“Lá đơn thứ 72”, vở kịch giàu ý nghĩa

Thứ Tư, 04/05/2022, 10:02

Dựa trên một vụ án oan được kể lại bởi luật sư Nguyễn Trọng Tỵ - nguyên Thẩm phán TAND Tối cao, vở kịch “Lá đơn thứ 72” vừa có buổi biểu diễn đầu tiên vào tối 2/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đây là vở diễn của một đơn vị sân khấu tư nhân Lệ Ngọc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có sự phối hợp thực hiện của 2 cựu Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Vở kịch “Lá đơn thứ 72” lấy bối cảnh miền Bắc những năm 1960 – 1970. Ngay phút mở màn, sân khấu bao phủ một màu u ám. Đức Minh - người tù số 003 mang theo nỗi uất ức vì chịu án oan. 8 năm ròng, người tù ấy luôn chấp hành tốt tất cả các nội quy của trại nhưng không ngừng viết đơn gửi Bác Hồ với mong muốn được giải oan.

71 lá thư được gửi đi, 71 lần gặp cán bộ điều tra là 71 lần được trả lời: Án xử đúng, yên tâm cải tạo! Mặc cho cán bộ trại giam khuyên giải, bạn tù chế giễu, người tù ấy vẫn viết lá đơn thứ 72 gửi đến Bác Hồ, đồng thời viết 1 lá đơn khác, nhờ vợ gửi tận tay Viện trưởng Viện KSND Tối cao. Tin tưởng chồng không thể là một kẻ sát nhân, người vợ mang lá đơn, xin gặp và trao tận tay Viện trưởng.

Cán bộ điều tra vụ án lâu năm cản trở. Những nội dung lặp đi lặp lại được bổ sung vào chồng hồ sơ sau mỗi lá đơn được gửi đi trước đó với các nhân chứng, vật chứng mà nếu chỉ đọc hồ sơ, khó ai tin là người tù số 003 chịu án oan. Tất cả như bức tường sừng sững ngăn cản bước chân người vợ. May mắn là chị gặp Dư, một điều tra viên khác.

Dư phát hiện nội dung ghi trong hồ sơ còn có những điểm mờ nên anh đã lặn lội về tận địa phương mà Đức Minh – người tù số 003 từng sinh sống. Tìm hiểu qua những người từng quen biết Đức Minh, anh phát hiện, người tù này từng là người lính, xung phong ra chiến trường để bảo vệ Tổ quốc, là cán bộ, đảng viên và là người được dân địa phương nhận định là hiền lành, tử tế. Đức Minh không có động cơ gây án.

7b227b19-59b7-4dcb-9258-0720abe046c5.jpg -0
Hình tượng Bác Hồ được thể hiện xúc động trong vở kịch “Lá đơn thứ 72”.

Cùng thời điểm này, tại Phủ Chủ tịch, lá đơn kêu oan thứ 72 của Đức Minh – người tù số 003 đến tay Bác Hồ. Có một điều khiến Người chú ý là tác giả bức thư không một lần xin giảm án. Anh ta chỉ thiết tha được minh oan, luôn đặt niềm tin sắt son vào Đảng, vào Bác. Hơn thế, hàng tháng, anh đều dành dụm số tiền ít ỏi của mình, thiết tha đề nghị được đóng Đảng phí. Cán bộ trại giam từ chối, động viên anh ta yên tâm cải tạo tốt để sớm làm lại cuộc đời.

Dù vậy, người tù số 003 vẫn đều đặn bỏ số tiền dành đóng Đảng phí vào ống tre, chờ ngày được minh oan. Chính nội dung này khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định yêu cầu Viện trưởng Viện KSND Tối cao điều tra lại vụ án với lời nhắn nhủ: “Xã hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của chúng ta đã có độc lập, đã có tự do và bây giờ mọi người phải được bình đẳng, được ấm no và đấu tranh cho hạnh phúc. Bác chỉ mong vậy thôi!”.

Thực tế, trung tâm của câu chuyện, đặc biệt là gần như suốt nửa đầu vở diễn đều xoay quanh người tù số 003, nhưng trong vở “Lá đơn thứ 72”, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc hoạ rất rõ nét. Đúng như lời hứa của các nghệ sĩ ngay từ khi bắt đầu công bố khởi dựng tác phẩm là cố gắng khắc họa chân thực nhất, thuyết phục nhất về “Người cha già” luôn hết lòng vì dân, vì nước, gần dân, quan tâm tới người yếu thế nhất.

Trong vở diễn, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển tải sinh động, không chỉ bằng lời thoại, mà còn bởi diễn xuất của nghệ sĩ Văn Hải – người đóng vai Bác Hồ. Từ phục trang, động tác, giọng nói đến cách thoại của nghệ sĩ Văn Hải rất giống Bác lúc sinh thời. Dù rằng, khi ê kíp công bố diễn viên đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ, không ít người nghi ngại, vì ngoại hình ngoài đời thực của nghệ sĩ Văn Hải rất khác với Bác.

Vở kịch “Lá đơn thứ 72” nói về vụ án oan được Bác Hồ chỉ đạo điều tra lại từ hơn nửa thế kỷ trước. Nhưng qua cách “kể” của đạo diễn và các nghệ sĩ trong từng lớp kịch, từng câu chuyện nhỏ về số phận các nhân vật, kể cả các thành viên trong gia đình của người bị hàm oan và kẻ phạm tội, hay các câu chuyện của những phạm nhân đang thụ án trong trại giam…, người xem cảm nhận như là chuyện của đời sống hôm nay, dù rằng, có thể vở diễn chưa hoàn hảo như mong đợi, còn đôi chỗ chưa hoàn thiện trong suất diễn đầu tiên. “Lá đơn thứ 72” là một trong những tác phẩm nghệ thuật – thành quả từ hoạt động thiết thực, giàu ý nghĩa mà các nghệ sĩ kính dâng lên Bác dịp này.

Hoa Nguyễn
.
.
.