Hội thảo khoa học Quốc gia “Hoài cố nhân - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng”

Chủ Nhật, 24/04/2022, 19:55

Tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) chiều 24/4, Trường Đại học Phú Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Viện Khoa học Giáo dục - Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đà Lạt, Trường Đại học Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Hoài cố nhân - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng”.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Nhà thơ, TS Trần Lăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên cho biết, với cuộc đời cầm bút liên tục hơn nửa thế kỷ, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, Võ Hồng là mẫu nhà giáo, nhà văn lương thiện, trong sáng và bền bỉ với nghề.

Suốt những năm dài vừa một mình nuôi ba con nhỏ, vừa dạy học, viết văn, Võ Hồng đã để lại một di sản văn chương  gồm 6 tiểu thuyết, truyện dài, hàng trăm truyện ngắn và rất nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi. Học trò của ông từ Phú Yên đến Khánh Hòa, nhiều người nay tuổi cao, đầu bạc vẫn ghi nhớ và kể lại nhiều kỷ niệm về một thời đã được học thầy.

Hội thảo khoa học quốc gia “Hoài cố nhân - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” -0
Quang cảnh hội thảo.

Với tập truyện ngắn đầu tiên “Hoài cố nhân”, Võ Hồng khởi đầu sự nghiệp văn chương, tạo nguồn cảm hứng và tinh thần hoài niệm như một đặc trưng xuyên suốt các trang viết của ông. Những đóng góp của nhà văn Võ Hồng cho quê hương, văn học, văn hóa dân tộc và giáo dục thật sự quan trọng, có ý nghĩa thực tại và hướng đến tương lai.

Theo nhà phê bình Phạm Phú Phong, những trang viết của nhà văn Võ Hồng thường biểu lộ mọi điều tốt lành cho mọi người, mọi nhà. Thế giới nhân vật của ông là thế giới của những con người yêu thương, độ lượng. Dưới ngòi bút của ông, nhân vật nào cũng trở thành người tốt, đánh thức thiên lương mỗi người, khi đưa tất cả những gì tốt đẹp về phía mình, những người tốt bụng về đứng chật trong tâm hồn nhân ái, ấm áp tình người.

Hội thảo khoa học quốc gia “Hoài cố nhân - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Còn PGS. TS Võ Văn Nhơn cho rằng, đọc tác phẩm của Võ Hồng, thấy ông luôn đồng hành với đất nước, dân tộc.

Như một người hiền của phương Đông, văn chương của ông vượt lên những thiên kiến chính trị hẹp hòi để bày tỏ chữ hiếu đối với quê hương, đất nước của mình. Vì thế mà văn chương của ông đã tồn tại bền bỉ với thời gian. Văn của ông viết về những việc bình thường, những chuyện có thật trong đời sống, chuyện của bản thân và gia đình, những chuyện không có chuyện chi để viết. Tư tưởng sâu sắc lại được biểu hiện qua những chi tiết hết sức bình thường, người đọc không phải truy tìm ở nhiều tầng, nhiều lớp xa xôi cũng có thể nhận thức được vấn đề. Với biệt tài dựng truyện, tạo không khí cho truyện và “xương thịt” cho tính cách qua những nét phác thảo cô đọng đã khiến cho Võ Hồng gần với Nam Cao về sự sắc sảo, hóm hỉnh sinh động như Nguyễn Công Hoan, tình cảm nhẹ nhàng chân chất và thiết tha của Thạch Lam. Không phải là sự cộng lại pha tạp, ảnh hưởng, mà là sự nhất quán của một văn cách tài hoa theo kiểu Võ Hồng.

Hội thảo khoa học quốc gia “Hoài cố nhân - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng” -0
Nhà văn Võ Hồng.

“Tác phẩm của Võ Hồng lúc nào cũng được trân quý, chứng tỏ chúng thật có giá trị tinh thần và lịch sử và đã trải qua được sàng lọc của thời gian. Ông đã là nhà văn lớn của nửa hậu bán thế kỷ XX, bề thế văn nghiệp của ông lớn không phải ở những triết lý, học thuyết có thể đề xướng trong các tác phẩm mà là ở sự già dặn, phong phú và chân thật của tác giả”, Nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh nhận định.

Nhà văn Võ Hồng sinh tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch – nay là khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An (Phú Yên). Trong giấy khai sinh, Võ Hồng sinh ngày 5/5/1921 nhưng theo nhà văn từng kể, ông sinh ngày 5/12 Nhâm Tuất, tức ngày 21/1/1923. Ông mất ngày 31/3/2013. Thời trung học ông học ở Quy Nhơn sau đó  học Tú tài ở Hà Nội. Ông là nhà giáo uy tín, có nhiều năm giảng dạy ở Trường Trung học Lương Văn Chánh - Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1956, nhà văn Võ Hồng dạy học ở Nha Trang, đến 1982 nghỉ hưu.

Truyện dài của Võ Hồng có các tác phẩm “Người về từ đầu non”, “Gió cuốn”, “Nhánh rong phiêu bạt”, “Thiên đường ở trên cao”...; Truyện ngắn có “Lá vẫn xanh”, “Trong vùng rêu im lặng”, “Vẫy tay ngậm ngùi”...; Văn học thiếu nhi có “Vùng trời thơ ấu”, “Tuổi thơ êm đềm”...

Bên cạnh đó, ông còn có các tác phẩm thơ “Hồn nhiên tuổi ngọc”, “Thời gian mây bay”...; Tùy bút có “Trầm tư”, “Một bông hồng cho cha”, “Chúng tôi có mặt”...

Hữu Toàn
.
.
.