Khai thác sức hấp dẫn của du lịch sông nước

Chủ Nhật, 15/12/2024, 07:42

Để biến tiềm năng du lịch đường sông thành hiện thực, các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển toàn diện.

Từ việc nâng cấp hạ tầng giao thông thủy, phát triển sản phẩm đặc thù đến tăng cường liên kết giữa các tỉnh thành, với mục tiêu tạo ra những hành trình du lịch hấp dẫn, đa dạng và mang đậm dấu ấn riêng của vùng đất Nam Bộ.

Khai thác sức hấp dẫn của du lịch sông nước -0
Chợ nổi Cái Răng là sản phẩm du lịch đường sông độc đáo ở TP Cần Thơ.

Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh có thế mạnh về mạng lưới giao thông đường thủy với 2 con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai chảy qua cùng với các sông nhỏ, kênh rạch có chiều dài khoảng 1.000km. Do vậy, tiềm năng về phát triển du lịch đường sông tại TP Hồ Chí Minh là rất lớn, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL.

Một trong những đặc điểm nổi bật của TP Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông đa dạng, bao gồm đường bộ, hàng không và đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối với các vùng lân cận và quốc tế. Tiến sĩ Lê Minh Quang, Giám đốc phát triển Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trọng Điểm cho rằng để đáp ứng nhu cầu của du khách, việc phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại TP Hồ Chí Minh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Cần phải tạo ra những trải nghiệm du lịch đường sông mới mẻ và độc đáo, khác biệt so với các loại hình du lịch thông thường. Sự phát triển của sản phẩm du lịch đường sông sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội. Ngoài ra, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng được thúc đẩy thông qua việc phát triển sản phẩm du lịch đường sông.

Trong khi đó, vùng ĐBSCL có ưu thế về hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt kết hợp với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, nhất là cảnh quan sông nước. Bên cạnh đó, văn hóa sông nước và chợ nổi là một trong những đặc điểm nổi bật nhất, mang đậm bản sắc văn hóa miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, du lịch đường sông tại khu vực này chưa khai thác được hết tiềm năng vốn có, sản phẩm còn đơn điệu, trùng lặp; chưa làm nổi bật sức hút đặc trưng của từng địa phương; chưa phát huy được sự liên kết, hợp tác để tạo ra sự đa dạng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ nhận định: “Các tuyến du lịch đường sông như dọc sông Mekong, sông Hậu, sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch ở ĐBSCL đều có thể trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do mỗi địa phương lại có chiến lược phát triển riêng, việc thiếu sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các tỉnh/thành đã dẫn đến nhiều hạn chế trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn”. Các tour du lịch hiện nay thường chỉ dừng lại ở việc khám phá một địa phương, mà chưa khai thác hết tiềm năng của cả một vùng rộng lớn...

Để có thể khai thác tốt hơn du lịch đường sông TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đưa ra giải pháp là cần đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường thủy (các tuyến đường sông cần được nạo vét, mở rộng để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho các hoạt động du lịch); phát triển sản phẩm đặc thù; tăng cường liên kết giữa các địa phương; tăng cường quản lý môi trường. Để phát triển du lịch đường sông được đồng bộ, hiệu quả, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang định hướng sẽ triển khai đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các tuyến du lịch đường thủy như: Đầu tư, nâng cấp bến thủy nội địa tại các địa phương; xây dựng nhà chờ tại bến tàu, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, nơi xử lý rác thải… gắn kết với các bến hành khách, đồng thời bố trí phương tiện giao thông để trung chuyển đón khách du lịch đến bằng đường thủy…

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh thông tin thêm: “Hiện có hơn 60 chương trình tour khai thác du lịch đường sông với 50 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dịch vụ này. Các sản phẩm rất đa dạng từ tầm ngắn (đi trong nội vùng), tầm trung (đi liên tuyến đến các tỉnh), tầm xa (đi sang nước bạn). Qua chuyến khảo sát cho thấy có những sản phẩm xuất phát từ bến Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh) đi đến các tỉnh, thành và các nước bạn. Trên cơ sở đó, chúng tôi đang dự kiến phát triển thêm ở các bến tàu trọng điểm của ĐBSCL, chứ không chỉ xuất phát tại bến Bạch Đằng”.   

Văn Vĩnh
.
.
.