Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ đậm dấu ấn ký ức Hà Nội

Thứ Hai, 23/09/2024, 13:37

Được tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ có các hoạt động mang đậm dấu ấn ký ức Hà Nội, đánh thức, gợi nhắc ký ức lịch sử và sức mạnh sáng tạo của các thế hệ người dân Hà Nội.

Đây là khẳng định của Ban tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội trong công bố đầu tiên về lễ hội năm 2024.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội do UBND TP Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Tạp chí Kiến trúc thực hiện; có sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội và nhiều tổ chức, đơn vị khác. Lễ hội được tổ chức thường niên như một sáng kiến cấp quốc tế của Hà Nội tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng cho sáng tạo trong nhân dân. Đây là năm thứ 4 lễ hội được tổ chức. 

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ đậm dấu ấn ký ức Hà Nội -0
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ là một trong những công trình được chọn làm điểm chính trong lễ hội.

Diễn ra trong bối cảnh Hà Nội đang hiện thực hóa các sáng kiến khi tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, việc tổ chức lễ hội là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm củng cố thương hiệu thành phố sáng tạo Hà Nội. Qua mỗi năm, các chủ đề và quy mô của lễ hội ngày một mở rộng và trở thành ngày hội của giới sáng tạo và người yêu văn hoá Thủ đô. 

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 có chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, sẽ diễn ra từ ngày 9 – 17/11. Đây là lần đầu tiên, giao lộ sáng tạo của Thủ đô sẽ được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hàng trăm các hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc các lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo... Giao lộ sáng tạo không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, mà hơn thế, còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của thành phố, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo; đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người dân Hà Nội.

Khu vực chính diễn ra Lễ hội là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, kết nối trục Bắc - Nam (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và trục Đông - Tây (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền), gồm các công trình kiến trúc nổi bật như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ) Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia… và vườn hoa Lý Thái Tổ, Cổ Tân, vườn hoa Diên Hồng….

Hoa Nguyễn
.
.
.