Kiều bào với biển đảo Việt Nam
“Trước chuyến thăm Trường Sa năm 2012, ngoài sự hào hứng, hồi hộp, tôi còn có chút hoài nghi, do dự. Sau chuyến đi đó, sự hoài nghi trên đã biến mất, thay vào đó là niềm tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trường Sa và nhà giàn DK1 chính là mẫu số chung giúp bà con kiều bào và người dân trong nước hiểu nhau hơn”, nhà báo Etcetera Nguyễn, Việt kiều Mỹ chia sẻ.
Sợi dây kết nối
Dù đã 7 lần đưa kiều bào ra thăm Trường Sa nhưng Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái vẫn không quên kỷ niệm về chuyến thăm Trường Sa năm 2014. Khi đó, trong thành phần đoàn công tác có một số người chống đối Việt Nam, được Bộ Ngoại giao mời trở về, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Lập, Thiếu úy thủy quân lục chiến ngụy quân. “Ban đầu, ông Nguyễn Ngọc Lập không có sự hợp tác. Khi lên đến đảo, ông Lập bị ốm, phải đưa về đất liền bằng thủy phi cơ. Ngày đón đoàn kiều bào từ Trường Sa trở về đất liền, ông Lập ra tận cầu cảng đón đoàn và có thái độ khác hẳn so với lúc khởi hành. Có thể nói, Trường Sa và nhà giàn DK1 chính là chất kết dính, tạo nên sự đoàn kết giữa người Việt Nam ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài”, Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái khẳng định.
Cũng theo chia sẻ của Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái: “Trước khi bước chân lên tàu, bà con Việt kiều phần lớn còn có nhiều điều lăn tăn, nhưng trong nhiều ngày cùng sống, cùng trải nghiệm với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo, bà con đều cảm nhận được sự ấm lòng, yên lòng và an lòng: Ấm lòng vì đời sống cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo dần được cải thiện; Yên lòng với thế trận phòng thủ trên đảo, nhà giàn, biển được cải thiện rõ rệt; An lòng với chính sách hậu phương vững chắc”.
Đồng quan điểm với Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, nhiều bà con Việt Kiệu tại Ba Lan và Italy khi tham gia cuộc toạ đàm mang tên “Kiều bào với biển đảo Việt Nam” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức trực tuyến hôm 19/11 tại hơn 30 điểm cầu ở trong và ngoài nước cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Trường Sa là sợi dây kết nối bà con ở nước ngoài. Với họ, những câu chuyện và cảm xúc trong các hải trình thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1… là kỷ niệm không bao giờ phai, giúp họ gắn bó hơn với quê cha đất mẹ. Chẳng thế mà sau khi đặt chân đến đảo, ông Giáp Văn Chung, Việt kiều tại Hungary đã xuất khẩu thành câu thơ đầy cảm xúc: “Trường Sa xin đến một lần/Để mang Tổ quốc thật gần trong tim”.
Chị Cao Hồng Vinh, Chủ tịch CLB Hoàng Sa-Trường Sa tại Ba Lan thì kể, sau những chuyến đi Trường Sa và nhà giàn DK1 đó, những người Việt Nam đang sinh sống ở châu Âu đã thành lập một hội với gần 100 thành viên. Đây là nơi bà con cùng nhau ôn lại kỉ niệm, kết nối thông tin và tập hợp nguồn lực hướng về Trường Sa, cũng như chia sẻ khó khăn trong cuộc sống.
Theo ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, liên tục từ năm 2012 đến năm 2019, Ủy ban đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức 8 đoàn kiều bào với gần 600 lượt đại biểu ra thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
“Bà con đã được tận mắt chứng kiến những đổi thay trên các “đảo nổi, đảo chìm” và cảm nhận ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, nâng cao rõ rệt sự gắn bó, tình cảm và trách nhiệm của kiều bào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau mỗi chuyến đi, đồng bào ta đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như thành lập các Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức, Ba Lan, CH Czech..,, Quỹ vì chủ quyền biển, đảo tại Hàn Quốc, Singapore...; tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về Biển Đông, xuất bản sách, ảnh về Trường Sa...
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2012 đến nay, kiều bào đã đóng góp cho quần đảo Trường Sa hơn 10 tỷ đồng, trong đó có một xuồng chủ quyền trị giá hơn 3 tỷ, hơn 3 tỷ đồng vào “Quỹ Vì biển, đảo Việt Nam” và nhiều hiện vật trị giá hàng tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nói.
Lan toả tình yêu quê hương
Kể thêm về các chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 của các đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, Thượng tá Vũ Hữu Kiêm thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân cho hay, Trường Sa hiện nay đã khác nhiều so với thời điểm năm 2012 khi đoàn kiều bào đầu tiên ghé thăm. Đóng góp của bà con kiều bào đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa lớn, góp phần phản bác những luận điệu thiếu chính xác về tình hình biển đảo quê hương.
Ông David Nguyễn, kiều bào tại Mỹ tâm sự, nhờ chuyến đi năm 2014, ông được trải nghiệm và lưu trữ được nhiều tài liệu, ảnh chụp quý giá. Từ một người chống đối, bản thân ông đã thay đổi hoàn toàn, tham dự nhiều cuộc tranh luận, phản bác lập luận xuyên tạc liên quan đến chủ quyền biển đảo dựa trên sự thật mắt thấy tai nghe. "Chuyến đi này đánh dấu khúc chuyển trong cuộc đời hoạt động của tôi, để tôi hiểu hơn về sự thật", ông David Nguyễn nhấn mạnh.
Còn dưới góc nhìn của một nhà báo, ông Etcetera Nguyễn, kiều bào tại Mỹ, các chuyến đi thăm Trường Sa có ý nghĩa vô cùng lớn đối với công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc vì rằng, không có biện pháp tuyên truyền nào hiệu quả bằng mắt thấy tai nghe trực tiếp. Ông Etcetera Nguyễn kể, tại cộng đồng nơi ông sinh sống có nhiều ý kiến trái chiều, tương đối khắc nghiệt và tiêu cực về Việt Nam nên ông rất đau đáu muốn tìm hiểu sự thật.
Từng là Tổng thư ký tờ Việt Weekly, một tờ báo nói về cộng đồng người Việt ở Mỹ và nay là Chủ nhiệm kiêm phóng viên kênh Vietnam Today, nên sau các chuyến thăm Trường Sa, ông Etcetera Nguyễn và những đồng nghiệp của mình đã thực hiện một loạt bài báo, ảnh triển lãm về Trường Sa, khiến cộng đồng người Việt tại hải ngoại thay đổi cái nhìn về tình hình biển đảo Tổ quốc cũng như về chính sách biển, đảo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. “Trường Sa và nhà giàn DK1 chính là mẫu số chung giúp bà con kiều bào và người dân trong nước hiểu nhau hơn”, nhà báo Etcetera Nguyễn chia sẻ.
Là thành viên của đoàn kiều bào thăm Trường Sa năm 2018, chị Hiệu Constant, một nhà văn người Việt đang sinh sống và làm việc tại Pháp đã gửi gắm nhiều cảm xúc trong cuốn Truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” được NXB Dân trí phát hành tháng 5/2021. Chị Hiệu Constant tâm sự, việc xuất bản sách bắt nguồn từ ý định ban đầu là viết một vài bài báo. Qua cuốn sách này, chị Hiệu Constant hy vọng những ai chưa từng đi Trường Sa cũng hình dung được cuộc sống của quân dân trên đảo, khẳng định kiều bào dù ở bất kỳ nơi đâu vẫn luôn hướng về quê hương, đất nước.
“Trường Sa - Một lần là mãi mãi” cho chúng ta gặp một Trường Sa mới, Trường Sa của ngày hôm nay. Trên đảo có chùa, có trường học, bệnh xá. Nhiều đảo đã có điện, có sóng truyền hình, đài phát thanh và điện thoại di động. Bất cứ lúc nào, các chiến sĩ cũng có thể gặp được người thân. Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông, Trường Sa, nhà giàn DK1/18... những hòn đảo nổi, đảo chìm của Trường Sa không còn xa cách nữa. “Những ngôi chùa ở Trường Sa - Cột mốc tâm linh” cho ta thấy các công trình được xây dựng trên đảo đang khẳng định rõ Trường Sa mãi mãi là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam”, chị Hiệu Constant viết.