Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao 31 giải thưởng cho các nghệ sĩ, tác phẩm xuất sắc
31 giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã được trao cho các nghệ sĩ, tác phẩm sân khấu xuất sắc năm 2021.
Ngày 21/2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2022 và trao giải thưởng cho các tác giả, tác phẩm và nghệ sĩ sân khấu xuất sắc năm 2021. Dịp này, Hội cũng đã tôn vinh các nghệ sĩ tròn 70, 80, 90 tuổi.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thị Thuý Mùi cho biết, năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngành sân khấu gặp nhiều khó khăn, thử khách nhưng đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả. Năm 2022, khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài nhưng Hội đã chủ động, tích cực chuẩn bị và quyết tâm triển khai nhiều hoạt động có tính nghề nghiệp sâu rộng, xây dựng các công trình nghệ thuật vở diễn có chất lượng cao.
Cụ thể, Hội sẽ phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn và các địa phương, các đơn vị nghệ thuật sân khấu cả nước tổ chức trại sáng tác và tập huấn nghiệp vụ tại Tam Đảo; tập huấn cho các tác giả trẻ tại đồng bằng sông Cửu Long; tập huấn cho đạo diễn trẻ; tổ chức Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc, Liên hoan Chèo toàn quốc, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Cải lương toàn quốc, Cuộc thi tài năng Múa rối toàn quốc.
Hội cũng sẽ xây dựng đề án và các hội thảo hướng tới những giải pháp chiến lược cho ngành sân khấu như: Xây dựng đề án tổ chức các cuộc thi đàn giỏi hát hay Tuồng, Dân ca; Chèo; Cải lương toàn quốc năm 2023; đề án tổ chức Liên hoan sân khấu xã hội hóa, đề án về chiến lược phát triển khán giả cho sân khấu 2023-2030, Hội thảo khoa học về thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW của Đảng về quy hoạch và kiện toàn xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp...
Riêng về Giải thưởng của Hội năm 2021, NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định, các kịch bản sân khấu được sáng tác năm 2021 đã thể hiện tính chuyên nghiệp, đủ chất liệu để cho các đơn vị nghệ thuật dàn dựng. Các kịch bản tham gia dự giải gồm đủ các thể loại từ kịch nói đến tuồng, chèo, cải lương... Các kịch bản khai thác đề tài rất đa dạng, gồm đề tài lịch sử, dã sử, hiện đại, chiến tranh và hậu chiến, phòng chống tham nhũng... Những vấn đề thời sự, nóng của xã hội được khai thác, phản ánh sinh động, đặc biệt ở thể loại mũi nhọn của sân khấu là kịch nói. Các tác giả đã có sự tìm tòi, giải mã các hiện tượng xã hội - lịch sử theo góc nhìn đa chiều, nhưng đều toát lên giá trị nhân văn.
Giải A Kịch bản – Sách nghiên cứu lý luận, phê bình được trao cho tác giả Chu Lai với "Mưa đỏ", PGS.TS Đoàn Thị Tình với "Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam".
Giải diễn viên xuất sắc được trao cho 7 nghệ sĩ gồm: Tạ Tuấn Minh (Nhà hát Kịch Việt Nam), Thùy Dương (Nhà hát Kịch Hà Nội), Trần Hoàng Khanh (Nhà hát Tây Đô), Nguyễn Minh Hải (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Vũ Mạnh Linh (Nhà hát Tuồng Việt Nam), Thế Quỳnh (Nhà hát Chèo Quân đội), Nguyễn Phương Phú (Đoàn Ca kịch bài chòi, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định)...