Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam:

Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội giống như ngày hội của nhà thiết kế

Thứ Ba, 08/10/2024, 06:50

Hoà trong không khí chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 tưng bừng với nhiều hoạt động quy mô lớn từ trình diễn áo dài ở Hoàng thành Thăng Long, city bus “Tinh hoa áo dài”, caravan áo dài rực rỡ trên nhiều tuyến phố. Thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách, áo dài không chỉ là di sản văn hoá được trân trọng mà lan toả trong đời sống. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Nhà thiết kế (NTK) Đỗ Trịnh Hoài Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam quanh câu chuyện này.

Phóng viên: Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Các NTK đã có sự chuẩn bị như thế nào để có những hoạt động hấp dẫn nhưng gắn liền với sự kiện này, thưa ông?

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội giống như ngày hội của các NTK. Chúng tôi ý thức rằng đây là một hoạt động rất lớn của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung và đều nhiệt tình hưởng ứng sự kiện này. Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam đã quy tụ lên gần 100 NTK để tham gia các gian hàng, trình diễn các bộ sưu tập áo dài đặc sắc. Chúng tôi chuẩn bị gần 2.000 bộ áo dài dành cho người lớn, trong đó có cả áo dài cho nam, áo dài dành cho trẻ em, để mọi người đến lễ hội được mặc thử áo dài và chụp hình miễn phí. Chúng tôi còn có một món quà đặc biệt với du khách, đó là áo dài búp bê. Đây là kết quả từ nhiều trăn trở của ngành du lịch, các NTK và nhiều nước trên thế giới đã làm thành công như ở Nhật Bản có kimono búp bê, Hàn Quốc hanbok búp bê rất xinh…

Tại lễ hội, chúng tôi tổ chức để người yêu áo dài được hướng dẫn, tự tay may áo dài cho búp bê và mang món quà đó về. Các du khách, kể cả người lớn và trẻ em đều rất thích trải nghiệm này. Tôi nghĩ, đây là cách lan toả rất tốt di sản áo dài và mong rằng hoạt động này sẽ được nhân rộng vào các năm sau.

Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội giống như ngày hội của nhà thiết kế -0
Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng người mẫu tại Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024.

Chúng tôi được Ban tổ chức giao trình diễn trang phục áo dài, trong đó, tôi được giao màn trình diễn đầu tiên trong đêm khai mạc. Tôi đã rất lo lắng vì đây là trình diễn trang phục truyền thống trong một không gian đậm chất truyền thống, phải làm sao để áo dài toát lên được tính truyền thống mà vẫn là tác phẩm nghệ thuật, toát lên giá trị văn hoá riêng có, đồng thời bắt nhịp được với xu hướng thời trang thế giới. Vì vậy, tôi đã thiết kế bộ sưu tập áo dài Hoàng Long với các họa tiết hình rồng cho bộ sưu tập áo dài nam và bộ sưu tập Lương Duyên với các hoạ tiết phượng cho nữ. Chúng tôi đã huy động hơn 100 NTK và hàng trăm nghệ nhân của các làng nghề thực hiện trong hơn 1 năm với toàn bộ chất liệu vải của Việt Nam, dệt hoa văn, họa tiết, có kỹ thuật thêu đính, vẽ tay, có thiết kế dát kim cương.

Phóng viên: Ông có thể tiết lộ giá của bộ áo dài dát kim cương là bao nhiêu không và có e ngại các thiết kế áo dài đặc biệt trên sân khấu sẽ khó đi vào đời sống?

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Đây là thiết kế đòi hỏi nhiều kỳ công và có giá 999 triệu đồng. Khi thiết kế áo dài cho lễ hội này, chúng tôi không chỉ thực hiện theo chủ đề của Ban tổ chức mà còn hướng tới đời sống. Sau khi trình trình diễn trên sân khấu, thiết kế áo dài sẽ được nhiều người mặc trong các dịp lễ trọng như lễ cưới hỏi, hay mặc áo dài dạo phố trong những ngày thu rất đẹp của Hà Nội. Tại các gian hàng, chúng tôi chuẩn bị các thiết kế áo dài khác, thông dụng hơn, để mọi người mặc và chụp hình lưu niệm.

Phóng viên: Áo dài ngày càng phổ biến trong đời sống là tín hiệu vui nhưng bên cạnh ý nghĩa tích cực, có ý kiến cho rằng chúng ta đang có hiện tượng lạm dụng biến tấu áo dài, thậm chí là những biến tấu gây phản cảm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Từ trước đến nay, dù biến tấu như thế nào thì áo dài vẫn là sản phẩm thời trang, phải hội nhập với xu hướng thời trang chung. Đôi khi có người này, người khác tạo chiêu trò để gây chú ý như mặc áo dài không mặc quần thì rất phản cảm, xã hội cần lên án. Nhưng tựu trung, các biến tấu hướng đến những điều tốt đẹp cho áo dài, cho văn hoá thì cần được ủng hộ. Là người có hơn 30 năm gắn bó với áo dài, tôi hiểu rằng, áo dài không chỉ để mặc mà còn phải là kể câu chuyện văn hoá, góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia. Có những doanh nhân khi sang Nhật Bản, họ đặt tôi thiết kế áo dài. Tôi dụng công sử dụng họa tiết Nhật Bản. Khi gặp gỡ nhau, họ nhận ra ngay và tất nhiên có chuyện để giao lưu, thấu hiểu nhau hơn. Trong trường hợp này, áo dài như là “miếng trầu làm đầu câu chuyện”. Tương tự, thiết kế áo dài cho chính khách, khi người mặc đến nước nào, tôi lấy văn hoá đặc trưng của nước đó để đưa vào áo dài theo cách rất tinh tế… Tôi nghĩ, mỗi áo dài đều có những câu chuyện, giá trị khác nhau, quan trọng là NTK có mục đích trong sáng, thiết kế có mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội hay không.

Phóng viên: Ý tưởng đưa áo dài thành quốc phục đã được bàn thảo từ rất lâu nhưng chưa thành hiện thực. Ông có ngại khi trở thành quốc phục, sáng tạo trong thiết kế áo dài sẽ hạn chế hơn vì quốc phục thì phải có những quy chuẩn nhất định?

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Chúng tôi rất ủng hộ ý tưởng này, đã bàn thảo rất nhiều và nhận thấy sẽ rất khó, nhưng không có nghĩa là chúng ta không làm được. Trong 2 năm qua, Câu lạc bộ Áo dài Việt Nam đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Công Đoàn Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo để đào tạo  hàng nghìn NTK áo dài. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kêu gọi mặc áo dài vào dịp 8/3 hay 20/10, có khi là mặc áo dài cả tuần, cả tháng. Tức là thay vì suy nghĩ quá nhiều, chúng tôi làm những điều thiết thực để áo dài đi vào đời sống. Khi có ngày càng nhiều người làm về áo dài, người người, nhà nhà mặc áo dài thì khi ấy, việc áo dài trở thành quốc phục sẽ nhanh hơn.

Tôi nghĩ, đến nay chúng ta chưa có quy định chính thức áo dài là quốc phục nhưng trong dân gian thì áo dài đã trở thành quốc phục được lựa chọn rồi. Ví dụ, vào dịp lễ, sự kiện quan trọng, họ luôn chọn áo dài. Đến một thời điểm nào đó, mặc áo dài sẽ trở thành văn hoá… Tất nhiên, áo dài sẽ phải là tác phẩm nghệ thuật có giá trị văn hoá cao, ngoài sản phẩm tiêu dùng bình thường thì phải có những sản phẩm cao cấp. Giống như bộ kimono của Nhật Bản hay hanbok của Hàn Quốc khi ra nước ngoài, các nghệ nhân làm các bộ trang phục truyền thống của họ có giá từ 30.000 – 50.000 USD. Các tác phẩm như thế sẽ sớm giúp lan toả giá trị của trang phục truyền thống ra thế giới, không chỉ là tinh thần mà còn cả về giá trị vật chất, giá trị của sáng tạo trong đó.

Chúng tôi không lo lắng việc áo dài trở thành quốc phục thì NTK sẽ bị hạn chế sáng tạo vì hiện nay Đảng, Nhà nước đưa ra nhiều chính sách để khuyến khích sáng tạo, đưa hình ảnh áo dài lan toả trong nước và quốc tế. Với các biến tấu áo dài, người sử dụng sẽ lựa chọn những gì tốt đẹp, phù hợp nhất với họ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoa Nguyễn (thực hiện)
.
.
.