Lửa ấm Xuân Kinh Bắc

Thứ Ba, 13/02/2024, 08:06

Tôi sinh ra ở miền quê Kinh Bắc giàu truyền thống văn hiến, vì thế cũng mang một chút hơi hướng hoài cổ, thích những gì truyền thống, và thích Tết. Cứ đến tháng Chạp, có gió mùa, có mưa xuân là trong tôi đã chộn rộn, như là Tết đến nơi rồi. Cuộc sống giờ đây đã khác xưa, nhưng những khó khăn, thiếu thốn của ngày xưa vẫn hay được lứa chúng tôi nhắc đến, vì Tết là truyền thống, là trở về nguồn cội và quê hương, là ông bà, làng xóm…

Bố mẹ tôi sinh được 5 anh chị em. Chị đầu sinh năm 1961, nhưng đến năm 1970 mới sinh anh trai tôi. Mẹ tôi đã rất lo lắng khi sinh chị cả tôi mà mãi 9 năm sau mới sinh được anh trai thứ hai và mẹ luôn tự hào và hạnh phúc khi các con của mẹ đều xinh đẹp, khỏe mạnh. Mình mẹ là lao động chính, ông bà khi ấy đã già. Bố tôi đi bộ đội, vào Nam ra Bắc, sau đó về làm Ngân hàng Nông nghiệp huyện. Năm hơn 40 tuổi thì bố tôi phải nghỉ mất sức vì bị hen do mắc những cơn sốt rét trong rừng.

Lửa ấm Xuân Kinh Bắc_ANTG Tet trang 34 -0
Ảnh: ST.

Khó khăn thế nhưng tôi luôn nhớ câu mẹ nói, “nhìn đàn con như ngô như ngỗng mà mẹ quên mệt nhọc”. Khi đã lớn lên, tôi chứng kiến sự biến đổi do thời gian mang lại trên khuôn mặt mẹ, từ lúc má mẹ vẫn hồng căng cho đến khi xuất hiện vết chân chim. Mẹ là một phụ nữ xinh đẹp. Lúc lấy bố tôi, người làng vẫn bảo cặp đôi bố mẹ đẹp nhất làng. Khi còn nhỏ, tôi thấy mẹ hay mặc áo bà ba màu nâu, càng làm nổi bật nước da mẹ trắng. Mẹ lại hay ăn trầu, nước trầu làm đỏ đôi môi mẹ. Cho dù có đói kém, chúng tôi cũng không bao giờ cảm nhận được nét buồn trong mắt mẹ. Lúc nào cũng thấy mẹ tươi cười thế.

Những ngày giáp tết của gia đình tôi là những ngày thiếu gạo và đói triền miên. Thóc gặt về phải trả nợ và bán đi lấy tiền đóng học. Để có ăn, mẹ lại vay trước và trả vào vụ sau. Cứ vay 1 tạ thì phải trả thành 1,3 tạ thóc. Trong nhà muốn tiêu pha gì thì phải bán thóc; mua cái quần cái áo cho con cũng phải bán thóc, tiền đóng học cũng phải bán thóc... Thóc ít, thiếu gạo nên nhiều khi chỉ được ăn một bữa cơm trong ngày. Nồi cơm nóng hôi hổi, xới ra đơm chưa được hai lượt đã hết. Chúng tôi ăn lúc nào cũng bị cảm giác thòm thèm; còn bữa tối, có khi chỉ vài củ khoai lang và đi ngủ. Giáp tết, mẹ hay cắt những dây khoai lang đi bán. Mỗi gánh khoai chỉ được khi thì thẻ hương, khi thì gói lá dong, gói bánh đa nem. Mẹ gánh dây khoai đi trong giá rét, chân trần, đường xa 3, 4 cây số đầy cát sỏi, đến nỗi gót chân mẹ chai sần, nứt toác. Thế nhưng sau này mẹ vẫn bảo những ngày các con còn bé, vất vả nhưng được ôm các con vào lòng, mẹ vẫn thấy vui.

Chị cả đã lớn, đi học xa nhà nhưng cũng chưa giúp gì được mẹ. Trên tôi là hai anh trai và một chị và đều đang đi học. Chúng tôi sàn sàn nhau nên có nhiều kỷ niệm. Nhớ nhất là những ngày đi chợ tết; cứ 27-28 Tết đã mở ống tiết kiệm và trút tiền xu ra để đi chợ chỉ để ăn vặt, khi về chỉ mua giúp mẹ được hai cây mía về thờ, gọi là mua “gậy cụ”.

 Còn mẹ tôi, cứ sắm dần như thế,  đến 30 thì cũng có giò, có bánh chưng. Ngày 30 Tết, chợ làng bán cả ngày. Nhà tôi không có tiền mua nhiều nên không chung lợn, mẹ lên chợ làng mua mỗi thứ một ít. Mẹ gánh gánh chuối đi bán, khi về lại mua ít thịt; lúc lại gánh gánh su hào, lại mua về được cân giò… Tôi nhớ mẹ mặc áo bà ba nâu có túi ở chỗ gần gấu áo, mẹ hay để tiền ở trong đó và lấy cái kim băng có cài dây chỉ màu đỏ cài lại.

Những ngày giá rét có gió mùa Đông Bắc là những ngày bố khó thở bởi những cơn hen. Bố chỉ quanh quẩn làm việc vặt trong nhà. Thịt lợn thủ mẹ mua về, bố ở nhà gói giò xào. Bố tỉ mẩn lấy con dao lam cạo sạch lông còn sót lại trên cái thủ lợn. Bà tôi và chị gái rửa lá, đãi đỗ để gói bánh chưng. Lưng bà còng nhưng bà ngồi được rất lâu. Cảm giác như bà không vội vàng là gì. Có khi cả từ sáng tới đầu giờ chiều mới xong nồi bánh. Bố thường gói giò xào bằng mo cau, và buộc chặt bằng dây chun cắt từ săm xe đạp hỏng. Ông tôi thì vẫn chăm chỉ với con lợn con gà, gốc chuối ngoài vườn để thỉnh thoảng có được món đồ bán phụ giúp mẹ tôi. Hai anh trai tôi, dù là chiều 30 Tết vẫn phải đi chăn bò. Chị em gái chúng tôi loanh quanh bên bố, bên bà xem có phụ được việc gì không. Tôi hồi ấy chỉ khoảng 6, 7 tuổi, chưa làm gì được nhiều; chị gái hơn tôi 3 tuổi, thường được bố tôi sai đi góp tết.

Nhà tôi thì ông nội tôi cũng là trưởng, dưới ông có hai ông và hai bà nên các ông bà cũng mang đồ đến nhà tôi để thắp hương các cụ. Đồ lễ có khi chỉ là chai rượu của nhà tự nấu, gói bánh gai hoặc gói kẹo lạc nhà tự làm, những sản vật đơn giản như thế. Tôi nhớ hồi ấy ông tôi trồng nhiều chuối ngoài vườn, nhưng những nải to thì mẹ đem đi bán lấy tiền sắm Tết, chỉ để lại nải nhỏ, nải xấu. Mẹ bảo hai nải nhỏ xếp chồng lên nhau cũng được nải to. Nhiều khi chuối non, không chín, mẹ còn phải gọt vỏ làm món chuối nấu.

Bà thường luộc bánh chưng ở góc sân, chỗ mái hiên bếp chìa ra. Bà xếp chồng 3 viên gạch lên nhau và xếp ba góc thành góc hình tam giác để đặt nồi luộc bánh. Cả nhà tôi luộc xoong 60 bánh. Tôi cũng nhớ là tên gọi xoong như thế chứ không biết đong đếm thế nào. Bà bảo luộc nhiều để ra Giêng có bánh ăn. Ra Giêng đi cấy về mà được khoanh bánh và miếng bó ăn thì ngon lắm, giáp hạt thường đói kém, lúa lúc này còn chưa bén rễ. Nhiều khi gặp rét còn lụi đi.

 Tôi và chị tôi được phân công ngồi trông bánh. Nhà tôi hay gói bánh buổi sáng 30 nên khi luộc bánh xong cũng phải 9 giờ tối. 3 bà cháu lọ mọ vớt bánh, rửa bánh và dọn dẹp bếp núc thì cũng sắp đến giờ giao thừa. Đêm 30 trời tối như mực lại rét nên khi xong việc và dọn dẹp là chúng tôi đi ngủ. Hai anh trai tôi háo hức chờ giao thừa để đốt pháo. Tiền mua thuốc pháo là anh tiết kiệm từ việc đi chăn bò thuê cho nhà hàng xóm.

Khi tiếng pháo đầu tiên vọng đến, thì nằm trong chăn, tôi và chị gái cũng thức và bắt đầu đoán. Tiếng pháo ở phía nào thì đoán nhà ai, pháo nổ giòn không, có dài không. Nhiều khi nhà ai đốt pháo nổ to từng tiếng một, chúng tôi đoán là quả pháo cối. Pháo này quấn to, nhiều thuốc, nổ cũng to. Mỗi khi có tiếng pháo này, chị em tôi lại thương con bò. Cứ sáng mồng 1, mang miếng bánh chưng đầu ra cho nó vẫn thấy nó sợ sệt, đứng nép vào một góc chuồng.

Khi các tiếng pháo đã dứt hẳn thì chúng tôi mới đi ngủ tiếp. Tuy nhiên trời cũng rét nên mãi mới ngủ lại. Chăn bông thì ngắn, lại bị xô, chỗ dày chỗ mỏng. Tôi là con út, được ngủ giữa mẹ và chị. Chị tôi cứ bảo tôi cho chân vào chị kẹp cho ấm.

Sáng hôm sau Mùng 1. Những năm ấy không có hoa tươi nhiều như bây giờ. Màu tết trong ký ức của chúng tôi là tiết trời buổi sáng sớm đầu tiên, hơi có mưa bụi bay. Mẹ, vẫn như thường ngày luôn lo lắng cho giấc ngủ của các con, nhẹ nhàng ra khỏi giường và xuống bếp nấu nướng. Lát sau đến tôi và chị gái dậy để cắt bánh chưng. Chúng tôi cắt bánh mà như mở một bí mật, cứ thắc thỏm xem bánh có xanh không, đỗ có vào chính giữa không… Năm nào bánh xanh, giò đẹp là chúng tôi lại nghĩ năm đó sẽ gặp may. Giò ít, bố thái khoanh mỏng và tỉ mẩn khía thử, khi các miếng đã đều nhau thì bố mới thái thật; không miếng nào to hơn miếng nào. Anh trai thứ hai tôi tính cách láu lỉnh nhất, luôn luôn chờ bố cắt bỏ miếng đầu để ăn thử.

Màu tết trong tôi khi ấy còn là màu của quần áo những đứa bạn trong xóm. Những chiếc áo len, mũ len sặc sỡ, nổi bật lên trong giá rét. Thường khi bữa sáng xong, chúng tôi ra ngõ, gặp đám bạn và rủ nhau đi chơi. Nhà chúng nó cũng nghèo khó như nhà tôi, nhưng trong đó có đứa bạn thân tôi, bố nó làm thương nghiệp, nhà có điều kiện thì luôn được mặc đẹp hơn. Tôi nhớ nó có cái áo nhung tăm đỏ mặc dịp tết đẹp lắm. Còn anh chị em tôi, cứ mặc mót của nhau; đến tôi là út thì quần áo đã sờn.

Bọn bạn đứa nào cũng co ro trong giá rét. Bọn con trai hay đội cái mũ len có chỏm ở trên đỉnh đầu và hở chỉ mỗi cái mặt. Tôi tuy nhà nghèo nhưng học giỏi nhất trong đám bạn, nên thường được chúng nó quý và hay cho đồ. Thế rồi chúng tôi rủ nhau đi chơi miết, có khi đến nhà bạn chơi tú lơ khơ, đánh tiến lên; có khi ra tận đồng lấy rơm quấn đốt đuốc thổi cho ấm. Chiếc đuốc được bện chặt, chúng tôi tranh nhau phồng má lên thổi. Lửa ấm rát hết cả mặt…

Ngô Chuyên

.
.
.