Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ Bảy, 09/04/2022, 16:20

Ngày 9/4, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố quyết định đưa “Lễ Giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 1783, sau khi thua quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh phải vượt biển mang theo vợ, con và gia đinh, thuộc hạ chạy ra đảo Côn Lôn (Côn Đảo ngày nay) lánh nạn. Cùng với những người dân chài đang sinh sống ở Côn Lôn, Nguyễn Ánh đã lập nên 3 làng: An Hải, An Hội và Cỏ Ống.  

Để đánh lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh dự định gửi con cả là hoàng tử Hội An (tên tục là hoàng tử Cải) đi theo cố đạo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến (tên tục là Lê Thị Răm) ngỏ lời khuyên Nguyễn Ánh không nên nhờ vả ngoại bang… Nguyễn Ánh không những không nghe lời khuyên của bà mà còn tức giận, nghi bà thông đồng với quân Tây Sơn nên định giết bà. Nhờ quân thần can xin, Nguyễn Ánh đã tống giam bà vào một hang đá trên đảo Côn Lôn nhỏ, về sau núi đó được đặt tên là hòn Bà.

Bà Rịa-Vũng Tàu có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên  -0
An Sơn Miếu tại huyện Côn Đảo.

Khi quân Tây Sơn đánh ra đảo, Nguyễn Ánh bỏ chạy ra biển. Hoàng tử Cải lúc đó mới 4 tuổi tỏ ý đòi mẹ đi cùng. Trong cơn tức giận và nghĩ rằng bụng dạ Cải rồi cũng như mẹ nên Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác hoàng tử Cải đã trôi vào bãi biển Cỏ Ống. Dân làng đã chôn cất hoàng tử.

Phần bà Phi Yến, sau khi được dân làng giải cứu và biết tin con trai mình đã mất, bà vô cùng đau xót. Bà đứng hoài trước mộ con và khóc, tình cảnh thật thương tâm. Dân làng cám cảnh, họ hát ví: “Gió đưa cây Cải về trời, Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”. Và người dân Côn Đảo tin rằng, câu hát này, xuất phát từ một câu chuyện lịch sử, đau lòng như thế.

Bà Rịa-Vũng Tàu có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên  -0
Tượng Thứ phi Hoàng Phi Yến được thờ tại An Sơn Miếu.

Vào tháng 10 âm lịch năm 1785, làng An Hải tổ chức hội làm chay tế lễ trong làng. Họ xin rước bà Phi Yến đến tham dự cho thêm phần long trọng. Đêm hôm ấy, bà bị tên đồ tể Biện Thi lẻn vào cấm phòng của bà giờ trò sàm sỡ, song Biện Thi chỉ vừa nắm được tay bà thì bà đã kịp tri hô cho dân làng bắt giam chờ xét xử. Cũng đêm hôm ấy, bà Phi Yến đã liều mình tự tử để được vẹn toàn danh tiết.

Từ khi bà Thứ phi Phi Yến mất (18/10 âm lịch năm 1785), người làng An Hải thương tiếc, cảm phục người phụ nữ trung trinh tiết liệt, đã lập miếu thờ bà với tên gọi An Sơn Miếu tự tổ chức lễ giỗ cho bà.

Năm 1861, sau khi chiếm đảo, thực dân Pháp đã quyết định di dời toàn bộ dân để xây dựng nhà tù nên ngôi miếu dần bị đổ nát. Đến năm 1958, chính quyền chế độ cũ đã xây dựng lại miếu thờ bà bà Phi Yến, đặt tên là An Sơn Miếu.

Bà Rịa-Vũng Tàu có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên  -0
Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến được tổ chức trang trọng hàng năm tại huyện Côn Đảo.

Từ đó đến nay, qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo, ngôi miếu luôn được giữ gìn khang trang. Để tưởng nhớ bà, vào ngày 17 - 18 tháng 10 (Âm lịch) hàng năm, người dân Côn Đảo đều long trọng tổ chức lễ giỗ bà và đã trở thành lễ hội văn hóa truyền thống lớn trong năm, được Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Côn Đảo tổ chức trang trọng.

Năm 2007, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xếp hạng Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến thuộc di tích lịch sử - văn hóa. An Sơn Miếu là di tích cấp tỉnh.

Hoàng Anh
.
.
.