưng hầu như các tác phẩm được trao giải rất mau chìm vào quên lãng. Thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. “Việc cần làm ngay là xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nghệ sĩ nhiếp ảnh phát huy tối đa năng lực sáng tác, song song với đề cao ý thức về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trăn trở về thực trạng vẫn có những sáng tác ảnh nghệ thuật lặp lại mô-típ cũ, ăn cắp ý tưởng, chụp lại theo tác phẩm người khác, xu hướng sáng tác tập thể… Nếu tác phẩm theo lối mòn vẫn được người thẩm định ủng hộ, thậm chí còn được đánh giá cao tại các cuộc thi và các cuộc xét giải thưởng thì chất lượng ảnh nghệ thuật sẽ không được bảo đảm.

Nhìn sang các lĩnh vực văn học, nghệ thuật khác, nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Đức Tân mong mỏi, Nhà nước nên đầu tư xây dựng bảo tàng nhiếp ảnh. Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều bức ảnh có giá trị, đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc, tuy nhiên cho đến nay lại chưa có một bảo tàng nhiếp ảnh nào. Bảo tàng sẽ trở thành một tiêu chuẩn để định giá các tác phẩm thành công. Có bảo tàng thì giá trị các tác phẩm nhiếp ảnh sẽ được nâng lên.

Đề cập đến việc cần phát triển đội ngũ làm công tác lý luận phê bình, nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hồ Sĩ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống cho rằng, lý luận phê bình nhiếp hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu. Điều này thấy rất rõ với số lượng 1055 hội viên nhưng số người làm công tác lý luận phê bình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện chỉ có 8 người được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phong tước hiệu “Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh” nhưng họ cũng chỉ làm tay ngang, còn lại một số người thỉnh thoảng viết với tâm lý “viết chơi”.

Ngô Khiêm

.
.