“Khoác áo mới” cho Festival Huế

Thứ Năm, 17/02/2022, 09:50

Bắt đầu từ năm 2000, Festival Huế được tổ chức định kỳ hai năm l lần vào những năm chẵn; nhưng đến năm 2020 do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên đã tạm gián đoạn. Năm 2022, Festival Huế tổ chức trở lại, song với hình thức hoàn toàn mới, cụ thể là không tập trung liên tục vào một thời điểm như trước mà chương trình lễ hội được trải dài cả năm…

Trong hai ngày 8 và 9/2, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức khai hội Đền Huyền Trân, khởi đầu cho Lễ hội Festival Huế 2022. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Khác với các kỳ festival trước, Festival Huế 2022 không tập trung các chương trình nghệ thuật diễn ra trong một thời gian nhất định, mà tổ chức quanh năm theo chủ đề Festival bốn mùa. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình được phân bố theo thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách.

2.jpg -0
Đoàn nghệ thuật cà kheo của Bỉ biểu diễn đường phố tại Festival Huế.

Cụ thể, lễ hội mùa Xuân với chủ đề “Sắc xuân giao hòa” diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 với các lễ hội cung đình, dân gian đặc thù. Khởi động bằng chương trình lễ Ban Sóc, lễ Thượng Nêu. lễ hội Đền Huyền Trân, lễ tế Xã Tắc, Festival thơ Huế, điểm nhấn là lễ hội Huế - Kinh đô ẩm thực diễn ra vào tháng 3. Lễ hội mùa Hạvới chủ đề Festival Huế “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6 với chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật đặc sắc của Huế, các đoàn, nhóm nghệ thuật và ca sĩ độc lập có tính đặc thù, có chất lượng nghệ thuật cao ở các vùng văn hóa của Việt Nam và quốc tế, lễ hội áo dài, lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”, lễ Tế Giao, đêm nhạc Trịnh Công Sơn…

Lễ hội mùa Thu với chủ đề “Thu quyến rũ” diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9 với các chương trình như lễ hội “Hương xưa làng cổ”, lễ hội Điện Huệ Nam tháng 7, lễ hội Truyền Lô, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hương; lễ hội đèn lồng cố đô; ngày hội Lân Huế. Lễ hội mùa Đôngvới chủ đề “Giai điệu mùa Đông” diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12 với các chương trình như Liên hoan “Giọng ca vàng Bolero Huế”, Festival âm nhạc – “Giai điệu mùa đông” và khép lại là chương trình Countdown 2022…

Chị Nguyễn Thị Minh Anh, một du khách ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi và nhóm bạn đã nhiều lần lên kế hoạch để tham dự Festiaval Huế. Thế nhưng, mọi năm trước, lễ hội tổ chức tập trung trong mấy ngày, nhiều người không sắp xếp được công việc nên tạm gác lại. Năm nay, Festival Huế diễn ra 4 mùa nên chúng tôi có nhiều cơ hội hơn để tham dự lễ hội”.

“Festival Huế 2022 với gần 50 sự kiện văn hóa được tổ chức liên tục, kéo dài trong năm do các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế thực hiện, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa vùng miền, quốc gia nhằm giao lưu, hợp tác văn hóa, tôn vinh, quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô văn hiến với 7 di sản được UNESCO vinh danh. Tại lễ hội, nhân dân và du khách vừa là người hưởng thụ vừa là chủ thể sáng tạo, quyết tâm xây dựng Huế thành TP Festival đặc trưng, là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ thêm.

Có thể khẳng định, trải qua nhiều kỳ Festival, di sản văn hóa Huế đã được phát huy từ văn hóa cung đình đến dân gian, mang đậm tính truyền thống và thời đại. Lượng khách du lịch đến Huế trong các kỳ Festival cũng ngày một tăng lên. Để xứng đáng với thành phố Festival của Việt Nam, Huế tiếp tục cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố Festival như chỉnh trang kiến trúc đô thị, hệ thống giao thông, xử lý nước thải, rác thải, hệ thống chiếu sáng đô thị, công viên, quảng trường và vệ sinh môi trường.

Ngoài các nguồn vốn đầu tư cho các dự án của trung ương trên địa bàn, hàng năm ngân sách Trung ương cũng hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng trong chương trình mục tiêu xây dựng TP Festival.

Hải Lan
.
.
.