Khám phá nhà trưng bày văn hoá Khmer ở Sóc Trăng
Tọa lạc tại đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 6, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), Nhà trưng bày văn hoá Khmer là nơi lưu giữ tổng hợp các hiện vật sinh động và đa dạng về đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất, sinh hoạt của cả dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Với diện tích 2.344 m2, Nhà trưng bày văn hoá Khmer gồm 2 phân khu: khu trưng bày hiện vật chiếm 368 m2, còn lại là sân và khu văn phòng mới được xây dựng sau này. Khu trưng bày hiện vật rộng 368m2, là nơi lưu giữ tổng hợp các hiện vật sinh động và đa dạng về đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất, sinh hoạt của cả dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Sóc Trăng có gần 1,2 triệu người, là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer với khoảng 362.029 người, chiếm 30,18% dân số toàn tỉnh và là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất cả nước. Người Khmer ở Sóc Trăng sống chủ yếu bằng nghề nông, có mức sống trung bình, nhưng đời sống văn hóa, tinh thần lại đa dạng và phong phú,được thể hiện rõ nét qua hơn 470 hiện vật, mô hình được trưng bày tại Nhà trưng bày văn hoá Khmer.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Sóc Trăng Sơn Thanh Liêm cho hay, toàn tỉnh có 2/8 di tích cấp quốc gia và 8/43 di tích cấp tỉnh của đồng bào dân tộc Khmer. Thời gian qua, ngành VHTTDL đã duy trì thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của 8 di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 5 di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc Khmer; 2/6 nghệ nhân nhân dân, 7/14 nghệ nhân ưu tú, 7/9 nghệ sĩ ưu tú đều là người dân tộc Khmer. “Đây là tài sản vô giá đã góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc Khmer”, ông Sơn Thanh Liêm nhấn mạnh.
Nhà trưng bày văn hoá Khmer giới thiệu rất đa dạng, đầy đủ về văn hoá Khmer, từ các nông cụ thủ công đơn sơ như: vòng gặt lúa, nọc cấy và chuôi vòng gặt được làm bằng chất liệu sừng và trang trí hình học và hình mỏ chim, cày, bừa, trục đến mô hình nhà ở kiểu nhà sàn và những mô hình lao động sản xuất xưa của người Khmer như: làm mộc, làm đồng, dệt vải, dệt chiếu… và cả những bộ trang phục truyền thống.
Được khởi công xây dựng vào năm 1936, Nhà trưng bày Văn hóa Khmer Sóc Trăng được khánh thành năm 1941 với tên gọi Hội Samacum, là nơi hội họp của đồng bào sư sãi Khmer Nam bộ. Từ năm 1986, Sở VHTT Hậu Giang tiếp nhận nơi này làm Nhà truyền thống Khmer và đến năm 1992, khi được chia tách thành tỉnh Sóc Trăng (từ tỉnh Hậu Giang cũ), Nhà truyền thống Khmer được nâng cấp lên thành Bảo tàng Văn hoá Khmer và sau này được sát nhập với Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng với tên gọi Nhà trưng bày Văn hoá Khmer Sóc Trăng.
“Đời sống văn hóa tinh thần của bà con Khmer được thể hiện sâu sắc, phong phú thông qua sự đa dạng của các hiên vật như: mô hình nghệ thuật sân khấu Rô băm (lấy nghệ thuật múa là ngôn ngữ đóng vai trò chính yếu, tuồng tích được rút ra từ các truyền thuyết nhuốm màu thần thoại, nổi tiếng từ xa xưa), Dù kê (thuộc thể loại kịch hát Khmer ra đời ở ĐBSCL vào khoảng những năm 1929-1930, trên cơ sở thừa hưởng từ nghệ thuật sân khấu Rô băm)… Song song với đó, chúng tôi cũng thực hiện nhiều đề án bảo tồn văn hoá. Đặc biệt, Tổ chức Guiness Việt Nam đã trao quyết định và công nhận “Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam từ năm 2005 đến nay”, ông Sơn Thanh Liêm nói thêm.
Có thể khẳng định, trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cùng với Bảo tàng tỉnh, Nhà trưng bày Văn hóa Khmer tỉnh Sóc Trăng được xem là một trong những điểm trưng bày tiêu biểu, còn lưu giữ được các hiện vật thể hiện rõ bản sắc văn hóa, tinh thần, quá trình phát triển cuộc sống của dân tộc Khmer.