Lời tự sự ở tuổi gần 100 của tác giả cuốn sách nổi tiếng về Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

Thứ Tư, 09/08/2023, 20:06

Hướng đến kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023), chiều 9/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức sự kiện ra mắt phim, tọa đàm và trưng bày chuyên đề “Thái Duy: Sống và viết”.

Sinh năm 1926, xấp xỉ tuổi ra đời của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, còn 3 năm nữa là nhà báo Thái Duy tròn 100 tuổi. Trong sự nghiệp gần 80 năm cầm bút, nhà báo Thái Duy chỉ làm việc cho tờ báo Mặt trận, trải qua cả 3 thời kỳ: Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn kết. Với bút danh Thái Duy khi viết báo, Trần Đình Vân khi viết văn, những tác phẩm của ông không chỉ tạo nên những chuyển biến xã hội tích cực trong nước mà còn có tiếng vang xa trên trường quốc tế.

“Chỉ làm phóng viên, với tôi như thế là sung sướng lắm rồi!” -0
Nhà báo Thái Duy và các đại biểu thăm trưng bày chuyên đề "Nhà báo Thái Duy - Sống và viết".

Tên tuổi Trần Đình Vân gắn liền với cuốn sách “Sống như Anh” - viết về cuộc đời Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi qua lời kể của chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi. “Sống như Anh” đã thu hút sự chú ý của nhiều thế hệ bạn đọc, góp phần dấy lên trong cả nước phong trào noi gương anh Trỗi thi đua sản xuất và diệt giặc trong thời điểm tác phẩm ra đời.

Tại buổi lễ, bộ phim tài liệu đầu tiên về nhà báo Thái Duy được ra mắt. Với thời lượng 30 phút, cùng nhiều tư liệu, hình ảnh, bộ phim đã khắc họa câu chuyện thú vị về một nhà báo đã đi qua 3 cuộc kháng chiến và tiếp tục có những cống hiến xuất sắc trong thời bình. Bộ phim tập trung vào những nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp báo chí của nhà báo Thái Duy đồng thời tri ân những đóng góp của ông với nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam khẳng định, suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến, nhà báo Thái Duy chỉ có một chức vụ duy nhất là phóng viên, với mục tiêu cầm bút là viết vì dân, nói đúng sự thật, tôn trọng sự thật. Ông chính là tác giả của tác phẩm đỉnh cao xuất bản hàng triệu bản ra khắp thế giới, được nhiều lãnh tụ coi trọng, tiếp đón thân tình.

“Sống như là viết, viết là sống. Cả cuộc đời làm báo của Thái Duy là cuộc đời của một con người phấn đấu không mệt mỏi, không chùn bước để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tươi tốt” như lời Bác Hồ căn dặn trong Di chúc”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Chia sẻ về quá trình làm bộ phim “Thái Duy - sống và viết”, nhà báo Hồ Quang Lợi, Chủ tịch Hội đồng duyệt bộ phim nhấn mạnh, ngay từ lúc duyệt tác phẩm điện ảnh này đã gây cho chúng tôi niềm xúc động sâu sắc. “Có nhiều điều làm nên thành công của bộ phim nhưng điều quan trọng nhất là tác phẩm điện ảnh này đã ghi được những hình ảnh sống động về nhà báo Thái Duy, về cuộc đời của ông và còn có những ý kiến phát biểu tâm huyết của những người cùng thời như nhà báo Kim Toàn, Nguyễn Hồ…”, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định.

“Chỉ làm phóng viên, với tôi như thế là sung sướng lắm rồi!” -0
Nhà báo Thái Duy chia sẻ tại buổi lễ.

Chia sẻ thêm về quá trình làm phim, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, tác giả kịch bản, đạo diễn của bộ phim cho rằng: "Nhà báo Thái Duy tuổi đã cao, ít khi muốn nói về mình, điều này là khó khăn cho đoàn làm phim. Hôm nay khi xem bộ phim này, nhà báo Thái Duy đánh giá bộ phim “đúng với thực tế, không sai gì”. Đó là điều đáng mừng cho đội ngũ làm phim chúng tôi".

Cũng tại buổi lễ, các nhà báo đã có một thời gắn bó với nhà báo Thái Duy như nhà báo Hà Đăng, nhà báo Kim Toàn, luật sư Trương Trọng Nghĩa, nhà báo Hữu Việt... đã kể những câu chuyện, những kỷ niệm với tác giả “Sống như Anh”. 

Được xem những thước phim, được nghe những lời chia sẻ của các bạn bè, đồng nghiệp nói về mình, nhà báo Thái Duy vô cùng xúc động, nghẹn ngào. Ông khẳng định: “Chỉ làm phóng viên, với tôi là sung sướng lắm rồi!”.

Trong khuôn khổ chương trình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trưng bày trưng bày gồm 3 backdrop và 17 vách kể về con đường nhà báo Thái Duy đến với báo chí cách mạng Việt Nam và cống hiến cho Báo Cứu Quốc, Giải phóng, Đại đoàn kết qua các thời kỳ; hai lần vào miền Nam chiến đấu để lại dấu ấn sâu sắc qua các tác phẩm: Sống như Anh, Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi…; các cuốn sách, bài viết thể hiện tinh thần đổi mới, chống tham nhũng, tiêu cực; một số hình ảnh và bài viết nổi bật của nhà báo Thái Duy gắn quá trình hoạt động báo chí…

Ngô Khiêm
.
.
.