Khát vọng đưa tò he ra thế giới

Chủ Nhật, 11/09/2022, 08:44

Cùng với trống cơm, đèn ông sao, trống ếch, mặt nạ giấy, tàu thuỷ sắt, tò he không thể thiếu trong mỗi dịp Trung thu. Đây là những đồ chơi truyền thống có từ lâu đời nhưng dần bị mai một khi đồ chơi hiện đại, nhập ngoại tràn ngập thị trường.

Song tại làng nghề sản xuất tò he duy nhất ở Việt Nam - thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) vẫn còn rất nhiều nghệ nhân không chỉ giữ được nghề nặn tò he, mà họ còn khát vọng đưa đồ chơi dân gian, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc này ra với thế giới.

6-1.jpg -0
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành hướng dẫn các em học sinh Trường THCS Chu Văn An nặn tò he.

Tò he truyền thống vẫn được đón nhận

Trong không gian ấm áp, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành, nguyên Chủ nhiệm CLB Làng nghề truyền thống Tò he Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) hướng dẫn nặn tò he cho 54 học sinh lớp 9A9 trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội). Em Bùi AnhThư hào hứng nói: “Đây là lần đầu tiên cháu được nặn tò he do nghệ nhân hướng dẫn, một hoạt động bổ ích mà Ban phụ huynh và cô chủ nhiệm tổ chức để chúng cháu vui Trung thu. Qua đó cháu biết thêm một nghề truyền thống, biết đến một món đồ chơi dân gian đặc sắc được làm từ bột nếp, từ sự khéo tay tài hoa của nghệ nhân”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành cho biết, thay vì mua những món đồ chơi đắt tiền, đồ chơi nhập ngoại, dịp Trung thu năm nào anh và các nghệ nhân trong làng cũng được nhiều trường học, giáo viên mời hướng dẫn nặn tò he cho các em học sinh từ mẫu giáo lên đến THCS. Anh Thành có 10 năm là Chủ nhiệm CLB Làng nghề truyền thống nặn Tò he Xuân La duy nhất Việt Nam, có tay nghề xuất sắc, được UBND TP Hà Nội phong tặng Nghệ nhân Hà Nội Tò he năm 2014.

Năm 2015, anh được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2022, anh có tên trong danh sách Nghệ nhân nhân dân và đang chờ trao quyết định. “Cả làng Xuân La ai cũng biết nặn tò he. Đến nay có hơn 100 người làm nghề, đi khắp đất nước để nặn tò he. Phải cạnh tranh với các loại đồ chơi hiện đại rẻ mà tiện dụng, nhưng đồ chơi truyền thống vẫn được đón nhận, vì thế người làm tò he vẫn sống được bằng nghề”, anh Thành cho biết.

Cách đây hơn 10 năm, nghề nặn tò he dần bị mai một do phải cạnh tranh với các loại đồ chơi hiện đại tràn ngập thị trường, nhiều người đã bỏ nghề đi kiếm việc khác. Để giữ nghề truyền thống, các nghệ nhân cao tuổi ở Xuân La đau đáu tâm huyết bảo tồn, duy trì và phát triển giá trị di sản văn hoá của dân tộc. Năm 2009, CLB Làng nghề truyền thống nặn Tò he Xuân La với 54 hội viên ra đời, do anh Thành làm Chủ nhiệm. Năm 2011, làng nghề Xuân La chính thức được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống của Hà Nội.

Khát vọng đưa tò he ra thế giới -0
Hướng dẫn các em học sinh lớp 9A9 Trường THCS Chu Văn An nặn tò hè.
Khát vọng đưa tò he ra thế giới -1

Cần sự chung tay hỗ trợ làng nghề

Anh Thành cho biết, tò he không chỉ vang xa trong nước mà còn vang xa nhiều nước trên thế giới như: Năm 2003, nghệ nhân Đặng Văn Tố đã mang tò he sang nước Nhật để trình diễn, quảng bá nét đẹp văn hoá Việt Nam; năm 2005, nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận cũng mang tò he sang tham dự Tuần văn hoá Việt - Mỹ; năm 2012, tại chương trình giao lưu nghệ nhân các nước ASEAN ở Thái Lan, anh Thành đã nặn tò he chân dung, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao…

Để “giữ lửa” cho làng nghề, anh Thành và các nghệ nhân trong làng luôn đau đáu một trăn trở làm sao cho những con giống tò he có sức sống lâu bền hơn và được nhiều người đón nhận hơn, nên anh và các nghệ nhân đã tìm tòi, thử nghiệm, tích cực sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới để cạnh tranh với các đồ chơi hiện đại như: Tò he được đặt trang trí trên mẹt tre, lọ gốm, các sản phẩm áp dụng trong học đường, đồ dùng học tập mẫu giáo… Đặc biệt, các nghệ nhân còn nghiên cứu ra chất liệu bột để được lâu vài năm, nặn các sản phẩm trưng bày làm quà lưu niệm.

“Đến nay tò he vẫn cạnh tranh được với các đồ chơi hiện đại do đây là đồ chơi truyền thống có từ nhiều đời, nguyên liệu an toàn bằng gạo nếp, màu sắc được chiết xuất từ hoa củ quả tự nhiên đảm bảo an toàn. Đặc biệt, đây là loại hình trình diễn nghệ thuật tại chỗ nên đã đáp ứng nhu cầu của mọi lứa tuổi, vì vậy đã quảng bá được tới khách du lịch quốc tế”, anh Thành tự hào nói.

Tuy nhiên, khát vọng đưa tò he xuất khẩu vẫn chưa thành hiện thực dù sản phẩm này đã đạt chất lượng OCOP 4 sao, đáp ứng được xuất khẩu. Nguyên nhân theo anh Thành là còn gặp khó khăn về đầu ra, nên rất cần các cấp, các ngành hỗ trợ cho làng nghề.

“Cơ sở vật chất của làng nghề hiện còn thiếu thốn, rất mong TP hỗ trợ làng nghề có nhà truyền thống để trưng bày các sản phẩm độc đáo của các nghệ nhân; xây dựng làng nghề Xuân La trở thành điểm du lịch trong chuỗi du lịch làng nghề truyền thống của Việt Nam. Chúng tôi mong muốn tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hơn nữa về nghề nặn tò he, để người dân hiểu giá trị của đồ chơi truyền thống”, anh Thành đề xuất.

Trần Hằng
.
.
.