Lễ Cầu mưa của người Kho ở Tây Nguyên
Tháng 3, Tây Nguyên hanh hao, các mạch nước tươi mát khởi nguồn từ dãy núi cao Nam Trường Sơn cạn dần. Cây cối, hoa màu khát nước, nắng nóng vẫn chói chang, người dân ở buôn bắt đầu những ngày thiếu nước.
Đúng vào cao điểm khô hạn nhất trong năm, người Kho ở vùng Đam Rông (Lâm Đồng) làm Lễ Cầu mưa – nhô dơng. Bà con tin rằng, sau ngày làm lễ, lòng thành của người dân vang vọng tới đấng thần linh trên cao, Yàng (ông trời) sẽ ban phát những cơn mưa đầu mùa cho vùng đất hạn, đem tới những tháng ngày tươi mát, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trước ngày diễn ra Lễ Cầu mưa, ở khoảng đất rộng đầu buôn, những cây nêu anh, nêu em đã được bà con dựng lên. Kề đó, các loại công cụ lao động như cối chày giã gạo, xà gạc, dao phát, gùi… cùng hạt giống đậu, lúa, bắp, bầu, khoai, sắn… đã được sắp đặt đầy đủ. Điều này tượng trưng cho cuộc sống gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp từ đời này qua đời khác của bà con nơi đây. Từ sáng sớm, nơi tổ chức Lễ Cầu mưa của người Kho nổi lên ba hồi tù và khi dân buôn đã hội tụ đông đủ. Người có uy tín nhất vùng - già làng KTư dõng dạc cất tiếng vang vọng khỏe khoắn: “Ơ Yàng, các Yàng mây, Yàng mưa, Yàng sấm, Yàng chớp, Yàng sét. Này đây lễ vật dâng cho các Yàng. Yàng dựng nêu anh, Yàng dựng nêu em, đứng chứng kiến khắp vùng này nhé. Hỡi Yàng núi, Yàng sông, Yàng trời, Yàng đất. Xin lạy các Yàng cho mưa, cho gió. Xin cho mưa thuận, gió hòa, có lúa, có thóc, có bắp đầy nhà. Muốn có trăm gùi bắp, muốn có ngàn gùi lúa, ăn được chắc, bán được giá, con cái được ấm no!...”.
Giàng làng tiếp tục cầu xin các vị thần linh chứng giám cho lòng thành của người dân buôn bản. Xin Yàng phù hộ cho mọi người được khỏe mạnh, giàu có và bình an. Xin được sống đến già, đến bạc tóc, rụng răng. Xin sinh con ra muốn được khỏe mạnh, nuôi con được lớn khôn. “Hỡi Yàng cồng, Yàng chiêng!... Đánh được nghe tiếng vang, thổi được nghe tiếng nhạc!… Đánh một buôn cả bảy buôn nghe, đánh bên này nghe được bên kia. Xin cho hạ chiêng xuống!..”, già làng KTư cầu xin.
Lời già làng vừa dứt cũng là lúc diễn ra Lễ Hiến sinh (một con gà, một con dê) để tỏ lòng thành kính, tạ ơn với các vị Yàng đã che chở cho bà con buôn bản. Già làng lấy tiết gà bôi lên cây nêu, mặt chiêng và các lễ vật cùng lời khẩn cầu xin Yàng được linh ứng.
Kế tiếp là nghi thức tắm dê để chọc giận Yàng theo quan niệm truyền thống của người Kho ở Lâm Đồng. Già làng dùng quả bầu múc nước đổ lên khắp người con dê đang buộc vào gốc cây nêu. Trong quan niệm dân gian của đồng bào Kho, việc tắm dê và lấy trứng của con chim đen là hai việc kiêng kỵ. Điều này đụng chạm tới đất trời khiến thần linh tức giận, gieo sấm chớp mưa gió xuống trừng phạt nhân gian. Những ngày sau đó, mây đen kéo đến, giông tố nổi lên, mưa gió dầm dề, cây cối tốt tươi…
Kết thúc phần lễ, dàn chiêng được hạ xuống, cả buôn làng cùng vào hội rộn rã với những bài chiêng hân hoan vui mừng. Tiếng chiêng dồn dập vang lên, mừng ngày hội buôn. Tiếng chiêng proh gọi nhau, tiếng chiêng drênh gọi mưa... tấu lên thổn thức. Vòng xoang thêm rộng, những điệu dân vũ nồng nhiệt, đắm say. Những ché rượu cần được khui, cuộc vui cứ như thế chếnh choáng với men rừng. Tiếng chiêng càng lúc càng vang xa, tiếng kèn bầu thao thiết, các điệu múa rạo rực để các Yàng thêm vui, lời khấn cầu càng thêm linh ứng. Nghi thức cầu mưa truyền thống của người Kho ở Lâm Đồng có thể kéo dài xuyên suốt 3 ngày, tùy theo điều kiện.
Theo ông Hoàng Mạnh Tiến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, lễ hội cầu mưa của đồng bào Kho được lưu giữ qua nhiều đời, gắn liền với cuộc sống sản xuất nông nghiệp, trong đó nguồn nước là điều kiện không thể thiếu. Tháng hai, tháng ba hằng năm, khi Tây Nguyên bước vào cao điểm mùa khô, nắng hạn gay gắt, mùa màng khát nước, với quan niệm vạn vật hữu linh, bà con lập lễ cúng Yàng, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.